Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch Đà Nẵng: Chưa có tính đặc trưng, mẫu mã còn đơn điệu

 

Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết cho rằng, dù ngày càng nhiều về số lượng nhưng sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố vẫn còn thiếu điểm nhấn.

Quy mô nhỏ, thái độ e dè

Tháng 12-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định số 55/2012/QĐ-UBND (nay được thay thế bằng Quyết định 30/2014/QĐ-UBND) quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch với mục đích huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh trên cơ sở có sự hỗ trợ của chính quyền.

Từ đó tạo ra nguồn sản phẩm lưu niệm đặc trưng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, tạo điểm nhấn cho du lịch đà nẵng. Với sự quan tâm của chính quyền thành phố, các sở, ban ngành, chương trình ngày càng thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm du lịch trong và ngoài địa bàn thành phố.

Sau 2 năm, Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã lựa chọn, tham mưu UBND thành phố phê duyệt tổng cộng 12 đơn vị tham gia chương trình. Doanh nghiệp tham gia bước đầu đã tạo được một số sản phẩm mới mang đặc trưng của Đà Nẵng. Thông qua chương trình, doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài thành phố, tìm được đối tác để hợp tác phát triển sản xuất.

Tuy vậy, đại diện của Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp cho rằng công tác thông tin tuyên truyền chương trình vẫn chưa đến được đầy đủ các đối tượng liên quan. Phần lớn các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm trên địa bàn thành phố hiện này đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, một số đơn vị chưa được thông tin hoặc chưa nhận thức đầy đủ về chương trình nên còn e dè, ngại khó khăn về thủ tục hành chính cũng như thời gian để nhận được hỗ trợ của thành phố nên chưa đăng ký tham gia. Trong khi đó, các đơn vị tham gia chương trình vẫn còn hạn chế về năng lực lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ và thực hiện các báo cáo theo yêu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ xem xét hỗ trợ.

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, chủ trương của thành phố, trong đó có cả việc hỗ trợ kinh phí mang lại lợi ích rất lớn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên một trong những điều mà 2 năm qua thành phố chưa làm được chính là tạo cơ hội cho sản phẩm tiếp cận được với du khách, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết.

Nhiều sản phẩm lưu niệm du lịch Đà Nẵng được trưng bày ngay tại hội nghị còn đơn điệu về mẫu mã, chưa có điểm nhấn đặc trưng.

Phải tự hào khi tặng, tự tin khi bán

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, với sự phát triển về các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch của thành phố thì sản phẩm lưu niệm du lịch là rất quan trọng. Chính vì vậy chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Ông Nguyễn Xuân Sơn

* &Ldquo;Hỗ trợ kinh phí nhiều khi chưa hẳn đã hiệu quả bằng việc tạo cơ hội cho sản phẩm tiếp cận thị trường. Đơn cử như sản phẩm của Cty tôi đi 11 nước trên thế giới, có mặt tại cả Hội nghị ASEAN+7 nhưng lại không vào được siêu thị nước ngoài đóng chân trên địa bàn thành phố. Phải cởi mở hơn nữa để chúng tôi có nơi trưng bày, quảng bá. Điều đó tốt hơn cả việc hỗ trợ tiền”, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Cty Hương Quế nói.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Phan Hải – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, quà tặng lưu niệm phải đạt được yếu tố mỹ thuật, người ta đánh giá cao tính thủ công, ít tác động của máy móc và phải mang tính đặc trưng. Theo ông Hải: “Nhiều sản phẩm nằm trong chương trình thậm chí chưa đủ đặc trưng để minh chứng là nó của Việt Nam chứ đừng nói là dấu ấn Đà Nẵng. Thành phố phải có một hội đồng tư vấn cũng như thành lập một website dành riêng cho việc quảng bá sản phẩm”.

Tuy vậy, ông Phùng Tấn Viết cũng nhận xét khách quan rằng, chính ông cũng có thể nhận ra nhiều sản phẩm được trưng bày ngay tại hội nghị sơ kết không phải được sản xuất tại Đà Nẵng, cũng không mang dấu ấn của Đà Nẵng.

Một số rất đơn điệu về mẫu mã, chưa thực sự đặc sắc. Thậm chí có sản phẩm nhìn qua thấy đẹp, chất lượng cũng tốt nhưng quan sát kỹ lại thấy... &Ldquo;nhái ý tưởng”. &Ldquo;Muốn bắt mắt, ấn tượng thì trước hết mẫu mã phải đẹp, phải có dấu ấn không thể nhầm lẫn. Có nhiều sản phẩm mang đi tặng các địa phương khác trong nước còn tạm chấp nhận được chứ đưa tặng khách nước ngoài thì chạnh lòng lắm. Sản phẩm lưu niệm du lịch phải làm sao để tự hào khi đi tặng, tự tin khi bán cho khách du lịch”, ông Phùng Tấn Viết nhắn nhủ.

Với quyết tâm đó, ông nhấn mạnh rằng, thành phố không tiếc kinh phí hỗ trợ cũng như tạo cơ chế thuận lợi về mặt bằng sản xuất, trưng bày, quan trọng là doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để làm ra sản phẩm xứng đáng không.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, với chủ trương mới, cơ chế có thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng bản thân ngành chức năng cũng chưa hài lòng với mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ tham mưu UBND thành phố tổ chức tốt hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ các đơn vị sản xuất tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Công Khanh

Không có nhận xét nào: