Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Du lịch đại trà hay du lịch tàn phá thiên nhiên?

Anh Chiris.

Theo đó, toàn tuyến cáp treo dự kiến có bốn đoạn, dài tổng cộng 10,6km, xuất phát từ trước cửa động Tiên Sơn. Tổng vốn đầu tư cho tuyến cáp treo này vào khoảng 4.500 tỉ đồng. Ngay sau khi ông Trương An Ninh, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình xác nhận trước báo chí rằng tỉnh Quảng Bình đã cho phép tập đoàn Sun Group khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo đưa du khách tham quan hang động Sơn Đoòng thì trên các diễn đàn mạng trong nước và nước ngoài có một cuộc vận động chữ ký mạnh mẽ. Mục đích "Hãy cứu lấy Sơn Đoòng!" và thúc giục chính phủ Việt Nam ra tay hành động kịp thời để chấm dứt dự án tư nhân khai thác và đầu tư hệ thống cáp treo đang làm xôn xao dư luận này. Đồng thời, "kêu gọi công dân trái đất hãy giúp đỡ thực thi "Luật về Quyền của Thiên Nhiên" đối với hang Sơn Đoòng. Theo những người này, đây là một dự án ám sát môi trường và gây ra tác hại không thể lường hết được cho hang Sơn Đoòng và hệ sinh thái của toàn khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Không phải tự nhiên, dư luận lại "dậy sóng" trước thông tin này. Câu chuyện nhãn tiền ở Bà Nà và Fansipan là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc xáo trộn Mẹ Tự Nhiên. Bao nhiêu tiếng nói vào cuộc, bao nhiêu ý kiến được đưa ra mổ xẻ. "Phải cẩn trọng với di sản", "Thảm họa"… là những điều mà người ta vẫn nói. Nhưng "nói không" mà "làm có", thậm chí đi một đường tắt, bỏ qua ý kiến cộng đồng.

 

Những hình ảnh hang Sơn Đoòng do anh Chiris ghi lại trong chuyến thám hiểm của mình.

 

Và như có người nói, hình như Việt Nam đang có hội chứng "cáp treo"? Hết cáp treo lên núi giờ quay sang cáp treo động. Cứ phải "cáp cáp", "treo treo" thì mới thỏa lòng di sản chăng? Nói như thế, để ta thấy rằng Việt Nam đang đi ngược lại quy luật, đang làm những chuyện "chẳng giống ai"!

Và cái sự "chẳng giống ai" ấy, lần này, lại ứng xử với Sơn Đoòng - hang lớn nhất, hoành tráng và lộng lẫy nhất thế giới, làm sửng sốt và kinh ngạc cả những chuyên gia hang động dày dạn kinh nghiệm của nhân loại, là thương hiệu hàng đầu của du lịch Việt Nam. Hang rộng 100 - 200m, cao 150 - 250m, dài 6km5; vừa soán ngôi kỷ lục thế giới của hang Deer trong vườn quốc gia Gunnung Mulu , Malaysia .

Đành rằng việc khảo sát tiềm năng du lịch là việc nên làm đối với các nhà chức trách. Đành rằng, khi có cáp treo, thì lượng du khách đến đây sẽ tăng lên không ngừng, không bị hạn chế lượng người tham quan, nhiều người sẽ có cơ hội "mãn nhãn" với một trong những kiệt tác của tự nhiên; đi cùng với đó là sự thay đổi diện mạo, đời sống và thu nhập cho người dân tại khu vực này. Nhưng thiết nghĩ, nếu chỉ vì thế mà có những tác động không đáng có đối với Sơn Đoòng thì cũng nên xem lại.

 

 

 

Nhìn sang một quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia chỉ có 3 di sản thế giới, trong khi Việt nam có tới 17 nhưng lượng khách của Malaysia gần gấp năm lần, lợi nhuận từ du lịch gấp sáu lần Việt Nam . Trong đó, ngọn núi cao nhất Đông Nam Á và là biểu tượng của Malaysia là Kinabalu, dù rất nổi tiếng, mỗi ngày Malaysia cũng chỉ cho phép 120 người leo lên, vì thế để đi lên cần đăng ký trước tới 5 - 7 tháng. Việc làm này không gây khó chịu cho du khách mà trái lại, còn làm tăng giá trị của ngọn Kinabalu.

Nói vậy, để ta thấy rằng bên cạnh những mô hình du lịch đại trà, nhà nhà du lịch, người người du lịch, cũng nên có những khu du lịch "đặc tuyển", chỉ dành cho một số người thực sự có "đam mê" với nó. Du lịch không đơn thuần là câu chuyện "xã hội hóa". Du lịch còn là câu chuyện của khám phá, của cảm giác chinh phục, của cảm giác đơn độc, nhỏ bé và rợn ngợp trước những kiến tạo kỳ vĩ, thậm chí vượt xa trí tưởng tưởng của con người mà Mẹ Tự Nhiên đã ban tặng.

Chris Miller, New Zealand, 41 tuổi, 1 trong 220 khách du lịch đến tham quan hang Sơn Đoòng trong năm qua, khi được hỏi về dự án xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng thì anh cho rằng đây là một ý tưởng tồi! Anh nói: "Tôi đã đến thăm Sơn Đoòng vào tháng 4 năm nay, đó thực sự là một nơi tuyệt vời, rất đẹp và ấn tượng. Và tôi nghĩ việc xây cáp treo là ý tưởng tồi vì lối vào Sơn Đoòng nằm sâu trong rừng, việc xây dựng cáp treo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với những đồi dốc và nền đất mềm, việc xây dựng sẽ hủy hoại môi trường rất lớn. Tôi cũng đã đến thăm vài nơi, thực sự chúng rất đẹp nhưng tôi khá là thất vọng vì chúng đã được thương mại hóa và mất đi vẻ tự nhiên của phong cảnh thiên nhiên. Sơn Đoòng còn đẹp và đặc biệt hơn các hang động khác ở Phong Nha, có thể nói là hang động đẹp nhất thế giới. Cáp treo hoạt động sẽ mang một số lượng lớn du khách đến tham quan, làm mất đi cảm giác "đơn độc" trước thiên nhiên hùng vĩ. Chris cũng cho rằng, giữ cho Sơn Đoòng được độc quyền và hạn chế du khách sẽ làm tăng sự hấp dẫn và bí ẩn, tăng giá trị của hang lên nhiều. Một khi trở thành điểm du lịch đại trà, Sơn Đoòng sẽ mãi mãi bị cho ra khỏi danh sách cần phải đến tham quan của du khách. Và nữa, dường như dự án cáp treo đã không có giai đoạn lấy ý kiến cộng đồng, Tất cả những người tôi hỏi (hướng dẫn viên thăm hang động, người dân địa phương, các người bạn Việt Nam và những người yêu thích khám phá thiên nhiên) không ai nói đây là một ý tưởng hay ho. Tôi hiểu rằng: chính phủ muốn nhiều du khách đến tham quan và thu được nhiều tiền hơn từ đây, thay vì chỉ một nhóm nhỏ may mắn được đến để ngắm hang động tuyệt vời như vậy. Tuy nhiên, nếu Sơn Đoòng có cáp treo, nó sẽ không bao giờ được như cũ, có thể sẽ thu được nhiều tiền hơn trong ngắn hạn, nhưng những thiệt hại không thể khắc phục như hang động bị hủy hoại dẫn đến mất hấp dẫn, về dài hạn sẽ không bằng trước đó".

 

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Phát triển thế nào để rồi vẫn phải bảo tồn, bảo vệ được di sản!

Hiện tại Bộ chưa nhận được văn bản của tỉnh Quảng Bình về vụ việc này. Đánh giá về vấn đề này thì phải xem xét lại nếu như trong vùng di sản thì tuyệt đối phải có ý kiến xin phép và được phép của Thủ tướng, thậm chí là ý kiến của UNESCO. Chúng tôi cũng ủng hộ quan điểm phải bảo tồn và phát triển nhưng phải phát triển thế nào để rồi vẫn phải bảo tồn, bảo vệ được di sản, không phải phát triển bằng mọi giá. Còn doanh nghiệp người ta có ý định xây dựng để phát triển kinh tế thì rất là hoan nghênh nhưng cơ quan Nhà nước cần có định hướng cho đúng đắn, chính xác.

Không có nhận xét nào: