Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Cẩn trọng với "hội chứng cáp treo" tại Việt Nam

 

Cách đây chưa đầy một năm, cộng đồng đam mê "du lịch bụi", du lịch khám phá từng xôn xao vì dự án xây cáp treo lên đỉnh Phan-xi-păng (Sa Pa, Lào Cai) với nghi ngại phá vỡ cảnh quan tự nhiên và làm mất đi hứng thú trong hành trình trải nghiệm mang lại một thương hiệu du lịch thu hút du khách quốc tế của "Nóc nhà Đông Dương". Cũng chẳng bao lâu sau, Ban quản lý vịnh Hạ Long, một Di sản thiên nhiên thế giới từng hai lần được UNESCO công nhận và là một Kỳ quan thiên nhiên thế giới lại tiếp bước dự án nêu trên với phương án xây cáp treo xuyên vịnh Hạ Long đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Khi những sự việc trên chưa ngã ngũ, thì tháng 10 vừa qua, hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới tại Quảng Bình đã được Hiệp hội hang động UNESCO công nhận, một điểm du lịch nổi bật và hiếm có mà Việt Nam may mắn sở hữu lại tiếp tục đối mặt với sự leo thang của "hội chứng cáp treo" cùng câu hỏi nan giải "làm hay không làm?".

Theo số liệu thống kê, năm 2014, khi mở tua du lịch mạo hiểm vào Sơn Đoòng có 223 khách tới, mỗi khách đóng khoảng 3.000 USD. Một năm sau, dự kiến số giấy phép sẽ được cấp ra là 450 đến 500 giấy. Và với tốc độ đăng ký tua như hiện nay thì để bán hết số giấy phép đó là "dễ như trở bàn tay" (hiện tại đăng ký đã kín đặc hết năm 2015. Nếu du khách muốn tham dự, phải chờ đến năm 2016). Tính ra, doanh thu từ cách khai thác hiện tại của Sơn Đoòng có thể lên tới gần 30 tỷ đồng mỗi năm. Tất nhiên, ảnh hưởng đến môi trường là rất ít, thậm chí hầu như không có, bởi chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh luôn đi chung tua du lịch khám phá với các đoàn du khách, ngoài công tác hướng dẫn khoa học còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ di sản, như một khách du lịch từng ví "để không một gói kẹo được rơi lại trong hang".

Vậy, xây hệ thống cáp treo (dù chỉ là đưa khách lên và xuống) nhằm mục đích gì? Có phải vì lợi nhuận? Trong dự án, Công ty Sun Group định đầu tư số tiền 4.500 tỷ đồng và nếu như thế, thời gian thu hồi vốn là bao nhiêu năm? Nếu thu hồi sau bốn đến năm năm, vậy mỗi năm phải thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện tại công ty chưa công bố giá vé, nhưng có thể lấy một thí dụ đầu tư khác của Sun Group là Bà Nà (Đà Nẵng) nơi một khách tham quan phải trả 500.000 đồng cho một vé cáp treo. Vậy nếu tính tượng trưng bằng con số "chưa có tiền lệ", giá vé Sơn Đoòng cao gấp bốn lần là hai triệu đồng/vé thì một năm, công ty phải bán khoảng... 500 nghìn vé tương đương chừng ấy con người. Một con số có chăng là "siêu tưởng"?! Một du khách chia sẻ: "Hãy tưởng tượng tác động của môi trường sẽ thế nào khi nâng số khách tham quan từ 500 người/năm lên 500 nghìn người/năm. Nói một cách hình tượng, chỉ riêng lượng ánh đèn flash từ máy ảnh thôi cũng đủ giết chết những sinh vật dưới lòng đất quen sống với môi trường "tối đen như mực và yên lặng như tờ" của Sơn Đoòng rồi".

Một trong những "cái cớ" mà nhà đầu tư muốn quảng bá cho hệ thống cáp treo tại Sơn Đoòng, hay Phan-xi-păng chính là việc "bình dân hóa" hoạt động du lịch để phục vụ khách du lịch Việt Nam. Nhà đầu tư còn giải thích, với phương án khai thác cũ, Sơn Đoòng sẽ kém hấp dẫn với khách Việt Nam vì chi phí đắt và hành trình đòi hỏi thể lực cao. Nhưng một chuyên gia đã biện dẫn: "Nếu vì tương lai của di sản, hãy để người Việt Nam có đủ ý thức và đã qua chọn lựa cả về thể chất lẫn văn hóa tham gia những dự án du lịch tự nhiên đặc biệt tầm cỡ như Sơn Đoòng. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ mất di sản sau một thời gian làm du lịch "bình dân"". Thực tế, những địa điểm từng xây dựng cáp treo để tăng lượng khách như Bà Nà đang chứng kiến cảnh xuống cấp các công trình công cộng vì phải phục vụ lượng khách quá nhiều (90% khách nội địa) mà ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường, cảnh quan thì chưa cao, do đó đã dẫn đến hệ quả du khách nước ngoài "một đi không quay lại".

Vậy viễn cảnh nào sẽ đến với Sơn Đoòng, nơi được coi như kỳ quan mà tạo hóa đã ban tặng nước ta khi đã "bình dân hóa" để phát triển du lịch?! Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam:"Trước mắt, du khách đổ về Quảng Bình có thể đông hơn và doanh thu nhiều hơn, nhưng lợi bất cập hại. Thương hiệu Sơn Đoòng và Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ giảm giá thê thảm bởi những tác hại ghê gớm của cáp treo, của sự tùy tiện đối với môi trường. Trong khi đó, thực tế hiện nay, khách chưa nhiều mà thuyền trên sông Son vào Phong Nha đã nhếch nhác, quán xá xô bồ và chẳng ra hồn, không thể đón khách đoàn quốc tế...".

Bài học nhãn tiền đã thấy rõ. Cáp treo Phan-xi-păng đã "giết chết" đam mê khám phá trong một hành trình trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Vịnh Hạ Long hứa hẹn sẽ cho ra mắt tuyến cáp treo ngắm vịnh để rồi khách có lẽ... Bỏ qua hết tuyến đi bằng du thuyền vì chẳng ai muốn nhìn một di sản thiên nhiên thế giới toàn trụ cáp và dây dợ... Trên blog cá nhân, một cô giáo đam mê du lịch cảnh báo: "Không riêng Việt Nam, nhìn rộng ra khỏi biên giới, công trình cáp treo Zhongtianmen trên đỉnh núi Taishan của Trung Quốc cũng bị lên án kịch liệt. Giáo sư Xie Ninggao, Trưởng Trung tâm nghiên cứu Di sản Thế giới của Đại học Bắc Kinh gọi cáp treo này là "vết sẹo trên vẻ đẹp của tự nhiên", hủy diệt thảm thực vật lên đến 19.000 m2; trong số đó có hàng trăm thực vật đơn bào không phục hồi được. Liệu chúng ta có muốn lặp lại sai lầm đó?". Ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định: "Thiên hạ chẳng ai làm vậy. Núi Kô-ta Ki-na-ba-lu (Ma-lai-xi-a), ngọn núi cao nhất ASEAN hay E-vơ-rét (Nê-pan), núi cao nhất thế giới luôn hạn chế, chọn lọc người leo rất khắt khe và chính sự khắt khe đó mới thực sự đem tới thương hiệu và lợi nhuận không thể phủ nhận".

Động Thiên Đường, nằm trong khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) dự kiến tăng giá vé từ 120 đến 250 nghìn đồng trong năm tới, nhưng các doanh nghiệp lữ hành và du khách đều rất sẵn lòng vì cái giá ấy vẫn "đáng đồng tiền bát gạo" và nhà quản lý đã làm rất chuyên nghiệp, tuyệt đối bảo tồn tự nhiên di sản (Ban quản lý xây dựng cả một hành lang bằng gỗ chạy dài nhiều km để du khách không bước trực tiếp lên nền hang...). Phải chăng, đó mới là bài học về cách làm du lịch thực sự dành cho chính "người hàng xóm" Sơn Đoòng?

Phó Vụ trưởng Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Cách xây cáp treo ở di sản để phát triển du lịch đã "chết yểu" từ lâu trên thế giới bởi người ta đã đánh giá được hậu quả lớn thế nào khi phá hoại cảnh quan di sản, thiên nhiên". Không thể phủ nhận, những dự án cáp treo sẽ đem lại yếu tố tích cực về lợi nhuận và phục vụ số lượng lớn khách du lịch nhưng phải tính toán kỹ lưỡng từng trường hợp, từng địa điểm, nhất là các vùng di sản. Bởi suy cho cùng, thiên nhiên không phải lúc nào cũng để phục vụ kinh tế cho con người, phá vỡ thiên nhiên đồng nghĩa với việc phá vỡ cảnh quan sống, còn tai hại gấp nhiều lần. Nước Mỹ đã sẵn sàng đóng cửa vĩnh viễn Hang Leschugilla nổi tiếng đối với khách du lịch để chống nguy cơ "phá hoại" di sản, một thí dụ đủ để minh chứng điều này.

PHONG CHƯƠNG

Không có nhận xét nào: