Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Bảo tồn biển phải gắn với chia sẻ lợi ích cho cộng đồng

Buổi sáng trên vùng biển Cát Bà. Ảnh: N.B
Cần một cơ chế quản lý thống nhất

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách cho KBTB về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ, gồm: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH); Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, KBTB, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam… Tuy nhiên, quy định tại các văn bản có sự khác biệt nhau, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống KBTB.

Trước những bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật, ông Nguyễn Văn Hưng, nguyên Vụ phó Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho rằng: Ưu tiên đầu tiên hiện nay là xây dựng lại nghị định hướng dẫn thay thế Nghị định 57, đảm bảo không "đá" Luật ĐDSH và phù hợp với thực tiễn. "Nghị định mới cần xác định rõ KBTB bảo vệ cái gì, vì mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học hay an ninh-quốc phòng. Sau đó xác định phạm vi, quy mô, cơ chế quản lý, mức đầu tư. Cần nghiên cứu cơ chế chính sách để huy động tất cả các thành phần kinh tế tham gia cũng như sự đầu tư ngân sách Nhà nước" - Ông Hưng nói.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý: "Ở KBTB, nếu chỉ thiên về khoa học thì rất khó bền vững, vì vậy, phải tính tới lợi ích của người dân". Cũng theo ông Hưng, cần phải rà soát, quy hoạch lại các KBTB theo hướng xác định rõ hơn KBTB nào do Trung ương thành lập và quản lý, khu nào giao cho địa phương.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Vũ Dũng, chuyên gia về quy hoạch rừng ngập mặn khẳng định: “Hệ sinh thái rừng và biển có liên hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy, khi quy hoạch, thành lập các KBTB không thể tách rời hệ thống rừng với hệ sinh thái biển. Do đó, cần phải quy hoạch thống nhất lại KBTB và khu rừng ngập mặn".

Theo GS.TS Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống 16 KBTB Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa, tầm vóc hết sức lớn. Hệ thống KBTB chính là nguồn vốn thiên nhiên để bảo đảm cho tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển. Nếu chúng ta thực hiện tốt hệ thống này sẽ góp phần thực hiện những chính sách lớn của đất nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Biển Đông phức tạp như hiện nay, việc làm tốt mạng lưới KBTB góp phần tác động để khu vực có lòng tin hơn trong việc thiết lập các khu bảo tồn xuyên biên giới - một giải pháp hòa bình trên Biển Đông. Chúng ta phải mạnh dạn phân cấp cho địa phương quản lý, các bộ, ngành Trung ương chỉ nên tham gia quản lý và trực tiếp quản lý đối với những khu vực biển điển hình. Nếu không phân cấp triệt để sẽ làm cho cơ chế xin cho còn nặng. Điều này mất cảm hứng của các địa phương về KBTB.

Bàn về vấn đề xây dựng thể chế pháp luật, GS.TS Chu Hồi nhấn mạnh: "Phải giải quyết triệt để vấn đề xây dựng luật, để làm sao các nghị định, văn bản pháp luật không chồng chéo, không dẫm lên nhau. Trong quá trình quản lý, chúng ta nên áp dụng tiếp cận quản lý tổng hợp KBTB, vì hầu hết các KBTB nằm ở ven bờ, chịu tác động rất nhiều từ bên ngoài, kể cả từ lưu vực. Khi triển khai thành lập KBTB nên ưu tiên những khu bảo tồn nằm trong diện ưu tiên về kinh tế, quốc phòng an ninh như đảo Trần, Bạch Long Vỹ và đảo Lý Sơn".

Về việc huy động nguồn lực kinh tế cho KBTB, GS.TS Hồi cho rằng, nên tranh thủ các dự án, chương trình quốc tế có mục đích bảo tồn, ví dụ như Quỹ Dự án nhỏ (SGF), Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) hoặc Quỹ môi trường toàn cầu...
 
du lịch bơi, lặn biển tại cù lao chàm thu hút khá nhiều du khách. Ảnh: Mạnh Trinh.

Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng

Một bài học kinh nghiệm được rút ra khi thành lập các KBTB là phải kết hợp hài hòa công tác bảo tồn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đó vừa là mục tiêu, vừa là phương thức để các KBTB tồn tại và phát triển. Ông Huỳnh Văn Thải, Giám đốc Ban quản lý KBTB Hòn Cau khẳng định: Để thực hiện được việc quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong KBTB thì phải thực hiện tốt công tác quản lý của KBTB và các chương trình bảo tồn. Muốn huy động được người dân tham gia bảo tồn biển thì KBTB phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và khai thác tài nguyên trong KBTB phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Từ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho rằng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được coi như một sinh kế thay thế nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong hệ thống KBTB của Việt Nam, Cù Lao Chàm có thể được coi là một ví dụ điển hình về việc kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn với phát triển kinh tế. Cộng đồng cư dân trong KBTB được tạo sinh kế bền vững để phát triển kinh tế gia đình. Khi lợi ích kinh tế được đảm bảo, người dân sẽ tích cực tham gia công tác bảo tồn. TS Chu Mạnh Trinh, KBTB Cù Lao Chàm cho hay: Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến năm 2013, đã có 169/560 hộ gia đình ở đảo tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới.
Ngày 26-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 (gồm 16 khu). Tới thời điểm hiện tại, mạng lưới 9/16 KBTB tại Việt Nam đã được thành lập gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo TS Chu Mạnh Trinh, du lịch sinh thái cần đảm bảo được hai yếu tố cơ bản là bảo tồn và thu nhập của người dân địa phương trên cơ sở bảo tồn. Du lịch sinh thái luôn gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế của người dân địa phương. Vì vậy, nghiên cứu du lịch sinh thái cũng gần tròn nghĩa với nghiên cứu sinh kế địa phương hưởng lợi từ hoạt động này.

Đồng thời, sinh kế cộng đồng phải được nghiên cứu chi tiết theo 5 nguồn lực, bao gồm tự nhiên, xã hội, con người, tài chính, vật chất và cơ sở hạ tầng. Mỗi nguồn lực cần được phân tích kỹ về hiện trạng, tác động, tính đáp ứng… để có thể tìm đươc các giải pháp thích hợp.

 

Bích Nguyên

Không có nhận xét nào: