Bể bơi Temple Đà Nẵng để xảy ra chết người nhưng vì cái lợi trước mắt vẫn cố tình kinh doanh trái phép bất chấp lệnh cấm. Sở VHTT&DL làm chiếu lệ rồi bỏ buông, không cần quan tâm doanh nghiệp (DN) có chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động hay không.
Hồ bơi - cái bẫy chết người Như báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin: Ngày 2-8, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ là em Đinh Mai Hoàng Phúc khi đến bơi tại bể bơi trong nhà hàng Temple thuộc Công ty CP Thương mại và du lịch san hô Đà Nẵng (Cty Temple Đà Nẵng) đã tử vong do bị đuối nước. Tuy nhiên, phải mãi đến ngày 7-8, sau khi báo chí lên tiếng thì tổ công tác của Thanh tra Sở VHTT&DL Đà Nẵng mới xuống hiện trường kiểm tra. Theo biên bản kiểm tra của Thanh tra Sở VHTT&DL Đà Nẵng, bể bơi trong nhà hàng Temple có diện tích 10m x 20m, chia làm 3 khu vực có độ sâu khác nhau: 1m2, 2m4 và 5m. Hồ được thiết kế chủ yếu dành cho môn lặn, do vậy đáy hồ không có độ dốc đều. Các khu vực trong bể bơi được phân chia thành hình gấp khúc dẫn đến chênh lệch độ sâu giữa các khu vực rất lớn, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đáng nói hơn, hồ bơi này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo Luật Thể dục thể thao năm 2006. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại bể bơi, nhân viên chuyên môn phục vụ tại hồ bơi không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ VHTT&DL có hiệu lực thi hành từ năm 2011. Dù bể bơi của nhà hàng Temple không đạt quy chuẩn, không tuân thủ các quy định của luật pháp hiện hành, nhưng không hiểu vì sao nó vẫn ngang nhiên hoạt động, phục vụ du khách có nhu cầu bơi lội từ năm 2012, mà không có sự kiểm tra, giám sát nào từ phía các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng. Chỉ đến khi xảy ra sự cố chết người hết sức đau lòng thì người ta mới biết có một bể bơi hoạt động chui như vậy. Và hệ quả tất yếu của việc vô cảm, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, cùng với việc DN chỉ biết có lợi nhuận bất chấp đạo đức nghề nghiệp đã dẫn đến cái chết đau lòng của sinh viên Đinh Mai Hoàng Phúc. Bên cố tình vi phạm, bên làm ngơ Trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 9-8, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Trần Chí Cường cho biết: Căn cứ vào biên bản kiểm tra ngày 7-8, Thanh tra Sở này đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động bể bơi của Cty Temple Đà Nẵng, cho đến khi có ý kiến của cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại. Dư luận được một phen mừng hụt vì tưởng các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng xử nghiêm vi phạm để giữ uy tín và hình ảnh du lịch thân thiện đối với du khách. Nhưng hóa ra không phải vậy... Theo quan sát của phóng viên, suốt từ thời điểm bị đình chỉ hoạt động bể bơi (ngày 9-8), Cty Temple Đà Nẵng không hề chấp hành "lệnh cấm” của Sở VHTT&DL, mà vẫn ngang nhiên đón khách vào bể bơi và cho khách lưu trú tại đây bơi lội bình thường. Kể cả các hoạt động thể thao biển như môtô nước, thuyền độc mộc, lướt ván dù, ca nô kéo Fly Fish và Banana Boat, thuyền thúng... Cũng thuộc diện bị cấm cho đến khi được phép hoạt động trở lại, tuy nhiên, Cty Temple Đà Nẵng có vẻ chẳng xem quyết định tạm đình chỉ của Thanh tra Sở VHTT&DL Đà Nẵng ra gì. Chỉ đến khi thấy bóng dáng của nhà báo xuất hiện, các hoạt động mới tạm ngưng. Điều lạ là khi trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 3-9, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng Trần Chí Cường tỏ ra khá ngạc nhiên với thông tin chúng tôi cung cấp là bể bơi ở nhà hàng Temple vẫn hoạt động bình thường dù đã bị cấm. Còn ông Lê Trí Vũ - Quản lý nhà hàng trả lời phóng viên: DN không hề nhận được thông tin đình chỉ hoạt động của cơ quan chức năng nên vẫn cho khách bơi tại bể bơi bình thường. Điều này khiến chúng tôi ngỡ ngàng, lẽ nào quyết định đình chỉ hoạt động bể bơi và các môn thể thao biển đối với Cty Temple Đà Nẵng của Thanh tra Sở VHTT&DL chỉ lưu hành nội bộ, không tống đạt tới đơn vị vi phạm để họ chấp hành? Hay những người có thẩm quyền vì lý do nào đó "mắt nhắm, mắt mở” cứ để cho DN tiếp tục vi phạm, có ai biết đâu mà sợ? Đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra xác nhận khu vực bể bơi của nhà hàng Temple chỉ có một cây sào cứu hộ nhưng không đúng quy định (sơn màu đỏ - trắng), không có phao cứu sinh, cầu thang xuống khu vực 2 đã bị hư hỏng... Tệ hơn nữa là vào thời điểm xảy ra tai nạn khiến sinh viên Đinh Mai Hoàng Phúc chết đuối, không có bất cứ nhân viên cứu hộ nào của nhà hàng Temple trực tại hồ bơi. Sự vô cảm của Cty Temple Đà Nẵng đối với tính mạng của khách được thể hiện rõ tại "bản quy chế và điều lệ hồ bơi” được khắc trên tảng đá lớn cạnh bể bơi: Hồ bơi không có nhân viên trực thường xuyên. Bạn được yêu cầu tự chịu trách nhiệm trong khi sử dụng hồ bơi... Điều đáng nói là, dù quy định khách tự chịu trách nhiệm về tính mạng của mình, không có nhân viên trực thường xuyên, nhưng Cty Temple Đà Nẵng lại cho phép cả các em nhỏ xuống bể bơi. Chiều ngày 3-9, khi quan sát thực địa, chúng tôi nhìn thấy một trẻ em dưới 10 tuổi và 3 cô gái đang ở dưới bể bơi. Trong khi xung quanh hồ bơi không hề có bóng dáng nhân viên trực cứu hộ, không có phao cứu sinh, sào cứu hộ. Theo anh Tim Owen (người Úc) đang có mặt tại nhà hàng Temple, bể bơi sâu tới 5m là quá nguy hiểm nên anh không sử dụng. Ngay cả các công trình bể bơi thành tích cao của TP Đà Nẵng, nơi tổ chức không biết bao nhiêu giải thi đấu trong nước và quốc tế suốt 10 năm qua, thì nơi sâu nhất cũng chỉ là 2m2. Với việc bể bơi không đạt quy chuẩn đảm bảo an toàn tính mạng cho người sử dụng theo các quy định của pháp luật, chưa được cấp phép vẫn "hồn nhiên” kinh doanh dẫn đến hậu quả chết người, Cty Temple Đà Nẵng không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm hành chính, mà còn có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự. Chiếu theo quy định tại các Điều 99 và 227 Bộ luật Hình sự, việc không đảm bảo an toàn bể bơi, không trực cứu hộ, gây hậu quả chết người là hết sức nghiêm trọng, đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự. Dư luận hy vọng cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm để du khách yên tâm khi đến với du lịch đà nẵng . Tinh Anh - Hoàng Hưng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét