Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Những tour du lịch trong nước khuyến mại trong tháng 11

1. Tour Mộc Châu – Sơn La

Từ trung tuần tháng 11/2014, Công ty du lịch Vietravel – chi nhánh Hà Nội chính thức giới thiệu tới du khách hàng bộ sản phẩm mới mang tên “Mộc Châu – Sơn La – Du lịch theo mùa hoa” khởi hành thứ 6 hàng tuần, giá từ 2,1 triệu.

Điểm nhấn của sản phẩm là trong hành trình du lịch từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, du khách sẽ luôn được thưởng ngoạn, lưu giữ hình ảnh những mùa hoa đẹp của Mộc Châu như hoa cải trắng, hoa ban trắng, hoa đào, hoa mận.

2. Tour Đà Lạt 4 ngày 3 đêm

Nếu ai đã từng đặt chân đến miền đất Lâm Đông, nơi có vùng đất Đà Lạt đại ngàn đầy gió, đầy hoa và suối chảy róc rách như khúc nhạc điệu đặc sắc của thiên nhiên, thì chắc hẳn sẽ không thể quên được tình đất, tình người nơi đây.

Langbiang hiện lên lúc nào đẹp mơ màng như nàng công chúa đang tuổi mới lớn, với Hồ Xuân Hương yên ắng nhưng thơ mộng, với Thung lũng tình yêu đẹp mê hồn phủ đầy một màu xanh của cây rừng, xen vào đó là những dải lụa mềm mại của thác nước Thác Anknoet, hồ Dankia, suối Vàng - suối Bạc.

Tháng 11 này, công ty du lịch Khát Vọng Việt giới thiệu tour du lịch Đà Lạt 4 ngày 3 đêm khởi hành từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh với giá 2.190.000 VNĐ/khách. Hình thức: tour ghép.

3. Tour du lịch Hà Nội - Sapa 3 ngày 2 đêm

Du lịch Sapa - du khách đến Sapa cảm nhận được tiết trời dễ chịu, thiên nhiên và con người hòa như vào nhau, đẹp tựa bức tranh thủy mặc… Có thể nói, đó là những nét riêng ở Sapa đã níu chân du khách bấy lâu nay.

Tháng 11 này, công ty Open Tour giới thiệu tour du lịch khuyến mại từ Hà Nội lên Sapa với giá 1.880.000đ. Phương tiện di chuyển: Ô tô, ở khách sạn 2 sao. Đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá thị trấn miền núi xinh đẹp này.

4. Tour Hà Nội/Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - hội an 4 ngày 3 đêm

Tháng 11, công ty Vietsense Travel có chương trình khuyến mại đặc biệt tour Hà Nội/Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - Hội An 4 ngày 3 đêm với giá 4,290,000 VND. Phương tiện di chuyển: máy bay 2 chiều, ở khách sạn 3 sao.

Giá tour đã bao gồm vé máy bay, khách sạn, di chuyển giữa các địa điểm bằng ô tô, 7 bữa ăn chính, Vé thăm quan thắng cảnh tại tất cả các điểm thăm quan theo chương trình, Tàu cao tốc thăm quan đảo cù lao chàm. Dụng cụ lặn ngắm san hô tại đảo Cù Lao Chàm.

Phương Thảo (tổng hợp)

Học sinh thủ đô ngỡ ngàng xem di sản văn hóa biển đảo VN

&Ldquo;Tuần Văn hóa-du lịch biển đảo Việt Nam-Hà Nội 2014” và chương trình nghệ thuật “Tôn vinh văn hóa, du lịch biển đảo Việt Nam” đã diễn ra tối 21/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức.

Tham dự chương trình có Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành, các bộ, ngành đã đến dự chương trình.

Trong khuôn khổ "Tuần văn hóa - Du lịch biển đảo Việt Nam - Hà Nội 2014" diễn ra từ ngày 21-24/11, nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tôn vinh văn hóa biển đảo Việt Nam. Đáng chú ý là trưng bày “Di sản văn hóa, du lịch biển đảo Việt Nam,” tập trung giới thiệu giá trị vật thể và phi vật thể những di vật, cổ vật được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam.

Chương trình cũng góp phần giáo dục cho các thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về di sản văn hóa biển đảo Việt Nam, ý thức trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân cùng chung sức bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương; đẩy mạnh đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa và du lịch của cư dân vùng ven biển, hải đảo.

Học sinh trường THCS Ngô Quyền được nhà trường tổ chức học tập, thăm quan về biển đảo.
Ấm hình Rồng, gốm men trắng vẽ nhiều mầu (Sưu tập tàu cổ cù lao chàm, thế kỷ 15)
Hộp gốm men trắng vẽ lam
Bộ sưu tập ấm, lọ tỳ bà được làm bằng gốm men trắng vẽ lam và nhiều mầu
Liễn chia nhiều ngăn được làm từ gốm men trắng vẽ lam, nhiều mầu
Đài thờ được làm bằng gốm men trắng vẽ lam
Gốm men trắng vẽ lam là chất liệu chính trong bộ sưu tập tàu cổ Cù Lao Chàm và chiếc bát cũng không ngoại lệ
Lần đầu tiên em được nhìn thấy những di sản văn hóa biển đảo ngay tại Hà Nội khiến em vô cùng thích thú.( Tùng học sinh lớp 7 trường THCS Ngô Quyền -HN )
Âu trang trí cảnh sinh hoạt sử dụng chất liệu gốm men trắng vẽ lam
Đồ dùng thủy thủ đoàn: quả cân, chày cối, chiêng, xanh, lưỡi câu, hạt quả

Thái Anh

Đưa mô hình trồng rau thủy canh ra Cù Lao Chàm

 

Ông Ngô Văn Hai (ở cù lao chàm) giới thiệu về vườn rau thủy canh của gia đình.


Thủy canh là phương pháp trồng rau trong dung dịch dinh dưỡng không cần đất. Ưu điểm của phương pháp này là chủ động được mùa vụ, không cần diện tích lớn, tiết kiệm được nguồn nước và sản phẩm rau bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ở Cù Lao Chàm, nghề chính của người dân là nghề đi biển cộng với nguồn nước ngọt trên đảo không dồi dào nên từ lâu người dân ở đây chủ yếu mua rau từ đất liền ra. Mỗi ngày có một chuyến tàu chở thực phẩm từ thành phố hội an ra đảo nhưng nếu gặp thời tiết bất lợi sóng lớn, nguồn cung này sẽ bị tạm ngưng. Việc áp dụng trồng thành công mô hình rau thủy canh đã giải quyết được bài toán về sự chủ động nguồn rau xanh tại chỗ trên đảo.


Là thành viên nhóm nghiên cứu trồng rau thủy canh trên Cù Lao Chàm, Thạc sĩ Đàm Minh Anh, công tác tại Khoa Sinh - Môi trường thuộc Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết: Việc triển khai mô hình trồng rau thủy canh trên Cù Lao Chàm thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều chỉnh dung dịch dinh dưỡng phù hợp với chất lượng nước trên đảo; vấn đề thiết kế nhà lưới, lắp đặt hệ thống ống, thùng xốp phải bảo đảm linh hoạt, dễ di chuyển trong mùa mưa bão và phòng tránh được sâu bệnh gây hại.


Gia đình ông Ngô Văn Hai ở thôn Cấm là một trong ba hộ dân đầu tiên trên đảo được chọn để triển khai mô hình này. Trong khu vườn chỉ rộng khoảng 100 m2 là một giàn ống nhựa và những thùng xốp để trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu và thủy canh tĩnh với các loại rau ăn lá, rau ăn quả xanh mướt. Bắt đầu triển khai từ tháng 4/2013, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, đến nay, ông Ngô Văn Hai đã nắm chắc kỹ thuật trồng rau thủy canh. Ông Ngô Văn Hai cho biết: Trung bình hàng tháng, các hộ dân trên xã đảo Tân Hiệp chi khoảng 300 ngàn đồng để mua rau xanh từ đất liền mang ra. Trồng rau thủy canh nhàn hơn so với trồng rau trên đất, chất lượng rau bảo đảm và đặc biệt là tiết kiệm được 20 lần lượng nước tưới so với trồng trên đất cát. Bên cạnh đó, những vật liệu để trồng rau thủy canh như rọ nhựa, xơ dừa còn có thể tận dụng được nhiều lần.


Tuy nhiên, đầu tư ban đầu về vật liệu của mô hình trồng rau thủy canh khá lớn. Phương pháp thủy canh tĩnh cần đầu tư khoảng 1,4 triệu đồng, phương pháp thủy canh hồi lưu cần khoảng 2,6 triệu đồng. Do đó, phương pháp trồng rau thủy canh tĩnh bằng hộp xốp là phù hợp với các hộ dân trên đảo trồng rau ăn hàng ngày, còn phương pháp trồng thủy canh hồi lưu có thể để các hộ có kinh doanh du lịch phát triển để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết: Nhằm khuyến khích nhân dân trên đảo nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh, bước đầu xã sẽ hỗ trợ nguồn giống rau và cung cấp phân bón hữu cơ được lấy từ nguồn xử lý rác thải trên đảo để cung cấp cho các hộ sản xuất.


Cù Lao Chàm đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa với hình thức du lịch homestay. Khi mô hình trồng rau thủy canh được nhân rộng sẽ tạo nên một nét riêng cho du lịch cù lao chàm khi du khách đến đây để trải nghiệm cuộc sống ở nhà của người dân trên đảo.

 

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng

Mở tour hàng ngày hút khách du lịch bận rộn

Do hạn chế thời gian nên thường du khách trong nước thường chỉ đi du lịch vào cuối tuần hoặc các dịp lễ tết. Các công ty du lịch cũng vì vậy chỉ mở tour ghép (tour khách lẻ) khởi hành vào những ngày đó.

Thời gian gần đây, do nhu cầu đi du lịch của nhiều du khách có phần linh động về thời gian hơn (du khách là cán bộ hưu trí, du khách đi công tác... ) Nên không ít công ty đã bắt đầu tổ chức các tour khởi hành hàng ngày.

Du lịch Tuổi Trẻ Online giới thiệu một số tour khởi hành hàng ngày để bạn đọc tham khảo:

Phú Quốc

Tour du lịch Phú Quốc khởi hành hàng ngày hiện được các công ty du lịch chào bán với mức giá 2.200.000 - 4.000.000 đồng/người (tùy theo tiêu chuẩn dịch vụ - giá chưa bao gồm vé máy). Tour phổ biến 3 ngày 2 đêm, khởi hành từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Tham gia tour, du khách có dịp khám phá đảo ngọc Phú Quốc với những điểm đến nổi tiếng đảo Ngọc, ngắm hoàng hôn ở Dinh Cậu, trải nghiệm dịch vụ câu mực đêm...

Côn Đảo

Buổi chiều bình yên bên cầu tàu 914, Côn Đảo - Ảnh: V.N.A.

Ngoài yếu tố lịch sử gắn liền với những địa danh nổi tiếng như Nghĩa trang Hàng Dương, cầu tàu 914… Côn Đảo còn được biết đến như thiên đường biển đảo, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu viếng thăm Côn Đảo của du khách, nhiều công ty du lịch đã mở các tuyến tham quan Côn Đảo 2-3 ngày với mức giá 2.200.000 - 4.000.000 đồng cho các dịch vụ khách sạn, ăn uống, vé tham quan, hướng dẫn viên… (giá chưa bao gồm vé máy bay khứ hồi).

Miền Tây

Hiện có 5 tour phổ biến đi miền Tây khởi hành hàng ngày gồm tour 1 ngày Mỹ Tho - Bến Tre, tour 1 ngày Cái Bè - Vĩnh Long, tour 2 ngày Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ, tour 2 ngày Cái Bè - Vĩnh Long (ngủ homestay), tour 3 ngày Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ - Châu Đốc.

Giá tour dao động 210.000 - 990.000 đồng/khách. Giá tour tốt cộng dịch vụ đảm bảo là điều du khách ưa chuộng.

Cù lao chàm

Tour du lịch cù lao chàm khởi hành hàng ngày với giá 600.000 - 700.000 đồng/khách, xuất phát từ Đà Nẵng được các công ty du lịch chào bán hiện đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Là khu dự trữ sinh khí quyển thế giới được công nhận bởi UNESCO, Cù Lao Chàm còn nhiều nét hoang sơ. Cảm nhận cái xanh của biển và làn gió mát lành, cùng ngư dân địa phương câu cá hay lặn biển là một trong những điều thú vị mà chỉ khi đến Cù Lao Chàm bạn mới tận hưởng được.

Hạ Long

Một góc Hạ Long đẹp như tranh thủy mặc trong sương sớm - Ảnh: V.N.A.

Tour du lịch Hạ Long khởi hành hàng ngày hiện được nhiều công ty du lịch tổ chức bán với mức giá dao động 1.200.000 - 9.900.000 đồng/người cùng nhiều lựa chọn về dịch vụ lưu trú tại khách sạn 2-4 sao hay độc đáo hơn hết là cùng trải nghiệm dịch vụ ngủ trên du thuyền 4-5 sao như Glory, Paradise, Âu Cơ, Starlight…

Tour khởi hành từ Hạ Long hoặc Hà Nội (giá tham khảo chưa bao gồm phương tiện đi và về Hạ Long).

Sapa

Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng ngày càng được nâng cấp, các công ty du lịch đã triển khai mở bán tour du lịch Sapa khởi hành hàng ngày với giá 2.000.000 - 2.500.000 đồng/khách.

Giá bao gồm các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vé tham quan, hướng dẫn viên… (chưa bao gồm giá phương tiện đến Lào Cai).

Ninh Bình

Đến với Ninh Bình, du khách có thể tham gia các tuyến tour phổ biến Bái Đính - Tràng An, Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Động… khởi hành hàng ngày từ Hà Nội do các công ty du lịch tổ chức với mức giá trung bình 800.000 - 1.200.000 đồng/khách.

Đến đây, ngoài trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền khám phá các hang động kỳ bí, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản Hoa Lư được chế biến từ thịt dê vô cùng độc đáo.

Hà Nội và các cùng lân cận

Khách du lịch tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) - Ảnh: V.N.A.

Đến Hà Nội, thưởng thức ẩm thực Hà thành đã và đang là lựa chọn số một đối với các du khách yêu nét hoài cổ vốn có của mảnh đất này. Với quỹ thời gian 1 ngày, tour du lịch "city Hà Nội" khởi hành hàng ngày được các công ty du lịch tổ chức với mức giá 500.000 - 800.000 đồng/khách.

Bên cạnh, còn có các tour khác như Sài Gòn Citytour, Củ Chi - Tây Ninh, Đà Nẵng - hội an... Được các công ty du lịch tổ chức khởi hành hàng ngày.

AN NHIÊN thực hiện

Quảng Ngãi trưng bày cổ vật quí hiếm từ tàu đắm

Các cổ vật gồm dĩa, lọ, chuỗi đeo cổ, chén, tượng....Có niên đại từ thế kỉ 13 - 17.

Đây là lần đầu tiên, các cổ vật hiếm, quí và độc bản được đưa ra trưng bày ở Quảng Ngãi. Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, GĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, ngoài cổ vật đã được khai quật tại khu vực biển Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), còn có nhiều cổ vật được khai quật từ vùng biển cù lao chàm (tỉnh Quảng Nam).

Theo đánh giá của ông Lâm Dũ Xênh, một trong những người nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ ở Quảng Ngãi, trong số các cổ vật được trưng bày, ngoài giá trị về văn hóa, giá trị kinh tế cũng rất cao, với nhiều cổ vật phải tính hàng trăm triệu đồng/vật.

Được biết, thời gian trưng bày sẽ kéo dài từ ngày 13 – 17/10/2014.

MINH PHÚ

Ngắm những cổ vật độc đáo vớt lên từ đáy biển Việt Nam

Những hiện vật được trưng bày tại triển lãm

Các cổ vật được trưng bày tại triển lãm đều rất đáo, quý hiếm được trục vớt từ các tàu đắm cổ tại vùng biển Bình Châu - Quảng Ngãi và các vùng biển Việt Nam như cù lao chàm - Quảng Nam và các tỉnh Bình Thuận, Cà Mau, Vũng Tàu. Nhiều cổ vật dưới nước được phát hiện trục vớt trưng bày có nhiều niên đại từ thế kỷ 13 đến 19.

Những hiện vật được trưng bày tại triển lãm

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao du lịch Quảng Ngãi cho biết, triển lãm lần này nằm trong chuỗi hoạt động của Hội thảo Khoa học quốc tế chủ đề “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi tổ chức tại Quảng Ngãi trong hai ngày 14 và 15/10.

Dòng gốm Chu Đậu được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Hũ gốm hình cầu

Phần lớn được tìm thấy dưới nhiều vùng biển

Lọ gốm hình củ tỏi độc đáo

Hoa văn tinh xảo

Nhiều cổ vật hình động vật

Những cổ vật trên những con tàu đắm ở biển Việt Nam

Phần lớn đều có niên đại từ thế kỷ 13 - 17

Những hiện vật thu hút rất đông người xem

Cận cảnh cổ vật trên các con tàu đắm ở vùng biển miền Trung

 
 

Súng, đạn thần công thời Nguyễn (Việt Nam) thế kỷ 19

Cuộc triển lãm thu hút nhiều chuyên gia khảo cổ học trong nước, quốc tế cùng người dân đến thưởng lãm hơn 500 cổ vật tìm thấy ở vùng biển miền Trung trong những năm qua.

Cổ vật gồm: đồ gốm, đồ đá Chăm Pa phát hiện ở con tàu đắm tại vùng biển Núi Thành (Quảng Nam); gốm Chu Đậu thời Lê thế kỷ 15, sản xuất tại Hải Dương (Việt Nam) với các loại bình, đĩa, lọ, cốc, chén, tượng sứ có hoa văn trang trí tinh xảo được trục vớt tại vùng biển cù lao chàm (Quảng Nam).

Ngoài ra còn có bộ sưu tập cổ vật gốm sứ thời Tống, Nguyên thế kỷ 13-14, cổ vật gốm, đồ đồng triều Tuyên Đức (1426-1435); gốm sứ thời Minh thế kỷ 15 phát hiện và trục vớt tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) và các loại súng thần công, đạn thần công thời Nguyễn (Việt Nam) thế kỷ 19…

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, vùng biển miền Trung Việt Nam với một bờ biển dài và gồm cả những quần đảo lớn ngoài khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành chiếc cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.

Tại các vùng biển Cù Lao Chàm, Núi Thành (Quảng Nam), Bình Châu, Bình Phú, Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Cau (Bình Thuận), Khánh Hòa… ngư dân đã phát hiện rất nhiều xác tàu đắm cùng vô số cổ vật là gốm sứ và một số đồ dùng của thủy thủ đoàn rất có giá trị.

Cũng theo tiến sĩ Vũ, cuộc triển lãm này nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của “con đường gốm sứ trên biển” ở vùng biển miền Trung Việt Nam để giới thiệu cho mọi người hiểu về các sưu tập cổ vật thuộc di sản văn hóa dưới nước để từ đó có thái độ ứng xử với biển và phương thức bảo vệ, bảo tồn.

 


Cổ vật gốm sứ và đồ đồng thế kỷ 13 phát hiện trên tàu cổ đắm tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) năm 2012


Cổ vật đồ đồng và gốm sứ thế kỷ 15 phát hiện trên tàu cổ đắm tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) năm 1999


Sưu tập cổ vật gốm Chu Đậu thời Lê Việt Nam thế kỷ 15 được trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam)


Đồ đá và đồ gốm Chăm Pa phát hiện ở con tàu đắm tại vùng biển Núi Thành (Quảng Nam)


Nhiều chuyên gia khảo cổ học nước ngoài tìm hiểu các cổ vật trục vớt trên vùng biển miền trung Việt Nam

 

Tin, ảnh: Hiển Cừ

Bảo tồn biển phải gắn với chia sẻ lợi ích cho cộng đồng

Buổi sáng trên vùng biển Cát Bà. Ảnh: N.B
Cần một cơ chế quản lý thống nhất

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách cho KBTB về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ, gồm: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH); Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, KBTB, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam… Tuy nhiên, quy định tại các văn bản có sự khác biệt nhau, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống KBTB.

Trước những bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật, ông Nguyễn Văn Hưng, nguyên Vụ phó Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho rằng: Ưu tiên đầu tiên hiện nay là xây dựng lại nghị định hướng dẫn thay thế Nghị định 57, đảm bảo không "đá" Luật ĐDSH và phù hợp với thực tiễn. "Nghị định mới cần xác định rõ KBTB bảo vệ cái gì, vì mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học hay an ninh-quốc phòng. Sau đó xác định phạm vi, quy mô, cơ chế quản lý, mức đầu tư. Cần nghiên cứu cơ chế chính sách để huy động tất cả các thành phần kinh tế tham gia cũng như sự đầu tư ngân sách Nhà nước" - Ông Hưng nói.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý: "Ở KBTB, nếu chỉ thiên về khoa học thì rất khó bền vững, vì vậy, phải tính tới lợi ích của người dân". Cũng theo ông Hưng, cần phải rà soát, quy hoạch lại các KBTB theo hướng xác định rõ hơn KBTB nào do Trung ương thành lập và quản lý, khu nào giao cho địa phương.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Vũ Dũng, chuyên gia về quy hoạch rừng ngập mặn khẳng định: “Hệ sinh thái rừng và biển có liên hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy, khi quy hoạch, thành lập các KBTB không thể tách rời hệ thống rừng với hệ sinh thái biển. Do đó, cần phải quy hoạch thống nhất lại KBTB và khu rừng ngập mặn".

Theo GS.TS Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống 16 KBTB Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa, tầm vóc hết sức lớn. Hệ thống KBTB chính là nguồn vốn thiên nhiên để bảo đảm cho tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển. Nếu chúng ta thực hiện tốt hệ thống này sẽ góp phần thực hiện những chính sách lớn của đất nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Biển Đông phức tạp như hiện nay, việc làm tốt mạng lưới KBTB góp phần tác động để khu vực có lòng tin hơn trong việc thiết lập các khu bảo tồn xuyên biên giới - một giải pháp hòa bình trên Biển Đông. Chúng ta phải mạnh dạn phân cấp cho địa phương quản lý, các bộ, ngành Trung ương chỉ nên tham gia quản lý và trực tiếp quản lý đối với những khu vực biển điển hình. Nếu không phân cấp triệt để sẽ làm cho cơ chế xin cho còn nặng. Điều này mất cảm hứng của các địa phương về KBTB.

Bàn về vấn đề xây dựng thể chế pháp luật, GS.TS Chu Hồi nhấn mạnh: "Phải giải quyết triệt để vấn đề xây dựng luật, để làm sao các nghị định, văn bản pháp luật không chồng chéo, không dẫm lên nhau. Trong quá trình quản lý, chúng ta nên áp dụng tiếp cận quản lý tổng hợp KBTB, vì hầu hết các KBTB nằm ở ven bờ, chịu tác động rất nhiều từ bên ngoài, kể cả từ lưu vực. Khi triển khai thành lập KBTB nên ưu tiên những khu bảo tồn nằm trong diện ưu tiên về kinh tế, quốc phòng an ninh như đảo Trần, Bạch Long Vỹ và đảo Lý Sơn".

Về việc huy động nguồn lực kinh tế cho KBTB, GS.TS Hồi cho rằng, nên tranh thủ các dự án, chương trình quốc tế có mục đích bảo tồn, ví dụ như Quỹ Dự án nhỏ (SGF), Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) hoặc Quỹ môi trường toàn cầu...
 
du lịch bơi, lặn biển tại cù lao chàm thu hút khá nhiều du khách. Ảnh: Mạnh Trinh.

Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng

Một bài học kinh nghiệm được rút ra khi thành lập các KBTB là phải kết hợp hài hòa công tác bảo tồn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đó vừa là mục tiêu, vừa là phương thức để các KBTB tồn tại và phát triển. Ông Huỳnh Văn Thải, Giám đốc Ban quản lý KBTB Hòn Cau khẳng định: Để thực hiện được việc quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong KBTB thì phải thực hiện tốt công tác quản lý của KBTB và các chương trình bảo tồn. Muốn huy động được người dân tham gia bảo tồn biển thì KBTB phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và khai thác tài nguyên trong KBTB phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Từ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho rằng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được coi như một sinh kế thay thế nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong hệ thống KBTB của Việt Nam, Cù Lao Chàm có thể được coi là một ví dụ điển hình về việc kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn với phát triển kinh tế. Cộng đồng cư dân trong KBTB được tạo sinh kế bền vững để phát triển kinh tế gia đình. Khi lợi ích kinh tế được đảm bảo, người dân sẽ tích cực tham gia công tác bảo tồn. TS Chu Mạnh Trinh, KBTB Cù Lao Chàm cho hay: Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến năm 2013, đã có 169/560 hộ gia đình ở đảo tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới.
Ngày 26-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 (gồm 16 khu). Tới thời điểm hiện tại, mạng lưới 9/16 KBTB tại Việt Nam đã được thành lập gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo TS Chu Mạnh Trinh, du lịch sinh thái cần đảm bảo được hai yếu tố cơ bản là bảo tồn và thu nhập của người dân địa phương trên cơ sở bảo tồn. Du lịch sinh thái luôn gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế của người dân địa phương. Vì vậy, nghiên cứu du lịch sinh thái cũng gần tròn nghĩa với nghiên cứu sinh kế địa phương hưởng lợi từ hoạt động này.

Đồng thời, sinh kế cộng đồng phải được nghiên cứu chi tiết theo 5 nguồn lực, bao gồm tự nhiên, xã hội, con người, tài chính, vật chất và cơ sở hạ tầng. Mỗi nguồn lực cần được phân tích kỹ về hiện trạng, tác động, tính đáp ứng… để có thể tìm đươc các giải pháp thích hợp.

 

Bích Nguyên

Nhớ cua đá, thương hải sâm

 

Đọc E-paper

Du khách kêu ca chút đỉnh, nhưng rồi tươi lại khi nghe nói chính cái tiết trời nóng nực quanh năm làm cho hòn đảo này cây cối trù phú, dưới biển có biết bao loài hải sản lạ. Đó là lý do ai nấy kiên nhẫn vượt biển, đội nắng đến đây, nơi không có những bãi cát trắng tinh thượng hạng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Cù lao chưa có điện, chưa có khách sạn. Người cù lao dễ thương, chân thật. Họ hồn nhiên hái lá rừng nấu thành món nước giải khát đãi dân thành thị quen dùng cà phê kem tươi Hàn Quốc làm khách thích thú. Nhìn lượng khách khoảng 500 - 1.000 người vào ngày cao điểm, tự nhiên cứ nghĩ liệu có lúc nào những ngọn núi không còn chiếc lá nào?

Câu hỏi không thừa bởi đến nay nơi nào tập trung khách nội địa, nơi ấy có nhiều vấn đề về môi trường. Đảo một vòng ở chợ cù lao chàm, thấy ra dáng chợ du lịch với đồ lưu niệm, vô số hải sản tươi được giới thiệu. Và chỉ vài năm, những mặt hàng cũ đã biến mất, thay vào đó là đặc sản mới.

Chợ cù lao bây giờ những đặc sản nổi tiếng một thời như cua đá, ốc vú nàng, vú sao đã biến mất, chỉ còn trưng bày tiêu bản trong phòng của Bảo tàng "Khu Bảo tồn tài nguyên biển Cù lao Chàm" ngay cạnh cầu cảng. UBND xã đã cấm bắt và bán cua đá trong vòng 5 năm để loài cua núi này hồi phục.

Khi chưa cấm, trẻ em nhốt cua đá trong lồng sắt như nhốt gà, ngồi bán ngay cổng chợ. Những tội đồ mới đã thay thế để chiều lòng cái sự khám phá vô độ của du khách. Hàng loạt hải sản lạ và hiếm như hải sâm, ghẹ, tôm hùm đem ra chờ khách.

Những câu chuyện loanh quanh thau đựng hải sản bán tươi đều luẩn quẩn khoe chuyện ăn ngon, ăn lạ, ăn phục vụ tâm thế thời "sinh lý yếu" của khách bàn tán râm ran cả chuyến đi. Hải sản tươi bán giá vài trăm ngàn đồng mỗi ký, nên ngư dân cứ hùng hục ngày đêm lao ra biển tìm kiếm những thứ kỳ lạ nhất về phục vụ cái sự "tạp ăn" của du khách.

Loanh quanh lắng nghe chuyện mua bán, nhìn ra biển bỗng thấy ngượng ngùng khi nhóm khách nước ngoài mải mê vùng vẫy dưới làn nước biển xanh. Thấy cái sự thích ăn của lạ quá đối chọi với cái thưởng thức thiên nhiên trong một chuyến du lịch.

 

Thấy buồn vì ngay trong ngôn ngữ du lịch, chúng ta cũng thích dùng trạng thái "tận hưởng", nó mạnh mẽ và bạo tàn hơn trạng thái "thưởng thức" mà một người văn minh cần thể hiện khi đi đó đây, không có ai suy nghĩ nên góp phần nhỏ để bảo vệ tính bền vững môi trường và văn hóa của mảnh đất mình đặt chân tới.

 

Cua đá cù lao đã gần như tuyệt diệt chỉ sau mấy năm hòn đảo này đón khách. Những con hải sâm nằm trong thau nước biển thở oxy kia rồi cũng sẽ vào bảo tàng như dĩ vãng oanh liệt của món ốc vú nàng, vú xao.

Trên bãi cát, trong cái nắng gay gắt ngột ngạt khó chịu giữa buổi trưa mùa Hè, người đàn bà ấy bưng một thùng hải sản bán dạo trên cát bỏng. Chị Sáu, người bãi Làng, quá nửa đời làm nông, nay cù lao hút khách du lịch, chị đổi nghề, theo thuyền vào các bãi tắm tìm khách bán chút đặc sản.

Chị nhìn đăm đăm như bị hút vào mặt nước xanh thẫm rong rêu, thì thầm kể về cái chết của những người đi bắt tôm hùm ngoài Hòn Dài. Họ chết thảm lắm, lúc lặn xuống còn khỏe mạnh, bắp thịt ngư dân nổi vồng, khi nổi lên, cả người đỏ ửng rồi rũ mềm ra là đi luôn, không ngoảnh lại nhìn vợ con được lấy một lần. Giá như các du khách đều được nghe câu chuyện ấy.

Rồi bỗng nhớ đến cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 sắp hoàn tất, một mục tiêu của cuộc thi là công bố bản đồ ẩm thực đặc trưng Việt Nam, hỗ trợ cho du lịch ẩm thực phát triển.

Điều cảm thấy yên lòng trong hành trình cuộc thi, do Công ty Gốm sứ Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, là không hề có những thứ đặc sản kiểu hàng độc trên rừng dưới biển, mà chỉ trông cậy vào bàn tay vàng của các đầu bếp.

Cứ nghĩ giá như cuộc thi không chỉ giữ riêng cho mình cái tinh thần đẹp đó, mà nên tuyên truyền mạnh mẽ để người Việt mình thấu hiểu và có thái độ văn minh hơn trong khám phá ẩm thực.

Người Cù lao Chàm đang học làm du lịch xanh, không bán san hô phơi khô, không sử dụng bao nylon theo khuyến cáo của các tổ chức môi trường. Nhưng chừng đó chưa đủ. Khách đến Cù lao Chàm nên được tham dự tour tạo dựng tinh thần hành xử văn minh, để khách không tạo sức ép nhu cầu ăn lạ lên những ngư dân thật thà giữa biển khơi.

> Người ta chê người mình
> Những "ông chủ nghèo" của di sản
> Vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn
> Món ngon quá khứ

KHẢI LY

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

“Điểm danh” những nẻo ăn chơi đất Đà thành | Xã hội | Báo Dân Việt

Nếu đem so sánh với nhiều thành phố lớn khác trên cả nước thì Đà Nẵng là đô thị không mấy tai tiếng về nạn chơi bời, ma túy, mại dâm... Nói thế, không có nghĩa là ở Đà Nẵng các loại hình tệ nạn này đã được xóa trắng. Nó vẫn có, vẫn âm ỉ tồn tại, nhưng không nhóm họp thành những "tụ điểm lớn" làm chướng tai gai mắt bàn dân thiên hạ, và tất nhiên hoạt động của các loại hình tệ nạn này ở Đà Nẵng cũng được tổ chức theo các chiêu thức dè dặt hơn, kín đáo hơn so với nhiều nơi khác... Để có tư liệu cho bài viết này, tôi đã có nhiều đêm lang thang qua từng góc phố, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ chứng kiến những cuộc ngã giá bán mua...

 

Đêm đêm, dưới ánh đèn đường, trên một vài con phố ở Đà Nẵng, vẫn có những "bóng hồng bé nhỏ", đứng thu mình bên cột điện hay những gốc cây với vẻ mặt dáo dác, săn tìm khách.

 

Điểm đầu tiên tôi chọn để đến là đoạn đường đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý. Ở đây, hàng đêm có đến hơn chục chị em chực chờ đợi khách. Chưa kịp tấp xe vào lề đường, ngay lập tức, một cô nàng từ sau... Cột điện bước ra, vẻ mặt hồ hởi... "Anh ơi! Dzô đây nè...".

 

Sau màn “tiếp thị với các “barem” giá cả là màn giới thiệu... Bãi đáp. Nào là, các quán cà phê đèn mờ ở những ngóc ngách thành phố, những khu nhà đang được xây dựng dở dang, bãi biển, rồi những khu nhà trọ rẻ tiền... Ngay lúc đó, có mấy chàng thanh niên đã nhậu xỉn, loạng choạng tấp xe vào quát mắng inh ỏi... Để tìm một gái bán hoa tên L nào đó vì đã móc túi của một người trong đám bạn của họ khi đang 'mây mưa" ở một nhà trọ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn

 

Bỏ lại phía sau "một khoảng trời son phấn", tôi lại dông xe về phía đường Nguyễn Văn Linh (đoạn ngay trước Bưu điện) nơi đêm đêm vẫn thường có 5 - 6 bóng hồng chọn làm đất kiếm ăn. Nơi đây từ lâu đã được ví như một chợ tình lộ thiên. Chỉ cần khi màn đêm buông xuống, mặc kệ dòng người vẫn tất tả ngược xuôi, học sinh tan trường sau những giờ học ban đêm, phía bên kia đường các cửa hiệu đèn vẫn đang bật sáng... Thì cũng là lúc gái ăn sương mặt mày son phấn, kẻ đứng, người ngồi, cười nói ngả ngớn trên vỉa hè mời gọi khách mua vui.

 

Giả dạng một gã nhà quê ra thành phố kiếm sống bằng nghề xe ôm, tôi đã có một đêm tận mục sở thị những cảnh bán mua phẩm giá buồn thương đến tê lòng.

 

22 giờ, tôi rời góc phố trên đường Nguyễn Văn Linh sang đoạn đường Điện Biên Phủ (đoạn trước bến xe cũ); đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn gần với đường 30-4); đầu cầu Tuyên Sơn; trên đường Nguyễn Lương Bằng hay khu vực ngã ba Huế... Đêm về khuya, những con đường dần thưa vắng người. Chỉ còn le lói bên đường mấy cái bóng đèn bán hột vịt lộn, và đó cũng là nơi dừng chân lót dạ của những cô gái làng chơi.

 

Ở Đà Nẵng, các cô gái chân dài làm nghề bán thân nuôi miệng thường thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Có cô thuê nhà ở một mình để che đậy hành tung của mình, nhưng cũng có nhiều cô tụ tập lại thuê nhà ở chung. Cứ thế, người vào nghề trước giới thiệu cho người vào nghề sau những địa chỉ… để làm ăn.

 

Qua nhiều cách tiếp thị, số điện thoại cầm tay của các cô nhanh chóng được các chủ quán karaoke, nhân viên lễ tân và chủ các khách sạn lưu vào bộ nhớ. Mỗi khi  khách có nhu cầu… là ngay lập tức các cô được điều đến để phục vụ từ A tới Z. Có nơi thì khách mua dâm tại chỗ, nhưng đa số là sau khi nhậu, sau khi hát, mỗi khách tự chọn cho mình một em vừa ý rồi hẹn hò đến nhà nghỉ hay khách sạn nào đó để mây mưa…

 

Đ - người đã cùng tôi rong ruổi suốt hành trình đến những điểm ăn chơi ở Đà Nẵng để "mục sở thị" là một tay khá sành sỏi. Đ bảo: Đà Nẵng bây giờ nhiều gái gọi lắm, loại nào cũng có cả, giá cả cho một lần phục vụ từ A tới Z là từ 200 nghìn cho đến cả triệu, tùy vào cung cách phục vụ và nhan sắc của các em...

 

Một khi có nhu cầu tìm em út tâm sự, giải sầu, nếu không có số điện thoại thì cứ vào các quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn... Đánh tiếng là được phục vụ ngay... Rồi cứ thế, số điện thoại được chuyển từ người này đến người khác.

 

Đà Nẵng bây giờ còn có một mô hình mại dâm trá hình ăn theo các dịch vụ xông hơi, massage. Cứ khách sạn mọc đến đâu là dịch massage chạy theo đến đó. Đối với những dịch vụ này, thoạt trông thì có vẻ nghiêm túc lắm, những bảng hiệu ghi rất rõ nội quy của luật pháp, những điều nghiêm cấm đối với tiếp viên, những cảnh báo về căn bệnh HIV/AIDS, cảnh báo về các chất ma túy... Thế nhưng, có đặt chân vào chốn ăn chơi này mới thấy hết được những gì đang diễn ra trong đó.

 

Khách sạn X là một  khách sạn lớn nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ở đây có dịch vụ massage đang rất ăn nên làm ra. Cũng giống nhiều điểm massage khác, các phòng được bố trí liền kề nhau, giường được trải drap trắng, một khoảnh nhỏ phía sau dùng cho khách tắm và xông hơi (nhưng trên thực tế hệ thống xông hơi đã tê liệt-NV).

 

Cũng ở trên địa bàn quận Liên Chiểu, còn có một tụ điểm massage thu hút khá đông khách là X.K.H.N. Quả không sai với lời đồn đại của dân sành chơi chốn Đà thành mặc dù mang tên là điểm massage thư giãn nhưng thực chất những gì chúng tôi nhìn thấy tại X.K thì rõ ràng đây là một tụ điểm mại dâm trá hình. Những nhân viên phục vụ ở đây đa số là người từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hầu hết họ chẳng biết gì về kỹ thuật massage mà ở đó họ chỉ chú tâm vào chuyện chào mời khách mua dâm với giá từ 200-300 nghìn đồng mỗi lượt.

 

Ngoài các địa chỉ cho giới mày râu thích "hái hoa bắt bướm" ở Liên Chiểu thì các ông anh còn rỉ tai nhau ở sơn trà không thể không ghé M.K; ở Hải Châu thì H.V, V.N.P, T.B, D.E.C... Chỗ nào cũng có dịch vụ khép kín phục vụ cho dân ăn chơi cả, có điều tùy theo giá cả, tùy theo mức độ sang trọng hay bình dân của các dịch vụ này...

 

Làm sao để hạn chế, để dẹp bỏ những điểm ăn chơi trá hình đang tồn tại trong lòng đô thị? Câu trả lời chắc chắn phải dành cho chính quyền địa phương và công an sở tại nơi những điểm massage này đang đăng ký kinh doanh...   

 

Với tầm vóc của một đô thị công nghiệp và là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung, vài năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và sự ồ ạt có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài... Những dịch vụ ăn chơi cũng theo đà phát triển ấy mọc lên như nấm sau mưa, theo thời gian, Đà Nẵng ngày càng có thêm nhiều quán bar, vũ trường... Đó là những nơi giới thượng lưu đến để “ném tiền qua cửa sổ". Là nơi những cậu ấm, cô chiêu chọn làm nơi "đập phá" bằng những đồng tiền không "đổ mồ hôi sôi nước mắt"...

 

Từ lâu lắm, có lẽ giới trẻ ở Đà Nẵng quên bẵng đi thói quen đến với những đêm ca nhạc nơi công cộng, những quán cà phê nhạc sống… Họ tìm đến với những quán bar, vũ trường để thể hiện sự nhiều tiền và cũng muốn chứng minh với bạn bè  đã là dân sành điệu thì phải ngập mình trong khói thuốc, rượu mạnh và những bước nhảy cuồng loạn... Những cái tên như No 1, New Phương Đông, Festival, Camel, Vegas... Đã không còn quá xa lạ với những tay chơi lắm tiền nhiều của, với những cậu ấm, cô chiêu quanh năm chỉ biết hưởng thụ.

 

Thời gian qua, nhiều chuyên án ma túy lớn, nhỏ đã được cơ quan công an các cấp thiết lập, hàng chục đối tượng chuyên tụ tập tại các vũ trường để bán ma túy tổng hợp như: Trương Khánh Quang (SN 1984), trú P.Bình Hiên;  Hoàng Thị Huyên (SN 1984), trú P.Phước Ninh; Nguyễn Văn Thế (SN 1972), trú P.Thọ Quang; Nguyễn Thị Lộc Thọ, Bùi Quốc Hoàng (SN1980), trú P.Hòa Cường Bắc; Kiên Mộng Lệ Thanh (SN 1978), trú TP.Bạc Liêu và Bùi Công Long - “Long chúa” (SN 1971), trú P.Bình Hiên... Đã bị bắt.

 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những đối tượng khác đang chui nhủi ở ngoài vòng pháp luật, chúng vẫn đêm ngày gieo rắc sự đớn đau cho biết bao gia đình, biết bao số phận vì những món lợi quá lớn từ ma túy...

 

Hơn 23 giờ, chúng tôi bước vào một vũ trường trên đường Đống Đa. Tận mắt chứng kiến hàng trăm con người đang ngập chìm trong khói thuốc, trong tiếng nhạc ầm ào phát ra từ hệ thống âm thanh quá cỡ... Kẻ đứng, người ngồi, kẻ uốn éo, giậm giật theo điệu nhạc. Đèn nhấp nháy, nhạc giật liên hồi, những thân hình cứ thế lắc lư, những cô gái phục vụ bàn vận trang phục thiếu vài nhún nhảy rất đỗi hồn nhiên.

 

Đưa mắt một lượt, chúng tôi thấy  khách ở đây rất trẻ, thế nhưng cách thức "đập phá" của họ thì chẳng khác gì dân chơi thứ thiệt. Họ uống bia, quăng lon; uống rượu mạnh và nhả khói thuốc mịt mù. Có bàn, dăm bảy cô cậu choai choai ngồi uống rượu ngã ngớn, đứa này quàng vai bá cổ đứa kia, thỉnh thoảng lại ré lên khi có vũ công xuất hiện trong bộ xiêm y như không mặc gì.

 

Ở một vũ trường khác nằm trong khu vực Đảo xanh, chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh không khác mấy các vũ trường khác. Cũng những cô cậu choai choai, con cái của những gia đình làm ăn lớn hoặc cha mẹ có chút chức sắc trong xã hội, nhà dư của ăn của để nhưng có lẽ lại hao khuyết tình yêu thương. Có đám cũng ăn vận áo phông nhiều chữ, quần Jean... Cố gắng ngồi ngả ngớn ra dáng sành điệu nhưng vẫn không giấu hết được sự vụng về của dân lao động. Trong ánh sáng mờ ảo, chớp nháy và tiếng nhạc tưng bừng, những cô gái phục vụ bàn vẫn hồn nhiên bật nắp bia bôm bốp. Chứng kiến những hình ảnh ấy, một đồng nghiệp đứng bên cạnh tôi than thở: "Một bàn bình thường, một đêm chúng nó cũng "làm" hết vài tấn lúa chứ chơi".

 

Một người quen khác của tôi cũng là dân thường xuyên lui tới các quán bar và vũ trường lại bảo rằng: Những đối tượng đến đây đa phần là những người tiêu  tiền mà không "đổ mồ hôi". Thế nhưng, bên trong của những chốn ấy còn tiềm ẩn biết bao điều đáng kinh sợ khác. Các em cave trẻ trung từ nhiều miền quê phiêu dạt đến thành phố này, hầu hết đều chọn vũ trường để khách mua dâm, hoặc là cùng uống, cùng nhảy với khách để kiếm tiền boa. Đó cũng là nơi để những băng nhóm giang hồ gặp gỡ, phân chia lãnh địa, ngôi thứ, giải hòa hay thậm chí là thanh toán nhau.

 

Đặc biệt, cái môi trường mờ ảo này rất thuận lợi để cho các "con chiên" của ma túy hoạt động... Một nhân viên làm ở vũ trường nhiều năm cho biết, đa số các cô cậu choai choai vào đây đều có dính dáng đến thuốc lắc, ma túy…

 

Nhiều người dân ở chốn Đà thành này vẫn chưa thể quên chuyện hai băng nhóm giang hồ thanh toán nhau ngay trước cửa vũ trường New Phương Đông mà kết quả là một thanh niên phải bỏ mạng. Vụ băng nhóm của Lợi "điên", Hùng "chó" gây hấn với băng của Ty "già" ở vũ trường No 1, dẫn đến vụ thanh toán đẫm máu trên đường Nguyễn Văn Thoại làm Ty "già" chết tại chỗ, một đệ tử của Ty "già" bị thương tật đến 76%... Vụ những học sinh của Trường THPT Trần Phú bị một băng nhóm khác đánh trọng thương tại quán bar Speed trên đường Lê Duẩn và hàng chục con nghiện khi bị bắt quả tang sử dụng trái phép các chất ma túy đều khai nhận đêm đêm vẫn kiếm sống bằng nghề vũ nữ ở các vũ trường.

 

Đà thành - mấy nẻo ăn chơi chỉ là những nét chấm phá nhỏ về thực tế những gì đang tồn tại trong lòng một đô thị. Mong sao, những nỗ lực hết mình từ phía các ban, ngành hữu trách sẽ mang lại những tín hiệu tốt lành trong việc ngăn ngừa và hạn chế sự tồn tại của những loại hình tệ nạn này…