Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Du lịch sinh thái - sinh kế cho người dân Cù Lao Chàm

Lặn ngắm san hô tại biển cù lao chàm - loại dịch vụ thu hút khách du lịch.

Sự phát triển du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm và hội an đã thực sự mang lại lợi ích cho người dân nơi đây. Tuy chỉ có 10% tổng số du khách từ Hội An đến với Cù Lao Chàm hằng năm (Hội An đón nhận 1,5 triệu du khách), nhưng lợi ích mang lại cho dịch vụ du lịch trong đất liền là rất lớn. Thông thường, du khách đến thăm Cù Lao Chàm đều tăng thời gian lưu trú tại Hội An lên ít nhất 2 ngày.

Hiện nay, đã có 32 công ty vận tải khách du lịch từ Hội An ra Cù Lao Chàm với hơn 120 tàu, thuyền và ca-nô cao tốc phục vụ, đạt tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Làm thế nào để nâng cao thu nhập của người dân đảo khi tham gia hoạt động du lịch sinh thái này là điều rất cần quan tâm.

Bảo tồn trên cơ sở phát triển du lịch

Đến năm 2013, Cù Lao Chàm thực sự trở thành "sản phẩm" mục tiêu trong phát triển du lịch của Hội An và Quảng Nam. Nguồn lực tự nhiên tại Cù Lao Chàm - Hội An đa dạng và phong phú là cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái. Các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát... Là nguồn lực tự nhiên quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái Cù Lao Chàm - Hội An.

Sản lượng khai thác hải sản trước đây của Cù Lao Chàm khoảng hơn 1.500 tấn mỗi năm, nhưng từ khi có KBTB và du lịch sinh thái chỉ còn 800 tấn/năm. Hiện tại, người dân tập trung vào khai thác các sản phẩm phục vụ du lịch. Một số vùng ngư trường được bảo tồn, phần lớn là nơi có hệ sinh thái rạn san hô nhạy cảm.

Tuy nhiên, một số nơi nguồn lợi đang bị khai thác quá mức, biểu hiện qua số lượng cá thể giảm dần, kích thước cá thể bé dần. Đây là thách thức lớn đối với nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái lâu bền. Bên cạnh đó, rác thải, việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cũng làm ảnh hưởng đến cảnh quan của Cù Lao Chàm. Nhằm khắc phục tình trạng trên, KBTB Cù Lao Chàm đã đề nghị mở rộng tiếp cận bảo tồn biển vào vùng bờ, hạ lưu sông Thu Bồn, gắn bảo tồn biển với phục hồi rừng ngập mặn, các bãi sậy, đụn cát trong vùng cửa sông. Đồng thời, trong năm 2013, Cù Lao Chàm cũng đã ứng dụng công nghệ phục hồi san hô và đã nuôi cấy tại vùng phục hồi 4.800 tập đoàn, tại vườn ươm 750 tập đoàn san hô.

Một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến sự phát triển du lịch sinh thái của Cù Lao Chàm là nguồn lực con người. Ngay từ những ngày đầu, KBTB Cù Lao Chàm đã tập trung vào công tác nâng cao nhận thức và đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng. Trong thời gian 3 năm, từ 2003 đến 2006, đã có gần 2/3 tổng số dân cư trên đảo tham gia các hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức. Tại thành phố Hội An, có gần 334 lượt người tham dự các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn.

Từ năm 2006 đến 2013, nguồn lực con người của cộng đồng Cù Lao Chàm được tiếp tục cải thiện và nâng cao thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sinh kế tại địa phương. Nếu như trong giai đoạn từ 2003 đến 2006, nguồn lực con người chủ yếu được tập trung vào sự hiểu biết về bảo tồn, lợi ích kinh tế, cũng như kiến thức về quản lý bảo tồn, thì trong giai đoạn 2006 đến 2013, phần lớn đầu tư cụ thể vào học tập, chuyển giao các sinh kế mới và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm gắn kết người dân tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái thông qua bảo tồn.

Người dân được hưởng lợi

Vào những năm xây dựng KBTB Cù Lao Chàm, khoảng chừng 67% tổng số hộ dân đã vay vốn từ các chương trình tín chấp tại địa phương, hội đoàn thể, hoặc người thân và bạn bè. Trong thời gian từ năm 2006 đến 2013, người dân được tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, hỗ trợ sinh kế LMPA (sinh kế cộng đồng trong và xung quanh các KBTB) và GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu) với lãi suất ưu đãi.

Không chỉ có vậy, năm 2012, Ngân hàng Nông nghiệp đã đặt trạm giao dịch tại đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân vay và gửi tiền. Với các nguồn vốn vay, người dân tập trung vào đầu tư các trang thiết bị để khai thác nguồn lợi từ biển như ghe, tàu, lưới đánh cá. Gần đây, hoạt động du lịch được nở rộ tại khu vực đảo, bà con còn tập trung đầu tư mở rộng homestay, nhà hàng, tàu chuyên chở khách du lịch.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua, dân số tại Cù Lao Chàm không thay đổi lớn (tổng số dân trên dưới 2.500 người), tuy nhiên, thành phần nghề nghiệp đã thay đổi nhiều, nhất là các sinh kế mới ra đời cùng với sự phát triển của du lịch. Với tốc độ phát triển du lịch như hiện nay vào năm 2012 và 2013, thì trung bình một năm, người dân tiếp đón khách du lịch 10 tháng, mỗi tháng 30 ngày, như vậy, cộng đồng Cù Lao Chàm có thể thu nhập thêm 18.691.000.000 đồng/năm. Cùng với số thu từ nguồn phí tham quan lặn biển, thì Cù Lao Chàm đã vượt mức dự báo theo kế hoạch 2010 - 2015 trước 2 năm.

Bắt đầu từ năm 2008, cộng đồng Cù Lao Chàm được tiếp cận bảo tồn và du lịch sinh thái trên các đối tượng tài nguyên mục tiêu cụ thể, bao gồm: Rạn san hô, thảm cỏ biển, tôm hùm, cua đá, ốc vú nàng và bãi biển. Trong hai năm 2009-2010, cộng đồng ở đây được hướng dẫn tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch tại địa phương. Người dân đã tham gia phong trào "Nói không với túi ni lông" và hành động này không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường mà nó đã trở thành một sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng Cù Lao Chàm.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, các nỗ lực của cộng đồng đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Tổ cua đá, Tiểu khu bảo tồn biển Bãi Hương, một lần nữa đã chứng tỏ sự lớn mạnh và khả năng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của từng nhóm cộng đồng với hoạt động bảo tồn hỗ trợ cho phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm.

Sự ra đời của KBTB và sau đó là KDTSQ đã hỗ trợ cho cộng đồng Cù Lao Chàm cơ sở thuận lợi phát triển du lịch. Qua mô hình Cù Lao Chàm, một lần nữa định nghĩa của du lịch sinh thái đã được minh chứng rất rõ nghĩa " Du lịch sinh thái là bảo tồn và lợi ích cộng đồng".

TS Chu Mạnh Trinh

Không có nhận xét nào: