Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Trải nghiệm tour A Lưới, Thừa Thiên Huế

Giữa những ngày hè đổ lửa, trốn cái nắng nóng ở thành phố bằng cách lên A Lưới để trải nghiệm nét đẹp hoang sơ, xanh mát và hít thở không khí trong lành của chốn núi rừng.


 

 


A Nôr - kiệt tác thiên nhiên

Tôi theo đoàn khảo sát  du lịch  lên A Lưới do Ban thực hiện dự án Mê Kông tổ chức. Đoàn gồm 22 doanh nghiệp lữ hành đến từ Đà Nẵng, Hội An và Huế. Sau chặng đường bầm dập vì say xe, không khí mát mẻ, trong lành của A Lưới khiến tôi như bừng tỉnh. Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với dãy rừng nguyên sinh đan xen rừng trồng tái sinh trải dài trên tuyến đường Hồ Chí Minh làm “mát mắt” tất cả những ai đến đây.

Sau khi tham quan nhà sinh hoạt cộng đồng ở trung tâm huyện, xe hướng đến thác A Nôr ở xã Hồng Kim. Những người quen thuộc địa bàn A Lưới truyền tai nhau câu nói: “Chưa thăm A Nôr như chưa đến A Lưới”, thế nên dù rất mệt, tôi vẫn hăng hái. Đường vào thác khá gập ghềnh.

Thật không bỏ công lội bộ gần 30 phút, tôi như choáng ngợp trước kiệt tác thiên nhiên trữ tình nằm giữa đại ngàn. A Nôr như một “tiên cảnh” khi có tới 3 dòng thác liên hoàn đổ nước trắng xóa. Phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng, tha hồ bơi lội. Đổ từ độ cao hơn trăm mét, thác A Nôr có một lớp sương mờ bao phủ khiến không khí xung quanh luôn mát mẻ. Vách núi đá cheo leo có nhiều hoa đỗ quyên rực đỏ càng làm cho A Nôr thêm thơ mộng... Với phong cảnh tươi đẹp, nguyên sơ, đây là khu nghỉ dưỡng lý tưởng trong ngày hè.

Sau khi ngâm mình dưới làn nước mát lạnh, chúng tôi ăn trưa dã chiến tại đây. Những tảng đá to được trưng dụng làm bàn ăn. Thực phẩm là những đặc sản A Lưới mang theo từ thị trấn. Chuyến picnic thêm phần thú vị khi đoàn kiếm củi khô và nướng gà tại thác... Anh Bùi Thế Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông Vesta – TP Hồ Chí Minh cho hay: “Với vẻ đẹp hoang sơ và đầy quyến rũ, thác A Nôr là một địa chỉ du lịch “đỏ” đối với du khách. Xung quanh thác là thảm thực vật xanh ngắt, A Nôr như một máy điều hòa tự nhiên, chống lại cái nắng gay gắt. Chúng tôi đã có trải nghiệm thú vị khi đến đây”.

Thú vị với du lịch cộng đồng

Lên A Lưới mà không ngủ nhà sàn, ăn cơm nếp và mặc đồ thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi thì thật thiếu sót.

Chia tay A Nôr, đoàn chúng tôi đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thôn Aka-Achi (xã A Roàng) với các hoạt động thú vị: đạp xe đạp tham quan quanh thôn, thưởng thức ẩm thực, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ với bà con trong thôn, tắm suối nước nóng A Roàng... Các thành viên trong đoàn đã rất thích thú khi được đạp  xe du lịch  quanh thôn để ngắm khung cảnh thanh bình ở một làng quê vùng cao. Qua các nương rẫy, các con suối nhỏ, được tiếp xúc với nhiều đồng bào, xem họ trồng ruộng khô, đan lát, dệt zèng… chúng tôi càng hiểu hơn đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đặc trưng văn hóa của đồng bào Tà Ôi. Những món ăn đặc sản của dân tộc Tà Ôi, như: cơm lam, thịt xiên nướng, gà nướng ống… làm hài lòng tất cả mọi người.

Đêm xuống, đoàn đốt lửa trại giao lưu với người dân Aka-Achi. Từ trẻ em, trai làng đến các mẹ, các chị và cả người già, ai cũng niềm nở, nhiệt tình với khách. Khoảnh sân của nhà nghỉ cộng đồng như vỡ ra trong tiếng hát, tiếng cười và tiếng vỗ tay. Chủ và khách cùng ca hát, nhảy múa tưng bừng. Giây phút ấy, dường như đất trời đã hòa làm một, lòng người miền xuôi và miền ngược cũng hòa làm một. Những điệu múa truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Tà Ôi, những giai điệu trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo kéo mọi người xích lại gần nhau, không còn khoảng cách. Bình rượu Đoác đầy rồi lại vơi, cứ thế chủ và khách say sưa ca hát. Không có hoa, mọi người hái những bông hoa dại, cành lá rừng tặng nhau. Đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần dễ thương. Đến khuya, không ai muốn dừng cuộc chơi dù đã thấm mệt.

Nguyễn Thị Bích Thúy (Công ty du lịch Eco Nature Travel) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến A lưới. Với tôi, cái gì ở đây cũng mới mẻ và thú vị. Với tour du lịch này, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa và cuộc sống thường nhật của người dân tộc thiểu số. Tôi sẽ tích cực quảng bá tour này đến du khách”.

Từ năm 2009 đến nay, Aka-Achi được dự án Mê Kông hỗ trợ xây dựng nhà nghỉ cộng đồng, trang bị 22 chiếc xe đạp và tập huấn cho bà con cách làm du lịch. Qua hỗ trợ của dự án, bà con trong thôn đã nâng cao nhận thức về du lịch, nâng cao năng lực, các kỹ năng phục vụ du khách. Đến nay, Aka-Achi đã đón rất nhiều đoàn khách, trong đó có nhiều khách quốc tế. Hue Tourist là một trong những công ty du lịch đã đưa nhiều đoàn khách quốc tế đến với A Roàng. Anh Trần Quang Hào, Giám đốc công ty cho biết, tour du lịch này đặc biệt thu hút những du khách thích loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh và du lịch mạo hiểm.

Dẫu phong cách phục vụ của cộng đồng du lịch chưa được chuyên nghiệp nhưng hầu hết du khách không vì vậy mà thấy phiền lòng. Theo anh Bùi Thế Quang, như vậy mới là du lịch “home stay”. Du khách không cần sự chuyên nghiệp mà thích bà con giữ nguyên bản sắc văn hóa, những gì họ vốn có./.

Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch

(Chinhphu.Vn) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và  du lịch  bổ sung 1 triệu Euro do Chính phủ Đại Công quốc Luxembourg viện trợ không hoàn lại để tiếp tục thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn Việt Nam".

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với phía Luxembourg phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.

Dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành Du lịch và Khách sạn Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg phối hợp thực hiện từ năm 2010, với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhân lực ngành Du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm tại Việt Nam do Chính phủ Việt Nam chỉ định.

Các đối tượng thụ hưởng của Dự án bao gồm Ban lãnh đạo, giáo viên-giảng viên và học sinh-sinh viên của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng, Trường Trung cấp Du lịch Đà Lạt, Trường Trung cấp  du lịch nha trang , Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ.

Mục tiêu tổng quát của dự án là tăng cường năng lực nguồn nhân lực trong ngành du lịch và khách sạn của Việt Nam; nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy tại 4 cơ sở đào tạo du lịch ở Hà Nội, Huế, TPHCM và Vũng Tàu, đồng thời mở rộng ra 5 cơ sở đào tạo du lịch mới ở Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang và Đà Nẵng.

Dự án có một số hoạt động chủ yếu như, tại Huế sẽ mở rộng Trường Đào tạo tại khách sạn Villa Huế thuộc Trường cao đẳng Nghề  du lịch huế ; ở TPHCM sẽ xây dựng một nhà hàng và một bếp phục vụ công tác đào tạo; tại Hà Nội và Vũng Tàu sẽ xây dựng một bếp phục vụ công tác đào tạo và tại Đà Nẵng sẽ trang bị các thiết bị được sử dụng trong cơ sở đào tạo. Còn tại các cơ sở đào tạo mới sẽ trang bị cho các giáo viên, đào tạo viên những phương pháp đào tạo tiên tiến...

Phương Hiển

TT-Huế đón trên 557.000 lượt khách quốc tế trong 6 tháng

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và  du lịch  tỉnh TT-Huế, năm 2013 ngành du lịch TT-Huế đã đạt được những con số khá ấn tượng.

 

 

Riêng trong tháng 6/2013, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ 265. 416 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 75.318 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt trên 238.040 triệu đồng, công suất sử dụng buồng đạt 76%.

Sở dĩ khách du lịch đến Huế tăng là do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị và doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhất là các giải pháp kích cầu, chính sách khuyến mãi; các cơ sở lưu trú đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Đức Linh (TTVN)

Huyền Không Sơn Thượng - chốn thanh bình nơi cửa Phật

Huế nổi tiếng không chỉ vì là nơi tập trung những đền đài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, nơi có những ngôi chùa, nhà thờ, đền đài nổi danh, nơi có những con người với danh xưng “người Huế trầm mặc”, mà Huế còn nổi tiếng vì có một thiên nhiên tươi đẹp. Có rất nhiều điểm đến ấn tượng ở Huế, tuy nhiên có một khu  du lịch  sinh thái tuyệt đẹp mà không phải khách tham quan nào cũng biết, đó là chùa Huyền Không Sơn Thượng.


Cách cố đô Huế chừng hơn 10km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyền Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Để đến được Huyền Không Sơn Thượng , du khách phải đi qua chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ, rồi đi khoảng hơn 1km nữa rồi rẽ phải vào thôn Đồng Chầm. Từ đây, đi tiếp chừng 500m, đường này sẽ cắt ngang đường chính Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy một cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng làng chừng 200m, nhìn bên phải có một tấm biển chỉ dẫn bởi những mốc đá nhỏ ven đường, tuy chỉ là đá đẽo thô mộc nhưng nét bút ghi rõ danh hiệu chùa lại uyển chuyển đến kỳ lạ, đúng theo lối thư pháp quốc ngữ đang thịnh hành. Những mốc đá đôi khi khuất sau lùm cây bụi cỏ, hoặc chơ vơ ngay bên đường, nhưng nếu tinh ý quan sát sẽ thấy chút hơi hướng của tâm hồn thi sĩ đang mở lòng đón bước chân lạ. Theo lộ trình này gần 3km nữa là đến Huyền Không Sơn Thượng. Do đặc điểm địa lý, đồi tiếp đồi nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, đường nay đã được cải tạo, nâng cấp khá thuận lợi cho du khách đến tham quan.


Đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng du khách sẽ bắt gặp một không gian thật yên tĩnh, cảnh quan kỳ ảo đẹp như trong chuyện cổ tích. Một cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ nở đầy hoa súng tím ngát đưa khách vào Thanh Tâm Viên, sân trước tòa Phật điện.


Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những cảnh quan kỳ ảo, đẹp như trong chuyện cổ tích. Một cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím ngát đưa khách bước vào Thanh tâm viên, sân trước tòa Phật điện. Những dò hoa phong lan quí hiếm, được chọn trong 500 giỏ lan quý nuôi trồng ở vườn dưới sân chùa, được thay đổi mỗi ngày, với đủ sắc màu rực rỡ, đua sắc, khoe hương. Những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách…cổ thụ hàng trăm năm tuổi, điềm đạm xòe những tán lá rậm rạp, ung dung che chở nắng gió cho những khoảng sân và lối đi lát gạch Bát Tràng màu nâu đỏ. Đây đó, dưới bóng những cây tre ngà lao xao, khu rừng trúc um tùm là những bộ bàn ghế để khách nghỉ chân, tận hưởng sự yên ả thanh bình nơi cửa Phật.


Một quần thể kiến trúc rõ ràng là nơi tu hành song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những hình khối nhỏ xinh bằng tranh tre, gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u mặc, và những bức thư họa trang trí trong nội thất khiến ta liên tưởng rõ rệt tới một không gian văn hóa cổ điển hơn là sự nghiêm cẩn chùa chiền.

Bản thân ngôi chính điện cũng không dựng theo lối thông thường với tường, vách, cột, bệ thờ… như các chùa vẫn gặp. Chính điện ở đây là ngôi nhà nhỏ, giản dị, mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta đã có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà, từng gốc trúc trong sân chùa. Bên trái là nhà đọc sách, bên phải là nhà sinh hoạt, rải rác phía sau là những căn nhà gỗ nhỏ, nơi xướng họa, tiếp khách của nhà chùa, bộ bàn ghế thấp, bình trà nghi ngút hơi và những cái chén nhỏ sạch sẽ, tạo nên một không gian giản dị mà đầm ấm.. Đi qua khu vườn trúc là đến nơi dành cho những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi, là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, phô chữ. Có lẽ vì thế, thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng tam quan… Đó là những lời Phật dạy, những điều hay lẽ phải răn đời và răn người, là những cảm xúc bất chợt của các cây bút, là những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Nơi đây, dưới gốc cây cổ thụ là bức tượng đá nổi tiếng do cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị tạc, gửi tặng chùa một dáng ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn.


Ở phía sau dãy nhà tăng xá là cả một rừng thông cổ thụ rậm rạp trên ốc đảo giữa hồ Hàm Nguyệt Trì. Đây là nơi diễn ra những cuộc triển lãm thư pháp trong thời gian Huế tổ chức Festival. Trên mỗi cây thông có gắn một cái giá bằng gốc tre. Đêm đêm, những chiếc đèn dầu đặt trên đó tỏa ánh sáng mờ ảo, hư hư thực thực, đầy quyến rũ.

Về Huyền Không Sơn Thượng, giữa đất trời bao la, được trải lòng mình ra với thiên nhiên dân dã, để sống thật với chính mình, gạt bỏ những âu lo, phiền muộn.
Bảo Anh

Khi những ông bà Tây đến VN trồng rau và làm người Lô Lô

(VOV) - Nếu người làm  du lịch  vẫn phát triển, đầu tư theo thói quen tư duy cũ thì cơ hội chẳng còn nhiều.

1. Năm 2000 nhân dịp tham dự Festival Huế đầu tiên, vì quá tò mò nên tôi đã đăng ký tham gia tour du lịch thăm làng rau do những người bạn Pháp xây dựng. Tò mò không phải vì chưa bao giờ nhìn thấy những luống rau xanh, mà bởi nó chả có gì lạ sao người Tây phải xoắn thế.

Tôi được ngồi trên chiếc xích lô kết hoa vàng rạng rỡ, được chở đi dọc những con đường rợp bóng cây trước khu vực Đại Nội thanh bình, và đến với làng rau sạch phía trên cổng thành cửa An Hòa.

Đến làng rau xanh, tôi rất ngạc nhiên thú vị khi bắt gặp những chú hề sặc sỡ do ông Tây cải trang hân hoan chào đón khách thăm những ruộng rau. Và đằng kia là một nhóm nghệ sĩ đang mô phỏng công việc của một nông dân trồng rau thú vị như thế nào.

Khách du lịch nước ngoài tưới rau ở Trà Quế, Hội An.

Đó chính là gợi ý đầu tiên cho việc Huế trở thành địa phương đi đầu cả nước về du lịch xanh. Tuy nhiên, loại hình này khi được chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam lại chỉ rộ vào những kỳ Festival Huế diễn ra 2 năm một lần và cũng chỉ diễn ra vài kỳ đầu. Xong xuôi đâu lại vào đó.

2. Cách đây 1 tuần, nhân dịp tham gia Festival Di sản Quảng Nam, một lần nữa sự tò mò thôi thúc tôi đạp xe 3 km từ khu phố cổ đến thăm làng rau Trà Quế. Tò mò vì muốn biết làm thế nào mà từ gần 10 năm qua, là địa phương đi sau nhưng TP Hội An đã xây dựng thương hiệu du lịch làng rau Trà Quế thành công đến vậy.

Thành công của mô hình này là nhờ vào sự ủng hộ quyết liệt của chính quyền những ngày đầu làm du lịch: Chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tập huấn cho nông dân và yêu cầu tất cả các tour du lịch trong địa bàn bắt buộc phải bổ sung Làng rau Trà Quế vào hành trình tham quan. Nhưng quan trọng nhất là nông dân phải là người trực tiếp hưởng lợi.

Giờ đây, dù không còn trong hành trình bắt buộc nhưng làng rau này đã trở thành điểm đến không thể thiếu của bất kỳ du khách nào khi đến Quảng Nam. Họ có thể tự đạp xe (khách sạn nào ở Hội An cũng có xe đạp cho du khách mượn miễn phí) đến thăm làng rau hoặc đăng ký theo tour.

3. Ngày 01/11/2011, đài truyền hình France 2, Pháp ghi dấu ấn bởi một chương trình phim tài liệu đạt kỷ lục 7,7 triệu người xem. Đó là chương trình “Hẹn nhau nơi đất lạ” –một tập phim theo chân ngôi sao bóng bầu dục Frederic Michalak (trong tình trạng bị bịt mắt-lạ chưa?) tới Việt Nam-một điểm đến không được báo trước.

Ngôi sao này làm gì ở Việt Nam mà nhiều người quan tâm đến vậy? Lộ hàng, uốn éo sexy hay phát ngôn gây sốc? Xin thưa, những chiêu bài cũ rích đó có thể mở ra một con đường huy hoàng vào giới showbit cho một bà cô nào đó ở Việt Nam nhưng chắc chắn là cánh cửa đóng sập với bất kỳ một tên tuổi tầm cỡ ở một nước văn minh như Pháp.

Vậy sức hút của chương trình là gì? Đó là nét đặc sắc của văn hóa bản địa-thứ mà nhiều người Việt chúng ta còn chưa coi trọng. Michalak có 2 tuần sống hòa nhập với cộng đồng người dân tộc ít người Lô Lô đen ở Cao Bằng. Anh phải tham gia vào tất cả công việc của một người đàn ông Lô Lô như đi đốn tre để làm hàng rào, đi cấy mạ, cày ruộng, cuốc đất làm nương, tắm cho trâu, đi bắt lợn làm giống, xuống chợ bán gạo, băm rau nấu cám cho lợn…

Trong hai tuần làm người Lô Lô, Michalak khám phá ra bao giá trị sống mới mà ở một quốc gia văn minh như Pháp, anh không tìm thấy. Đó là những nụ cười, sự gắn bó đoàn kết của cộng đồng, cùng với những khái niệm vô cùng giản đơn về hạnh phúc như sự no đủ và tình yêu đơn sơ.

Những giọt nước mắt của một ngôi sao quốc tế khi chia tay những người dân Lô Lô đen, và một lần nữa, những giọt nước mắt lại rơi khi anh đã ở Pháp, hồi tưởng lại quãng thời gian vất vả nhưng đẹp đẽ đó. Những trải nghiệm đó đã khơi dậy mong muốn, khát khao lên đường đến Việt Nam khám phá những miền đất lạ của biết bao khán giả.

4. Nếu như ở trường hợp của Huế, dù có lợi thế đi trước lại có sẵn tiềm năng to lớn nhưng do không có sự đồng thuận và ý thức của người dân cùng sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt của chính quyền nên Huế đã không thành công như Hội An. Kết quả là du khách (nhất là người nước ngoài) đến và trở lại Hội An luôn cao hơn so với Huế.

Như thế thật lãng phí vì cùng với quần thể di tích Cố đô được vinh danh là di sản thế giới, việc xây dựng mô hình du lịch xanh bền vững giới thiệu những sinh hoạt văn hóa bản địa nhẽ ra sẽ phải đưa Huế đàng hoàng bước vào bản đồ du lịch bền vững của thế giới, sánh với Kyoto và Venice- như lời nhận xét của một chuyên gia du lịch thuộc Hệ thống thế giới Xanh.

Một cảm giác chạnh lòng khi ngồi nếm vị thơm ngon nổi tiếng của rau làng Trà Quế, Hội An lại nhớ đến rau húng làng Láng oanh liệt một thời của Hà Nội thân yêu. Nhớ những lần theo mẹ đi từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ để tìm mua bằng được mớ rau húng của làng Láng cho người phố cổ sành miệng. Đến bao giờ chúng ta mới thực sự nhận ra và biết nâng niu những giá trị văn hóa độc đáo mà một khi đã mất đi thì không cách gì lấy lại được?

5. Về trường hợp bộ phim tài liệu “Hẹn nhau nơi đất lạ”. Đó là một bài học quý giá cho ngành du lịch Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam đã phản ứng và tranh thủ cơ hội này thế nào? Không gì cả!

Dù rằng trước đó, lịch sử du lịch Việt Nam được đánh dấu bằng bộ phim Đông Dương (Indochine) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier công chiếu năm 1992. Bộ phim đoạt giải Oscar với nội dung là một câu chuyện tình lãng mạn và những phong cảnh thiên nhiên vịnh Hạ Long tuyệt đẹp đã dấy lên một làn sóng du lịch người nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam.

Cũng giống như khi cộng đồng mạng Việt Nam bất ngờ và ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của chính quê hương mình qua những video clip quảng bá du lịch của một công ty Hàn Quốc, làm dấy lên làn sóng…”Ta ba lô”. Khi nhà báo hỏi đại diện Tổng cục du lịch vì sao chúng ta không làm được những thước phim hẫp dẫn như thế thì nhận được câu trả lời muôn thuở là do kinh phí hạn hẹp.

Thực ra vấn đề ở đây là tầm nhìn, vốn văn hóa và tâm huyết của người làm du lịch và của chính quyền.

Xu hướng du lịch của thế giới ngày nay là mong muốn khám phá, trải nghiệm màu sắc văn hóa, thiên nhiên độc đáo mang tính bản địa. Du lịch cộng đồng có sự tham gia chủ động của người dân cùng lợi ích thiết thân sẽ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp họ nhận thức, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Khi đó mỗi người dân sẽ thực sự trở thành một đại sứ du lịch.

Do vậy người làm trong lĩnh vực du lịch và chính quyền không chỉ cần có chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch thiết thực mà còn cần tập trung đào sâu, quảng bá những giá trị độc đáo, từ thiên nhiên, di sản, lối sống cho đến ẩm thực. Có như vậy mới hạn chế được việc khai thác thái quá di sản với tình trạng du lịch đại trà, ăn xổi ở thì - một trong những tác nhân làm tổn hại đến di sản.

Mặc dù tiềm năng có nhiều, nhưng nếu ngành du lịch vẫn cứ phát triển và đầu tư theo thói quen tư duy cũ, không xác định được cái gì ưu tiên hàng đầu, là đột phá trong thời đại cả thế giới đang chuyển mình thì du lịch Việt Nam sẽ còn tiếp tục đánh mất cơ hội./.

Khách du lịch đến Huế tăng cao

Ngày 29.6, tin từ Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỉnh này đã đón hơn 1,4 triệu lượt du khách.

 
 

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 557.134 lượt, bằng 106,5% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu  du lịch  6 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 1.200 tỉ đồng.

Khách du lịch đến Huế tăng cao trong 6 tháng đầu năm nhờ những sự kiện hấp dẫn từ Festival Nghề truyền thống Huế và các chương trình kích cầu du lịch do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Trong năm 2013, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó trên 1 triệu lượt khách quốc tế và nguồn thu từ dịch vụ, du lịch chiếm gần 50% GDP.

Bùi Ngọc Long

Thừa Thiên - Huế: 100 % xe khách lắp “hộp đen”

PNO - Ngày 30/6 Ông Đặng Trọng Nghĩa, Phòng Vận tải Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Hầu hết, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện tốt các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo Nghị định 91-CP. Riêng các doanh nghiệp vận tải khách  du lịch , vận tải khách theo tuyến cố định trên 300 km đã lắp đặt hộp đen đạt tỷ lệ 100%.

Quá trình triển khai lắp đặt hộp đen cho phương tiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại. Kiểm tra của Sở GTVT cho thấy, có quá nhiều nhà cung cấp hộp đen với nhiều nhãn mác và giá cả khác nhau. Do đó, có nhiều doanh nghiệp lắp đặt hộp đen không đồng nhất một loại, mà sử dụng nhiều loại của nhiều nhà cung cấp. Có doanh nghiệp lắp đặt đến 11 loại thiết bị. Chất lượng thiết bị cũng khác nhau. Có một số thiết bị không đảm bảo thông tin theo quy định, đường truyền chậm, treo máy, giao diện màn hình không thuận tiện cho theo dõi, truy xuất báo cáo... Nên chăng, nhà nước cần có quy định một doanh nghiệp chỉ lắp đặt một loại hộp đen để thuận tiện trong quản lý, truy suất, bảo dưỡng sửa chữa và duy trì hoạt động thường xuyên; tránh tình trạng doanh nghiệp và nhà cung cấp chỉ tìm cách mua bán được thiết bị giá rẻ, không quan tâm đến giá trị sử dụng.


Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hành khách đường dài, Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên - Huế có 60 phương tiện, đến nay đã lắp đặt hộp đen toàn bộ. Ông Nguyễn Bá Viện, Phó Giám đốc Công ty nói: “Lắp đặt hộp đen cho phương tiện chỉ có lợi. Trước đây, khi chưa có hộp đen, mặc dầu công ty đã phổ biến rất nhiều những quy định về hoạt động chở khách trên đường nhưng có không ít trường hợp vi phạm. Giờ đây, phương tiện được lắp đặt hộp đen, lãnh đạo công ty dễ dàng theo dõi, quản lý về hành trình, tốc độ phương tiện trên đường, để kịp thời chấn chỉnh. Ngoài ra, nhờ có hộp đen mà ban điều hành công ty dễ dàng biết được xe đang ở chỗ nào, về đến đâu. Những trường hợp bị xử phạt không chính xác, thì có thể căn cứ vào dữ liệu thông tin của hộp đen làm căn cứ.

THUẬN HÓA

Hơn 1,5 triệu lượt khách đến Huế trong 6 tháng đầu năm


 

 

 

 

Mặc dù đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, sân bay quốc tế Phú Bài tại Huế phải đóng cửa sửa chữa, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành  du lịch  Thừa Thiên Huế vẫn có tín hiệu tăng trưởng tốt với gần 1,5 triệu lượt khách.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, tổng số khách lưu trú và doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh Thừa Thiên Huế đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong tháng 6/2013, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ 265.416 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 75.318 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt trên 238.040 triệu đồng, công suất sử dụng buồng đạt 76%.

Tổng lượng khách du lịch đến Huế trong 6 tháng đầu năm đạt 1.492.532 lượt, (bằng 101,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2013 đạt 1.217.393 triệu đồng (bằng 11,32% so với cùng kỳ 2012).

Đặt biệt trong 1,5 triệu lượt khách thì có 557.134 lượt khách quốc tế (bằng 106,5% so với cùng kỳ 2012) và chiếm 15,7% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013.

Sở dĩ khách du lịch đến Huế tăng là do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị và doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhất là các giải pháp kích cầu, chính sách khuyến mãi.

Đây là tín hiệu khả quan cho du lịch Thừa Thiên Huế để hướng tới mục tiêu phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách (1 triệu lượt khách quốc tế) trong năm 2014./.

Thừa Thiên Huế: Tập trung đầu tư hạ tầng 6 tháng cuối năm

(Chinhphu.Vn) - Ngày 1/7, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lần thứ 12 (Khóa XIV) được tổ chức nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013.

 

Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lần thứ 12 - Ảnh VGP/Thế Phong

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho biết trong điều kiện khó khăn chung của cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Thừa Thiên Huế trong 6 tháng đầu năm đạt 7,45%, là mức tăng trưởng hợp lý.

Trong đó các ngành dịch vụ tăng 9,27%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,25%; nông - lâm - ngư nghiệp tăng 1,33%. Đã có gần 1,5 triệu lượt khách  du lịch  đến Huế, doanh thu các cơ sở lưu trú ước đạt 700 tỷ đồng (tăng 11,3%).

Thu ngân sách đạt 2.203 tỷ đồng, bằng 46,28% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,25% so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 238,4 triệu USD (tăng 1,1% so cùng kỳ).

Đặc biệt, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, trong 28 xã điểm xây dựng nông thôn mới, có 5 xã đạt 15 tiêu chí, 3 xã đạt 14 tiêu chí, 6 xã đạt 12 tiêu chí và 14 xã đạt từ 8 - 11 tiêu chí. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế…

Tuy vậy, tình hình 6 tháng đầu năm 2013 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế đạt mức tăng thấp nhất từ trước đến nay. Có 3/17 chỉ tiêu khó đạt, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm bình quân đầu người và tổng đầu tư toàn xã hội. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có xu hướng giảm.

Du lịch có bước tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững và chưa phát huy hết lợi thế của vùng đất di sản văn hóa. Kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là đầu tư nước ngoài.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phấn đấu tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I...

Tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, tích cực huy động vốn đầu tư phát triển, với việc xây dựng các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính. Triển khai đồng bộ các biện pháp để phát triển mạnh ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thế Phong

Du lịch Lăng Cô vào mùa

Đến hẹn lại lên, Lăng Cô - một địa chỉ  du lịch  có tiếng của Huế đang rộn ràng bước vào mùa  du lịch biển .

 

Đầu tư hạ tầng, dịch vụ

Về Lăng Cô dịp này, du khách tứ phương cùng xe cộ ra vào nhộn nhịp ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng dọc theo bãi biển. Ngoài những địa chỉ đang hoạt động có hiệu quả như Khu du lịch Lăng Cô - Cố đô, Thanh Tâm, Nirvana Spa & Resort… nơi đây đã có thêm các nhà nghỉ bình dân đã nâng cấp, trở thành những địa chỉ đón khách.

 

10 khu biệt thự ở Lăng Cô Hương Giang đã hoàn thiện đưa vào hoạt động đầu hè năm 2013.

Tại khu du lịch Lăng Cô Hương Giang, từ đầu năm 2013, đơn vị này tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với kinh phí 30 tỷ đồng để nâng cấp các dịch vụ và xây dựng 10 biệt thự với 30 phòng nghỉ cao cấp, tiện nghi hướng ra biển. Đến nay, các hạng mục cơ bản hoàn thành, đưa vào hoạt động, nâng tổng số phòng của Khu du lịch lên 114 phòng, cùng các dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Anh Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Khu du lịch Lăng Cô Hương Giang cho biết: “Hiện nay, ngoài việc đầu tư mở rộng qui mô hạ tầng, công ty chú trọng việc nâng chất lượng các dịch vụ để phục vụ khách trong mùa cao điểm, như câu bạc bộ đêm, bể bơi ngoài trời, câu lạc bộ trẻ em, nhà hàng ăn uống, phòng tập thể dục… Bên cạnh các dịch vụ tại khu du lịch ở Lăng Cô, công ty còn tổ chức các tour du lịch tham quan các điểm di tích thắng cảnh ở Huế, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, khu du lịch sinh thái Bạch Mã, phố cổ Hội An…” Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, từ khi Lăng Cô được công nhận là Vịnh đẹp thế giới, lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 25%, doanh thu tăng bình quân 12%. Khách đến với Lăng Cô ngày càng tăng, đặc biệt vào dịp hè - mùa cao điểm. Theo ông Giảng, hiện ở Lăng Cô có 6 khu du lịch tổng hợp, 40 khách sạn, nhà nghỉ với 850 phòng, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Dự báo năm nay với thời tiết nắng nóng, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng biển sẽ tăng cao, lượng khách đến với du lịch biển Lăng Cô sẽ tăng.

Cần xử lý sớm các dự án “treo”

Dù đã tạo được những ấn tượng trong lòng du khách nhưng một nhận xét chung là, du lịch biển ở Lăng Cô còn nhiều điểm bất cập. Thời gian qua, dù chính quyền sở tại đã nỗ lực kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng của Vịnh đẹp thế giới; song lượng khách thu hút hàng năm vẫn tăng chưa cao, nhất là lượng khách du lịch nước ngoài. Điều này đã lý giải phần nào công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch Lăng Cô mới dừng lại mỗi thời điểm, từng sự kiện, chưa có chiến lược dài hơi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đáp ứng du lịch biển còn hạn chế; chưa tương xứng tiềm năng, vị thế. Đáng buồn, việc xúc tiến đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch đã làm cho diện mạo Lăng Cô xấu đi vì có gần 10 dự án du lịch treo gây hoang hóa, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trong khu vực lấn đất xây dựng hàng quán trái phép mà chính quyền địa phương luôn phải căng thẳng xử lý.

Ông Giảng nói: Những dự án án binh bất động, thị trấn Lăng Cô đã đề nghị, tỉnh nên có biện pháp giải quyết dứt điểm; có thể thu hồi để giao cho các nhà đầu tư khác. Và điều quan trọng nữa, ông Giảng đề xuất, trong điều hiện nay, Lăng Cô rất cần một Ban quản lý Vịnh đẹp thế giới, để quản lý, khai thác hợp lý đồng thời sớm quy hoạch chi tiết về đô thị, hệ thống đầm, biển để giải quyết dứt điểm việc người dân lén lút lấn chiếm nuôi thủy sản làm phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước...

Nằm trong quy hoạch chung Khu kinh tế Chân mây Lăng Cô và đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Thừa Thiên Huế, rất mong Lăng Cô được quan tâm hơn nữa để khai thác có hiệu quả, tạo cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Minh Văn (TT-Hue Online)

Đà Nẵng, Khánh Hòa hút du khách

(Chinhphu.Vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2013, lượng khách  du lịch  đến Đà Nẵng ước đạt 1,54 triệu lượt người, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng du khách đến Khánh Hòa đạt 5,4 triệu lượt, với số lượt khách lưu trú đạt 1,4 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Làm thủ tục nhập cảnh cho du khách tại Cảng Tiên Sa. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết lượng khách quốc tế đến Thành phố tăng 11,4% (gần 400.000 lượt), bên cạnh đó lượng khách nội địa vẫn duy trì tăng trưởng với mức tăng 18% (1,15 triệu lượt). Thu nhập của ngành du lịch ước đạt 3.608 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Đặc biệt, với việc đẩy mạnh thu hút du khách đến từ đường biển và hàng không, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã đón 53 chuyến tàu biển du lịch cập cảng Tiên Sa với gần 60.000 lượt du khách, tăng 67,6% so với cùng kỳ 2012.

Các đường bay quốc tế từ Đà Nẵng đến Ôn Châu, Hồng Kông, Thành Đô (Trung Quốc)... Mở rộng khai thác đưa lượng khách đến bằng đường hàng không tăng 94,2%, ước đạt 117.000 lượt.

* Tại Khánh Hòa, tổng lượng khách tham quan du lịch 6 tháng đầu năm đạt gần 5,4 triệu lượt khách. Số khách lưu trú đạt 1,4 triệu lượt, tăng 20%so với cùng kỳ năm 2012, trong đó khách quốc tế đạt 309.000 lượt, tăng 19%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2012.

Đáng chú ý là từ 2 năm nay, nhờ việc mở các chuyến bay trực tiếp từ Nga đến Khánh Hòa, lượng khách Nga đến đây tăng rất mạnh, bình quân tăng hơn 50%, chiếm 70% lượng khách nước ngoài sử dụng dịch vụ, đóng góp hơn 50% doanh thu, vươn lên dẫn đầu lượng khách quốc tế đến với Khánh Hòa.

Việc mở các chuyến bay trực tiếp từ Nga đến Khánh Hòa là yếu tố thúc đẩy sự gia tăng trên, giúp các công ty du lịch lữ hành đưa khách từ hơn 20 thành phố của Nga đến Khánh Hòa.

Việc gia tăng lượng khách Nga đã tạo đà cho thị trường du lịch Khánh Hòa phát triển.

Trang Hạnh

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Về Trà Quế thử làm nông dân trồng rau

(Tin Nóng) Làng Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) nổi tiếng với rau xanh. Ngày nay, ngôi làng này còn là một địa điểm  du lịch  yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt trong dịp hè.

Đường vào làng rau Trà Quế

Nói đến Trà Quế, người dân phố cổ Hội An và nhiều vùng lân cận liên tưởng đến rau xanh vì nhiều loại rau họ dùng hàng ngày đều được trồng từ đây, và rau Trà Quế đã được công nhận là một thương hiệu được bảo hộ. Rau thơm Trà Quế còn góp phần làm nên hương vị của nhiều món ăn đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, bánh xèo, v.V.

Nằm cạnh sông Đế Võng, làng rau Trà Quế được bồi đắp phù sa nên đất đai màu mỡ. Có lẽ đây là điều làm nên hương vị thơm ngon của rau Trà Quế, dù người nông dân trong làng nói là họ không có bí quyết gì đặc biệt trong việc canh tác rau xanh.

Theo những người dân địa phương, cha ông họ đã bắt đầu chuyên canh rau tại đây từ 400 năm về trước. Hiện tại có khoảng hơn 100 hộ dân theo nghề.

Dù chỉ cách phố cổ Hội An chừng 3 km, làng rau này vẫn là một khoảng không gian xanh rộng lớn và tươi đẹp, thu hút đông khách du lịch tới tìm hiểu nghề trồng rau truyền thống của dân địa phương.


Một góc làng rau Trà Quế

Cảm nhận đầu tiên của du khách đến đây là cách đón tiếp nồng hậu của những người nông dân. Ngoài phong cách nhiệt tình vốn có, dân làng Trà Quế đã quen với việc làm dịch vụ du lịch, do đó họ rất biết cách làm du khách hài lòng.

Nhiều gia đình đã liên kết với các công ty lữ hành để đưa đón khách về nhà. Và một số tour đi về trong ngày được nhiều du khách ưa thích là đạp xe vòng quanh làng, theo chủ nhà ra ruộng rau để trải nghiệm làm người nông dân: cuốc đất, tỉa rau, bón phân, tưới rau; rồi sau đó về nhà thưởng thức bữa cơm trưa với các nông sản của vùng.

Mùa nào thức nấy, chủ nhà sẽ thết đãi du khách các loại rau nổi tiếng thơm ngon của làng, trong đó phải kể đến các loại cải, cần, rau muống, bầu bí và nhiều loại rau thơm, rau sống có hương vị thơm ngon đặc biệt qua các món như nem cuốn, bánh xèo, canh hến v.V. Đặc biệt, nếu du khách yêu cầu, chủ nhà sẽ tổ chức một buổi dạy nấu các món ăn truyền thống của Hội An rồi sau đó cùng thưởng thức.

Các món ăn ở Hội An có một đặc điểm chung là ăn kèm với nhiều loại rau sống. Một trong số đó là món bánh xèo truyền thống. Người dân Trà Quế cho biết đây cũng là món được nhiều du khách yêu thích và muốn học cách làm nhất. Để làm món này, ngoài vỏ bánh, tôm, thịt thì không thể thiếu giá đỗ, rau húng, tía tô, xà lách, rau mùi (ngò).


Du khách nước ngoài thích thú với việc thử làm nông dân trồng rau

Trong khi món bánh xèo thích hợp thưởng thức vào mùa đông thì gỏi cuốn tôm thịt và rau sống và canh hến nấu với với bầu, rau muống hoặc mồng tơi luôn là những lựa chọn lý tưởng cho mùa hè. Vì các món này đều chế biến chủ đạo từ rau xanh nên thưởng thức tại làng Trà Quế luôn mang lại hương vị thơm ngon nhất.

Trước và sau bữa ăn, du khách còn được ngâm chân và tắm với các loại lá thơm, mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái.

Do cách phố cổ Hội An không xa, du khách có thể tự mình khám phá và trải nghiệm các đặc sản của Trà Quế. Cũng có một số công ty lữ hành tổ chức tour đến làng với giá từ 800.000 đồng đến trên 1.000.000 đồng (xuất phát từ Hội An).

Bài, ảnh:Cẩm Nhi - Phong Lan

Chùa Hội Khánh-điểm đến tâm linh được du khách nước ngoài yêu thích

Có một số điểm  du lịch  ở Bình Dương mà du khách nước ngoài thường tìm đến đó là làng tre Phú An, các làng nghề và chùa Hội Khánh… Theo một số hướng dẫn viên du lịch thì du khách rất thích khi đến những điểm du lịch nói trên, đặc biệt là điểm đến tâm linh Chùa Hội Khánh…Có người đi theo nhóm, có người tự tìm hiểu về ngôi tổ đình cổ có tiếng này. Gần đây, du khách đến nhiều hơn khi chùa được tôn tạo, xây dựng mới nhiều công trình kiến trúc có giá trị…


Cổng tam quan chùa Hội Khánh (ảnh internet)
Ngôi chùa Hội Khánh tọa lạc dưới chân đồi, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, số 35 đường Bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Chùa được xây dựng vào năm 1741, đến năm 1861 thì bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.


Dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng đến nay Chùa Hội Khánh là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện; giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý; Đông lang và Tây lang chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương”. Đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ. Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa.


Điểm nhấn của ngôi chùa là tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập Niết bàn dài 52m, cao 12m được an vị trên độ cao cách mặt đất 24m giữa khu rừng dầu. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng.
Tại bốn mái đao của phần sân thượng, hình ảnh rồng cách điệu lá sen được đắp lên những mảnh gốm sứ tạo nên nét nhẹ nhàng tinh tế. Cầu thang chính dẫn lên tượng Phật gồm 49 bậc, tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật. Chiều dài “52m” là biểu trưng cho 52 quả vị gồm Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác để tu chứng thành Phật. Con số này cũng gợi nhớ 52 vị chúng sinh ở khắp nơi thấy ánh sáng Phật mà đến dự Pháp hội Niết bàn hay 52 phẩm vật dâng cúng Đức Phật trong hội Niết bàn. Với 52m chiều dài, công trình này đã xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Khánh Chi


Cửa Đại lọt vào top những bãi biển đẹp nhất Châu Á

Bãi biển Cửa Đại (Hội An) đã lọt vào top các bãi biển đẹp nhất Châu Á do độc giả tạp chí  du lịch  nổi tiếng của Mỹ - Trip Advisor bầu chọn. Đây là tín hiệu vui đối với ngành du lịch Việt Nam khi hai bãi biển khác là An Bàng và bãi Dài cũng lọt vào danh sách những bãi biển đẹp nhất hành tinh của CNN.

Cửa Đại nằm cách Hội An 5km, là một bãi tắm rộng khoảng vài chục héc ta với làn nước trong xanh và những con sóng nhỏ ấm ôm bờ cát trắng mịn dưới ánh mặt trời rực rỡ. Tới đây, du khách được đắm chìm trong bầu không khí yên tĩnh và khung cảnh cảnh biển trời hữu tình.
Bãi biển mang trong mình vẻ trung trung sống động với những resort tiện nghi cùng các khu vườn sinh thái; xóm chài dưới bóng dừa xanh mát. Nhờ những ưu điểm trên, Cửa Đại đã được độc giả tạp chí du lịch Mỹ Trip Advisor bầu chọn là một trong 25 bãi biển đẹp nhất Châu Á năm 2013 cùng với các danh thắng nổi tiếng khác tại Thái Lan, Ấn Độ, Phillippines…
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, hai bãi biển khác của Việt Nam là An Bàng (Hội An) và bãi Dài (Phú Quốc) cũng lọt vào danh sách “100 bãi biển đẹp nhất hành tinh” do chuyên trang du lịch của CNN bình chọn. Kết quả trên dựa vào ý kiến đánh giá của các chuyên gia du lịch, du khách và độc giả toàn thế giới. Bãi biển An Bàng xếp vị trí thứ 86 và bãi Dài ở vị trí 93.
Tài nguyên  du lịch biển  Việt Nam dồi dào không hề thua kém quốc gia nào trong khu vực nhưng đến giờ ngành du lịch nước nhà vẫn chật vật chờ ngày “cất cánh”. Nạn chặt chém, chèo kéo du khách đã và đang trở thành vấn nạn chẳng những khiến du khách “khiếp sợ” chẳng dám quay trở lại mà còn làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, chính sách quản lý đầu tư thiếu đồng bộ dẫn tới thực trạng các danh lam thắng cảnh sau một thời gian đưa vào khai thác bị tàn phá nghiêm trọng, đánh mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có, đó là chưa kể đến hậu quả ôm nhiễm môi trường do rác thải du lịch.
Được bầu chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất âu cũng là tín hiệu vui đối với ngành du lịch Việt đồng thời cũng đặt ra bài toán phát triển du lịch để không chỉ trong năm nay mà còn nhiều năm khác nữa, các địa danh này vẫn lọt vào các danh sách bình chọn trên.


Nghệ sĩ Việt làm tượng bằng gốc tre

Bảy năm qua, nghệ sĩ người Hội An có tên Huỳnh Phương Đỏ đã tạo dựng thương hiệu cho mình bằng việc tạc những bức chân dung tượng phật và các anh hùng lịch sử bằng gốc tre.

Tượng gốc tre của Đỗ Huỳnh Phương

Huỳnh Phương Đỏ đã tìm ra con đường sự nghiệp của mình một cách hết sức tình cờ. Anh lớn lên ở một ngôi làng trồng tre nổi tiếng ở Hội An. Anh khắc gỗ từ khi 15 tuổi. Bảy năm trước, lũ từ thượng nguồn sông Thu Bồn đã cuốn các gốc tre dạt đến bờ sông trước nhà anh. Những gốc cây đó đã khiến anh nảy ra ý tưởng tạo ra những bức tượng từ chúng.

Giờ đây, Huỳnh Phương Đỏ đã có phòng trưng bày các bức tượng tre của riêng mình. Các tác phẩm của anh được trưng bày ở hơn 20 cửa hàng lưu niệm ở Hội An. Anh dành cả ngày để ngắm những gốc tre và nghĩ cách tạo hình cho chúng trông thật con người. Một tháng anh thường làm khoảng 200 đến 300 bức mặt nạ và tượng để bán cho du khách.

Anh phải vào rừng lấy gốc tre, dùng cuốc chim để đào chúng. Sau đó anh đem rửa sạch và phơi khô trước khi bắt đầu công đoạn tạo khắc. Phương cho biết, anh biến những gốc tre vô nghĩa thành tác phẩm độc đáo rất dễ dàng. Chúng đều rất bắt mắt với du khách và người dân vùng này. Nhờ những năm kinh nghiệm anh làm với các anh em ở làng khắc gỗ Kim Bồng. Ngoài những bức tượng nổi tiếng như Phật Bà Quan Âm hay Trương Phi, anh cũng khắc tượng hình khuôn mặt của chính du khách theo yêu cầu.

Ngắm những tác phẩm nghệ thuật - sản phẩm thủ công độc đáo của Huỳnh Phương Đỏ:

Khổ vì du lịch giá rẻ

(HQ Online)- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để hút khách  du lịch , việc giảm giá đang là xu thế chung của các hãng lữ hành. Tuy nhiên, chỉ lo giảm giá để tranh giành khách mà bỏ quên chất lượng thì rất đáng lo ngại.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh minh họa- Quang Tấn.

Du lịch giá rẻ nở rộ

Nếu như trước đây, để có một chuyến nghỉ dưỡng cho gia đình hay cơ quan phải bỏ ra một số tiền “kha khá” thì nay cũng với những dịch vụ đó khách chỉ phải trả số tiền bằng 2/3 hay thậm chí bằng một nửa.

Đà Nẵng là một điểm đến rất “hot” trong những năm gần đây. Giá một tour với điểm khởi hành từ Hà Nội ở các hãng lữ hành lớn đều không dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm tour này với giá “mềm” hơn. Tại một công ty du lịch trực tuyến trên đường Nguyễn Trãi– Hà Nội, tour Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn – Hội An – Huế 4 ngày 3 đêm có giá chỉ 2.250.000 đồng. Cũng với một lịch trình như vậy du khách có thể dễ dàng tìm thấy với giá chỉ từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng ở các công ty lữ hành nhỏ khác.

Chị Trần Hương Lan (Phòng nhân sự - Công ty cổ phần truyền thông G12– Hà Nội) đã chọn cho công ty mình một tour Đà Nẵng – Hội An giá rẻ vào tháng 6 vừa rồi. Theo chị Lan: “Năm nay tình hình công ty khó khăn hơn mấy năm trước, nhưng công ty mình vẫn muốn cho anh em một chuyến đi nghỉ ngơi vui vẻ nên đã tìm hiểu rất nhiều tour du lịch giá rẻ. Giá tour này tại một công ty du lịch trên phố Hàng Tre – Hà Nội chỉ có 3.600.000 đồng (bao gồm cả vé máy bay) mà so sánh hành trình tour với các công ty lữ hành lớn thì không thấy khác nhau là mấy nên mình đã quyết định đặt”.

Cũng giống như các tour nội địa, giá tour nước ngoài cũng không nằm ngoài xu hướng giảm giá để kích cầu người dân. Du lịch các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia… được mở rộng và trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với tour nước ngoài, Thái Lan là một điểm đến hấp dẫn và giá cả cũng rất hợp túi tiền người dân. Tour Thái Lan chất lượng với những địa điểm tham quan như Bangkok – Pattaya thường có giá từ 7.500.000 – 9.000.000 đồng. Tuy nhiên, không khó để có thể tìm thấy tour này với mức giá chỉ hơn 6.000.000 đồng tại rất nhiều công ty du lịch.

Anh Lê Công Thắng (Hướng dẫn viễn du lịch – Công ty lữ hành APT – Hà Nội) cho biết: “Kinh tế khó khăn nên nhu cầu của người dân cũng hạn hẹp hơn, nếu không hạ giá thì e là không có khách”.

&Ldquo;Của rẻ là của ôi”?

Thực tế lại cho thấy, có những tour giá rẻ lại khiến du khách ngán ngẩm. Thời ế ẩm, các doanh nghiệp chỉ lo tranh giành khách mà bỏ quên chất lượng đang là thực trạng đáng báo động.

Chị Trần Hương Lan (Công ty truyền thông G12) cho biết chuyến  du lịch đà nẵng  – Hội An của gần 30 nhân viên công ty chị thật sự kinh khủng. Đến sân bay Đã Nẵng cả đoàn chờ mãi mới thấy một chiếc xe 24 chỗ cũ kĩ đến đón. Khách sạn 3 sao mà công ty lữ hành quảng cáo thì thực chất chỉ là một nhà nghỉ nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố, các bữa ăn của đoàn thì lèo tèo vài món không đủ dùng. Chuyến đi khiến cả đoàn công ty chị thất vọng bởi hướng dẫn viên không nhiệt tình, chương trình đơn điệu và ít điểm tham quan. Chị than thở: “Cứ tưởng được rẻ nhưng tiền mà mọi người trong đoàn tự bỏ ra để đi đến các điểm tham quan và ăn uống còn đắt hơn so với mua tour giá cao. Vui chưa thấy đâu chỉ thấy thất vọng về lựa chọn của mình”.

Anh Lê Tiến Dũng (Nhân viên marketting ngân hàng tại Hà Nội) hè này đã tự thưởng cho vợ con của mình chuyến đi Thái Lan để nghỉ dưỡng. Kinh tế cũng có phần eo hẹp nên anh đã chọn cho mình một tour giá rẻ tìm thấy trên mạng. Anh cho biết: “Nhà ba người mua tour chỉ hết gần 20 triệu đồng. Rẻ hơn so với giá tour của Hanoitourist hay Viettravel nhưng chất lượng thì thật tệ. Đi du lịch mà cứ như đi chạy loạn, không có cả thời gian để nghỉ mà toàn bị đưa đến các khu mua sắm. Biết thế chi thêm mấy triệu để mua tuor ở công ty khác đàng hoàng hơn”.

Anh Lê Công Thắng (Hướng dẫn viên du lịch – Công ty Du lịch APT) cho biết: “Thời buổi vật giá leo thang, giảm giá dịch vụ thì đương nhiên chất lượng cũng phải giảm theo. Giá thấp mà du khách đòi hỏi những dịch vụ tốt nhất thì khó lòng đáp ứng được”. Anh cũng cho biết, tuy công ty anh theo xu thế chung có giảm giá nhưng cũng chỉ được một phần rất nhỏ, vậy mà nhiều nơi bán tour với giá rẻ hơn rất nhiều thì không hiểu chất lượng dịch vụ mà khách hàng của họ được hưởng sẽ ra sao.

Hiện trên thị trường du lịch nở rộ như hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp uy tín cũng xuất hiện không ít công ty "chui" hút khách bằng việc tung ra những tour du lịch với giá siêu rẻ nhằm “câu” khách. Khi ký hợp đồng với khách, các công ty này thường “gạ gẫm” bằng việc đưa ra những dịch vụ chất lượng nhưng suốt chuyến đi, nhiều dịch vụ không được đáp ứng như trong hợp đồng khiến khách hàng đành phải chịu “tiền mất tật mang”.

Thị trường du lịch tiềm ẩn nhiều rủi ro nên khách hàng phải thật tỉnh táo lựa chọn các dịch vụ du lịch để tự bảo vệ mình. Khi mua tour ở bất cứ công ty dịch vụ lữ hành nào cũng phải xem chương trình cụ thể và yêu cầu nhân viên kinh doanh của họ phải cam kết rõ ràng chất lượng dịch vụ.

Thùy Linh

Đà Nẵng “điểm nóng” ngày hè

Thiên nhiên ưu đãi cho Đà Nẵng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của thành phố Đà nẵng trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển khách. Không chỉ là tâm điểm của 03 di sản thế giới, thành phố Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp đến nỗi du khách khó có thể nào quên được sau khi đã đến thăm thành phố này.

 

Thành phố Đà Nẵng có rất nhiều bãi biển trong phạm vi thành phố như bãi Non nước, bãi Thanh Bình, bãi Mỹ Khê, bãi Nam Ô…

Điểm đặc trưng của các bãi biển tại đây là những làn nước trong xanh ôm lượn triền cát trắng, độ dốc thấp, sóng êm nên có là người “nhát” nước, bạn vẫn tự tin hòa mình. Ngoài vui chơi, tắm biển, tại đây, cũng phát triển các môn thể thao trên biển và các trò chơi mạo hiểm như tàu lượn, lướt sóng… dành cho những người thích cảm giác mạnh.

 

Hiện nay, Đà Nẵng có 17 bãi biển đã được quy hoạch trải dài theo các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành, bố trí vị trí tắm biển và khu thể thao riêng biệt, rất thuận lợi cho người chơi thể thao. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển  du lịch đà nẵng, trong những ngày nắng nóng, có khoảng 8.000-10.000 lượt người đến biển Đà Nẵng, trong đó 30-35% là khách du lịch. Những ngày lễ, cuối tuần, con số này tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt, với chương trình “Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè” diễn ra trong khoảng cuối tháng 6, dự kiến mỗi ngày trên các bãi biển Đà Nẵng thu hút hơn 50.000 lượt người đến tắm biển và vui chơi các môn thể thao. Nhất là với môn dù lượn không động cơ lần đầu tiên được biểu diễn trong chương trình này sẽ được làm thí điểm để đưa vào hoạt động thể thao biển thời gian tới.

 

Hiện nay có 3 doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng khai thác hoạt động thể thao biển, gồm Công ty CP du lịch Huy Khánh tại Đà Nẵng, Temple Danang và Dana Beach. Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, mỗi ngày họ đón gần 100 lượt khách đến tham gia các trò chơi thể thao biển. Ông Lê Minh Đức, Tổng quản lý Temple Danang cho biết: “Tuy thể thao biển ở Đà Nẵng không phát triển mạnh như Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu nhưng trong tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút khách. Cái được ở Đà Nẵng là môi trường du lịch thân thiện và sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo động lực cho doanh nghiệp chúng tôi mạnh dạn đầu tư”.

Tháng 5 vừa qua, UBND thành phố đã đồng ý cho phép Sở VH-TT&DL tổ chức thí điểm hai vị trí đón khách tham gia hoạt động thể thao biển bao gồm: bãi biển khu vực nút giao thông Võ Văn Kiệt - Hoàng Sa và bãi biển khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Thoại - Trường Sa. Việc đưa vào thí điểm hai vị trí đón khách này sẽ giúp hoạt động thể thao biển được quy hoạch cụ thể hơn. &Ldquo;Ở nhiều nơi, thể thao biển phát triển tràn lan, khu vực thể thao và tắm biển xen kẽ nhau thường gây nên cảnh lộn xộn. Riêng Đà Nẵng lại có cách làm hay, chỗ nào tắm biển ra tắm biển, chơi thể thao ra thể thao, có quy định cụ thể cả”, ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc Điều hành Dana Beach chia sẻ.

Theo đại diện các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là chi phí bảo quản các vật dụng khá cao vì thể thao biển chỉ khai thác được trong mùa hè, còn mùa mưa hầu như để không. Vì vậy, thể thao biển mới chỉ được xem như là một dịch vụ “kèm theo” để các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn ven biển.

Dù chỉ mới đưa vào khai thác trong vòng vài năm trở lại đây nhưng thể thao biển hứa hẹn là sân chơi thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng trong tương lai.

Đức Linh (TTVN)TH

Nhà xe gặp khó khi vận hành hộp đen

Việc một doanh nghiệp lắp đặt nhiều loại thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của các nhà cung cấp khác nhau, đang khiến cho quá trình vận hành và theo dõi phương tiện gặp khó khăn.

 

Việc một doanh nghiệp lắp đặt nhiều loại thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của các nhà cung cấp khác nhau, đang khiến cho quá trình vận hành và theo dõi phương tiện gặp khó khăn.

 

 

Hợp tác xã ô tô vận tải và xe  du lịch  Đà Nẵng hiện có hơn 70 xe ô tô kinh doanh. Gần 1 năm trước, đơn vị này đã tiến hành lắp đặt hộp đen cho toàn bộ số xe của mình. Được biết, ban đầu chủ doanh nghiệp chỉ kí hợp đồng với một nhà cung cấp vì vậy việc theo dõi hoạt động của phương tiện thông qua hộp đen dễ dàng. Nhưng cho đến nay, vì giá thành rẻ đơn vị này đã kí hợp đồng lắp đặt với hàng chục nhà cung cấp hộp đen khác nhau, thế nhưng khó khăn lại bắt đầu nảy sinh từ đây.

&Ldquo;Trong quá trình quản lý mạng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hơn 70 xe đã có tới 10 nhà cung cấp hộp đen khác nhau, máy tính lại chỉ có 3. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành làm thế nào hòa chung một mạng cho các doanh nghiệp vận tải để dễ quản lý”, ông Trần Đoan,Hợp tác xã ô tô vận tải và  xe du lịch  Đà Nẵng nói.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, không chỉ có Hợp tác xã ô tô vận tải và xe  du lịch đà nẵng , mà có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải khác trên địa bàn TP Đà Nẵng đã gặp phải tình trạng trên. Ban đầu, giá mỗi hộp đen không dưới 6 triệu đồng, nhưng đến nay giảm còn dưới 3 triệu đồng. Vì vậy, việc lựa chọn nhiều nhà cung cấp cũng xuất phát từ quy luật thị trường, chỉ có điều cứ mỗi nhà cung cấp lại thêm một tên miền, một mật khẩu riêng trong khi máy tính và người theo dõi của doanh nghiệp lại có hạn.

Trên thực tế, dù khó khăn, bất tiện, nhưng việc khắc phục tình trạng này là không thể, ngoại trừ việc doanh nghiệp phải chấm dứt sử dụng hộp đen cũ với một số nhà cung cấp để chuyển sang một nhà cung cấp hộp đen duy nhất cho các phương tiện của mình. Tuy nhiên, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được vì liên quan đến kinh phí.

Từ ngày 1/7, các loại xe xe buýt, xe khách, xe hợp đồng và xe container nếu không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 2-3 triệu đồng theo tinh thần Nghị định 91 của Chính phủ. Nhưng cho dù có chấp hành tốt, không vi phạm 5 tiêu chí như quy định thì rắc rối từ chiếc hộp đen chưa phải đã hết.

 

Trung Nghĩa

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Nhiều màu sắc mới tại "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013"

Tại Bãi biển Phạm Văn Đồng, TP Đà Nẵng, chương trình  du lịch  Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013 do Sở VH-TT&DL thành phố tổ chức đã chính thức được khai mạc.

Sự có mặt của đông đảo du khách trong vào ngoài nước cùng hàng nghìn người dân TP Đà Nẵng đã mở đầu cho mùa chương trìnhĐà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013một không khí sôi động và đầy hào hứng.

Đêm khai mạc ngày 29/6 chương trìnhĐà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè 2013được mở đầu với các ca khúc hát múa đã thật sự cuốn hút người xem, mang đến cho du khách gần xa những cảm xúc mới lạ về một Đà Nẵng năng động nhưng không kém phần thơ mộng. Các tiết mục được chuẩn bị cho chương trình đã thể hiện sự chào đón thân thiện của con người Đà Nẵng dành cho du khách.

Dù bay tại Đà Nẵng là hoạt động được nhiều khách du lịch lựa chọn để tìm cảm giác mới lạ. (Ảnh: Cổng TT điện tử TP Đà Nẵng)
Ngoài các hoạt động được đánh giá là thú vị trong những lần trước được tiếp tục duy trì, trong năm 2013, ban tổ chức đã triển khai thêm nhiều hoạt động mới lạ khác như: Trưng bày các gian hàng bán đồ lưu niệm, các hoạt động tuyên truyền về môi trường, ngày hội bóng đá nghệ thuật của các vận động viên đến từ 6 nước châu Á, các trò chơi thể thao biển…
Đặc biệt, hai cuộc thi lớn về dù lượn không động cơ quốc tế và kỹ thuật Bartender cũng được ban tổ chức đưa vào chương trìnhĐà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Lặn biển ngắm san hô tại Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Với các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo như: Du ngoạn sông Hàn về đêm, Vòng quanh bán đảo Sơn Trà; lặn biển ngắm san hô; câu cá cùng ngư dân; khám phá Sơn Trà, trượt thác; thưởng ngoạn Bà Nà….. Sẽ là những tour du lịch mang lại cảm giác mới mẻ cho du khách trong chương trình du lịchĐà Nẵng- Điểm hẹn mùa hè 2013.

An Hải

Đà Nẵng sôi động với chương trình điểm hẹn mùa hè 2013

Đây là một trong những hoạt động nổi bật nhằm kích cầu  du lịch  trong mùa  du lịch biển  của Đà Nẵng.

Màn trình diễn dù lượn có động cơ
Tối 29/6, tại thành phố Đà Nẵng khai mạc chương trình Điểm hẹn mùa hè 2013. Chương trình kéo dài từ ngày 26/6-3/7 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: âm nhạc đường phố, cuộc thi tiếp sức du lịch dành cho phục vụ bàn, Bóng đá mini tranh Cúp Larue, lắc thúng, chạy việt dã, trình diễn bóng đá nghệ thuật, dù lượn không động cơ…
Điểm hẹn mùa hè là một trong chuỗi các sự kiện có chủ đề “3 địa phương 1 điểm đến”, với sự liên kết du lịch giữa Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm tạo không gian du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục đổi mới chương trình, có mời được đoàn nghệ thuật San Choo của Hàn Quốc, tổ chức các điệu múa, điệu nhảy sôi động, phù hợp với không gian bãi biển. Tỉnh ngày càng cải thiện chương trình để làm sao điểm hẹn mùa hè thực sự là nơi hấp dẫn để du khách đến đây có thể thưởng ngoạn và cùng chung vui với các hoạt động của thành phố./.