Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Các anh cứ nộp phạt rồi gửi cho tôi cái đơn!”

 Nhiều ưu đãi DN chưa được hưởng 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng chiều 2/12, ông Đặng Hòa (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đại diện cho 12 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn đã bày tỏ bức xúc đối với những quy định mới của UBND TP Đà Nẵng mà họ cho là hết sức bất hợp lý.

Ông Đặng Hòa bày tỏ nỗi bức xúc của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn Đà Nẵng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà của các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng chiều 2/12
(Ảnh: HC)

Theo phản ảnh, mấy năm qua lãnh đạo Đà Nẵng đã đưa ra nhiều chính sách kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch đường thủy, do TP hội đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch hấp dẫn này. Năm 2009, TP có Quyết định số 16, gần đây là văn bản sửa đổi Quyết định số 16 và đặc biệt là Quyết định mới số 61 vừa được ban hành ngày 5/1/2013 về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch đường thủy tại Đà Nẵng.

Nội dung chính trong các quyết định này là doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy sẽ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng BIDV, được miễn phí bến bãi, cầu tàu dọc theo sông Hàn, được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thân tàu và 5 lao động/tàu, được đào tạo miễn phí thuyền viên, được hỗ trợ 30 triệu đồng cho hoán đổi tàu cá sang tàu du lịch , tổ chức quảng bá, quảng cáo trên bến bãi và các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều vấn đề ưu đãi khác…

&Ldquo;Tuy nhiên trong tất cả những sự ưu đãi đó, chúng tôi chưa nhận được một sự hỗ trợ nào. Nhưng vì nhu cầu cuộc sống, vì sự phát triển du lịch đường thủy và đáp ứng lời kêu gọi của lãnh đạo TP nên chỉ riêng trong năm 2013, đội tàu thuyền du lịch đà nẵng đã tăng thêm 8 chiếc, phục vụ du khách trong và ngoài nước tham quan, du lịch trên sông Hàn, vịnh Đà Nẵng và chuẩn bị sẵn sàng để mở tuyến du lịch trên sông Cổ Cò khi dòng sông này được khơi thông” – ông Đặng Hòa nói.

 DN hụt hẫng với quy định mới 

Từ đó, ông Đặng Hòa bày tỏ sự bất ngờ của bản thân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn khi ngày 5/9/2013, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng gửi văn bản yêu cầu tất cả tàu thuyền du lịch không được neo đậu ở bờ Tây mà phải chuyển qua bờ Đông sông Hàn để neo đậu và tổ chức kinh doanh.

Ông Đặng Hòa bức xúc: “Chúng tôi hoàn toàn hụt hẫng và tất cả các doanh nghiệp đều đã gửi kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Trong khi đó các cơ quan chức năng buộc chúng tôi phải di dời tức khắc, nếu không sẽ bị xử lý hành chính”.

Do vậy, theo ông Đặng Hòa, các doanh nghiệp buộc lòng phải chấp hành mệnh lệnh, nhưng không biết đi đâu: qua bờ Đông sông Hàn thì nước cạn, nhiều ghềnh đá, không có bến bãi, cầu tàu, điện nước và các hạ tầng khác về du lịch ; trong khi đó các tàu cá không chịu di dời, trên bờ thì họ tổ chức quay dây, cột lưới, chất đồ ngư cụ… khiến các tàu thuyền du lịch không biết neo đậu nơi đâu, tổ chức kinh doanh như thế nào. Một số tàu bức xúc vì rình rình chạy qua lại bờ Tây để đón khách thì bị các cơ quan chức năng xử lý.

Tàu Cát Tiên Sa, một trong năm chiếc tàu du lịch bị bão số 11 đánh chìm trên sông Hàn, chỉ còn lại mấy khung nhôm nhô lên khỏi mặt nước. (Ảnh: HC)

&Ldquo;Trước tình cảnh đó, 5 chiếc tàu đã chạy lên neo đậu tạm thời ở cảng Sông Thu và thật đau lòng là cả 5 chiếc đều đã bị bão số 11 đánh chìm, phải kéo vào âu thuyền Thọ Quang để sửa chữa, những chiếc còn lại tự tìm kiếm chỗ đậu cũng đã lắm gian nan chứ đừng nói đến tổ chức kinh doanh du lịch . Việc TP buộc chúng tôi di dời ra khỏi bờ Tây để qua bờ Đông trong khi tại nơi đến không có bến bãi, không có điều kiện cần thiết để neo đậu và tổ chức kinh doanh, đặc biệt là không có khách liệu đã hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân chưa, đã tạo điều kiện để gỡ khó cho doanh nghiệp chưa?” – ông Đặng Hòa đặt câu hỏi.

Ông cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy trên địa bàn có nghe tin TP sẽ đầu tư một cầu tàu tạm khoảng vài trăm triệu đồng tại bờ Đông để các tàu thuyền du lịch đón khách. Nhưng theo kinh nghiệm của họ và tình hình thực tế hiện nay thì việc làm này trong vòng 1 – 2 năm tới vẫn chưa hợp lý và sẽ gây lãng phí cho ngân sách TP vốn còn đang khó khăn. Do lẽ, chiếc cầu tàu nhỏ đó không đủ cho 15 tàu thuyền neo đậu và tổ chức đón khách nên sẽ tạo nên sự hỗn tạp, va đập và mất an toàn cho các tàu thuyền lẫn du khách. Thêm vào đó bên bờ Đông chẳng có khách để mà đón.

&Ldquo;Nếu TP vẫn giữ nguyên quyết định của mình thì 95% doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn sẽ vô cùng khốn đốn, không ai dám bỏ tiền ra để đóng tàu. Chúng tôi xót xa nhìn những con tàu của mình bỏ bến, chìm nổi với thời gian, còn đối với du lịch đường sông, một loại hình rất hấp dẫn và bắt đầu khởi sắc liệu có thể phát triển vươn lên như mong muốn của lãnh đạo TP qua các năm chờ đợi?” – ông Đặng Hòa nói.

Rồi ông gần như năn nỉ: “Nếu vì mục đích quy hoạch chung của TP về phát triển du lịch đường thủy trong tương lai thì trước mắt hãy tạm thời cho chúng tôi một khu vực tương đối thuận lợi để neo đậu và tổ chức kinh doanh ở bờ Tây trong khi chờ đợi TP có một bến tàu đúng nghĩa “trên bến dưới thuyền” xứng đáng với tầm vóc một TP du lịch , văn minh, hiện đại. Còn nếu không thì ban ngày chúng tôi tự tìm nơi neo đậu, còn ban đêm hãy cho chúng tôi về lại bên bờ Tây để thuận lợi cho việc tổ chức kinh doanh đón khách”.

 Muốn có thì phải nuôi dưỡng 

Sau khi nghe phản ảnh của ông Đặng Hòa, ông Nguyễn Bá Thanh cho hay, trong chương trình làm việc chiều 3/12 của ông với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương sẽ đề cập đến vấn đề phát triển du lịch đường thủy tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Bá Thanh nói với ông Đặng Hòa: “Mấy tàu du lịch đường thủy bị phạt thì các anh cứ nộp phạt đi rồi gửi cho tôi cái đơn đề nghị. Tôi sẽ cầm cái đơn đó đi xin tiền Ủy ban trả lại cho các anh”. Và ông cho biết sẽ đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng xem xét, có chính sách hết sức thông thoáng đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri chiều 2/12, ông Nguyễn Bá Thanh nói: "Mấy tàu du lịch đường thủy bị phạt thì các anh cứ nộp phạt đi rồi gửi cho tôi cái đơn đề nghị. Tôi sẽ cầm cái đơn đó đi xin tiền Ủy ban trả lại cho các anh” (Ảnh: HC)

&Ldquo;Bởi vì cái thứ này giai đoạn đầu không dễ chi mà có đồng lời đâu, nên phải tạo điều kiện, phải miễn thuế, phải cho người ta vay vốn ưu đãi, thậm chí phải bàn với họ thiết kế con tàu đi trên sông thế nào cho đẹp, nếu không nó chạy nhếch nhác thì xấu TP đi. Làm bữa ni phải tính cho 5 – 10 năm sau nữa. Phải có chính sách rồi bến bãi đậu thế nào, phải hết sức cụ thể. Tàu chở bao nhiêu người, thiết kế phải cho đẹp, trên tàu hát hò kiểu gì, ăn uống ra sao, giới thiệu về Đà Nẵng như thế nào để phục vụ khách gần xa đến thăm TP” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Ông Nguyễn Bá Thanh bày tỏ: “Tôi ước mơ sông Cổ Cò mà thông, do vướng Quảng Nam nên phải bàn với Quảng Nam, chứ nếu nội Đà Nẵng thì tôi đã “uýnh” tung sông Cổ Cò lên rồi, để cho khách từ Hội An và Đà Nẵng nối với nhau trên đường thủy sôi động cả ngày lẫn đêm, nối hai TP du lịch thành điểm đến hấp dẫn. Ban đêm mà trên sông Hàn không có tàu bè đi lại thì nó buồn hiu. Nhưng muốn có thì anh phải nuôi dưỡng chứ không phải tự nhiên mà có đâu”.

Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ rõ: “Quyết định của UBND TP nói rất hay nhưng trong cuộc sống thì như thế, bến bãi cũng không biết đậu chỗ nào. Họ phải chạy qua bên bờ Tây để đón khách, chứ khách đâu đi ngược qua bên bờ Đông này. Chẳng qua từ ngày có cầu Rồng mới có khách đứng bên này một tí xem phun lửa, phun nước ban đêm thôi, chứ còn hầu hết khách xuất phát từ trung tâm TP rồi mới đi dạo. Mình cứ bắt ngược lại, chú mày qua bên đó (bờ Đông) thì khách ở mô mà đón trời!”.

Nhắn nhủ với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy trên địa bàn cũng như lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Tôi không hứa hẹn gì nhiều nhưng tôi sẽ có ý kiến đề nghị với Ủy ban, rồi tôi xem thử có những tổ chức nào có khả năng đầu tư, cho vay vốn để làm cho tươi tắn lên. Làm cái món này gian khổ lắm, lúc ban đầu chưa có lãi ngay được đâu. Nhưng biết cách làm thì tương lai sẽ được lắm đấy.

Trời mùa hè, ban ngày lên Bà Nà như có máy điều hòa, buổi tối thư giãn nhẹ nhàng trên dòng sông Hàn thơ mộng sẽ rất hấp dẫn du khách. Có điều đừng có chặt chém. Lên tàu nghe dân ca thế nào, ăn những món gì cho ngon, cho đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, ẩm thực miền Trung thì đều phải nghiên cứu, phải công phu hết, chứ cái này không “ăn xổi, ở thì” được. Nhưng làm quy mô lúc ban đầu từ từ, thích nghi dần, nâng dần, nâng dần lên chứ ồ ạt ra đời cái rồi không có đủ khách thì sẽ lãng phí”.

HẢI CHÂU

  

Không có nhận xét nào: