Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Khi những ông bà Tây đến VN trồng rau và làm người Lô Lô

(VOV) - Nếu người làm  du lịch  vẫn phát triển, đầu tư theo thói quen tư duy cũ thì cơ hội chẳng còn nhiều.

1. Năm 2000 nhân dịp tham dự Festival Huế đầu tiên, vì quá tò mò nên tôi đã đăng ký tham gia tour du lịch thăm làng rau do những người bạn Pháp xây dựng. Tò mò không phải vì chưa bao giờ nhìn thấy những luống rau xanh, mà bởi nó chả có gì lạ sao người Tây phải xoắn thế.

Tôi được ngồi trên chiếc xích lô kết hoa vàng rạng rỡ, được chở đi dọc những con đường rợp bóng cây trước khu vực Đại Nội thanh bình, và đến với làng rau sạch phía trên cổng thành cửa An Hòa.

Đến làng rau xanh, tôi rất ngạc nhiên thú vị khi bắt gặp những chú hề sặc sỡ do ông Tây cải trang hân hoan chào đón khách thăm những ruộng rau. Và đằng kia là một nhóm nghệ sĩ đang mô phỏng công việc của một nông dân trồng rau thú vị như thế nào.

Khách du lịch nước ngoài tưới rau ở Trà Quế, Hội An.

Đó chính là gợi ý đầu tiên cho việc Huế trở thành địa phương đi đầu cả nước về du lịch xanh. Tuy nhiên, loại hình này khi được chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam lại chỉ rộ vào những kỳ Festival Huế diễn ra 2 năm một lần và cũng chỉ diễn ra vài kỳ đầu. Xong xuôi đâu lại vào đó.

2. Cách đây 1 tuần, nhân dịp tham gia Festival Di sản Quảng Nam, một lần nữa sự tò mò thôi thúc tôi đạp xe 3 km từ khu phố cổ đến thăm làng rau Trà Quế. Tò mò vì muốn biết làm thế nào mà từ gần 10 năm qua, là địa phương đi sau nhưng TP Hội An đã xây dựng thương hiệu du lịch làng rau Trà Quế thành công đến vậy.

Thành công của mô hình này là nhờ vào sự ủng hộ quyết liệt của chính quyền những ngày đầu làm du lịch: Chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tập huấn cho nông dân và yêu cầu tất cả các tour du lịch trong địa bàn bắt buộc phải bổ sung Làng rau Trà Quế vào hành trình tham quan. Nhưng quan trọng nhất là nông dân phải là người trực tiếp hưởng lợi.

Giờ đây, dù không còn trong hành trình bắt buộc nhưng làng rau này đã trở thành điểm đến không thể thiếu của bất kỳ du khách nào khi đến Quảng Nam. Họ có thể tự đạp xe (khách sạn nào ở Hội An cũng có xe đạp cho du khách mượn miễn phí) đến thăm làng rau hoặc đăng ký theo tour.

3. Ngày 01/11/2011, đài truyền hình France 2, Pháp ghi dấu ấn bởi một chương trình phim tài liệu đạt kỷ lục 7,7 triệu người xem. Đó là chương trình “Hẹn nhau nơi đất lạ” –một tập phim theo chân ngôi sao bóng bầu dục Frederic Michalak (trong tình trạng bị bịt mắt-lạ chưa?) tới Việt Nam-một điểm đến không được báo trước.

Ngôi sao này làm gì ở Việt Nam mà nhiều người quan tâm đến vậy? Lộ hàng, uốn éo sexy hay phát ngôn gây sốc? Xin thưa, những chiêu bài cũ rích đó có thể mở ra một con đường huy hoàng vào giới showbit cho một bà cô nào đó ở Việt Nam nhưng chắc chắn là cánh cửa đóng sập với bất kỳ một tên tuổi tầm cỡ ở một nước văn minh như Pháp.

Vậy sức hút của chương trình là gì? Đó là nét đặc sắc của văn hóa bản địa-thứ mà nhiều người Việt chúng ta còn chưa coi trọng. Michalak có 2 tuần sống hòa nhập với cộng đồng người dân tộc ít người Lô Lô đen ở Cao Bằng. Anh phải tham gia vào tất cả công việc của một người đàn ông Lô Lô như đi đốn tre để làm hàng rào, đi cấy mạ, cày ruộng, cuốc đất làm nương, tắm cho trâu, đi bắt lợn làm giống, xuống chợ bán gạo, băm rau nấu cám cho lợn…

Trong hai tuần làm người Lô Lô, Michalak khám phá ra bao giá trị sống mới mà ở một quốc gia văn minh như Pháp, anh không tìm thấy. Đó là những nụ cười, sự gắn bó đoàn kết của cộng đồng, cùng với những khái niệm vô cùng giản đơn về hạnh phúc như sự no đủ và tình yêu đơn sơ.

Những giọt nước mắt của một ngôi sao quốc tế khi chia tay những người dân Lô Lô đen, và một lần nữa, những giọt nước mắt lại rơi khi anh đã ở Pháp, hồi tưởng lại quãng thời gian vất vả nhưng đẹp đẽ đó. Những trải nghiệm đó đã khơi dậy mong muốn, khát khao lên đường đến Việt Nam khám phá những miền đất lạ của biết bao khán giả.

4. Nếu như ở trường hợp của Huế, dù có lợi thế đi trước lại có sẵn tiềm năng to lớn nhưng do không có sự đồng thuận và ý thức của người dân cùng sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt của chính quyền nên Huế đã không thành công như Hội An. Kết quả là du khách (nhất là người nước ngoài) đến và trở lại Hội An luôn cao hơn so với Huế.

Như thế thật lãng phí vì cùng với quần thể di tích Cố đô được vinh danh là di sản thế giới, việc xây dựng mô hình du lịch xanh bền vững giới thiệu những sinh hoạt văn hóa bản địa nhẽ ra sẽ phải đưa Huế đàng hoàng bước vào bản đồ du lịch bền vững của thế giới, sánh với Kyoto và Venice- như lời nhận xét của một chuyên gia du lịch thuộc Hệ thống thế giới Xanh.

Một cảm giác chạnh lòng khi ngồi nếm vị thơm ngon nổi tiếng của rau làng Trà Quế, Hội An lại nhớ đến rau húng làng Láng oanh liệt một thời của Hà Nội thân yêu. Nhớ những lần theo mẹ đi từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ để tìm mua bằng được mớ rau húng của làng Láng cho người phố cổ sành miệng. Đến bao giờ chúng ta mới thực sự nhận ra và biết nâng niu những giá trị văn hóa độc đáo mà một khi đã mất đi thì không cách gì lấy lại được?

5. Về trường hợp bộ phim tài liệu “Hẹn nhau nơi đất lạ”. Đó là một bài học quý giá cho ngành du lịch Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam đã phản ứng và tranh thủ cơ hội này thế nào? Không gì cả!

Dù rằng trước đó, lịch sử du lịch Việt Nam được đánh dấu bằng bộ phim Đông Dương (Indochine) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier công chiếu năm 1992. Bộ phim đoạt giải Oscar với nội dung là một câu chuyện tình lãng mạn và những phong cảnh thiên nhiên vịnh Hạ Long tuyệt đẹp đã dấy lên một làn sóng du lịch người nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam.

Cũng giống như khi cộng đồng mạng Việt Nam bất ngờ và ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của chính quê hương mình qua những video clip quảng bá du lịch của một công ty Hàn Quốc, làm dấy lên làn sóng…”Ta ba lô”. Khi nhà báo hỏi đại diện Tổng cục du lịch vì sao chúng ta không làm được những thước phim hẫp dẫn như thế thì nhận được câu trả lời muôn thuở là do kinh phí hạn hẹp.

Thực ra vấn đề ở đây là tầm nhìn, vốn văn hóa và tâm huyết của người làm du lịch và của chính quyền.

Xu hướng du lịch của thế giới ngày nay là mong muốn khám phá, trải nghiệm màu sắc văn hóa, thiên nhiên độc đáo mang tính bản địa. Du lịch cộng đồng có sự tham gia chủ động của người dân cùng lợi ích thiết thân sẽ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp họ nhận thức, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Khi đó mỗi người dân sẽ thực sự trở thành một đại sứ du lịch.

Do vậy người làm trong lĩnh vực du lịch và chính quyền không chỉ cần có chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch thiết thực mà còn cần tập trung đào sâu, quảng bá những giá trị độc đáo, từ thiên nhiên, di sản, lối sống cho đến ẩm thực. Có như vậy mới hạn chế được việc khai thác thái quá di sản với tình trạng du lịch đại trà, ăn xổi ở thì - một trong những tác nhân làm tổn hại đến di sản.

Mặc dù tiềm năng có nhiều, nhưng nếu ngành du lịch vẫn cứ phát triển và đầu tư theo thói quen tư duy cũ, không xác định được cái gì ưu tiên hàng đầu, là đột phá trong thời đại cả thế giới đang chuyển mình thì du lịch Việt Nam sẽ còn tiếp tục đánh mất cơ hội./.

Không có nhận xét nào: