Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Đà Nẵng: Nguồn lực nào vượt cơn bĩ cực ?

 (DĐDN) - Nếu trong giai đoạn 2003 đến 2011, Đà Nẵng đã từng gây ấn tượng mạnh với con số 20.000 tỉ đồng từ nguồn khai thác quỹ đất thì trong năm 2012 và nửa năm 2013, nguồn thu này đã bị giảm nghiêm trọng do thị trường bất động sản đóng băng. Trong bối cảnh đó, áp lực cân đối thu chi ngân sách đang đè nặng lên vai chính quyền Đà Nẵng khi thành phố này đã bội chi hơn 2.400 tỉ đồng. 

Chiến lược phát triển ngành   du lịch đà nẵng đã thu hút 60 dự án đầu tư vào du lịch có tổng vốn đầu tư trên 4 tỉ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng thu ngân sách của TP Đà nẵng đạt hơn 5,2 ngàn tỉ đồng, đạt 44% dự toán do HĐND thành phố giao. Về cơ cấu nguồn thu, ngoài điểm sang duy nhất là nguồn thu từ du lịch dịch vụ với hơn 3.600 tỉ đồng, tăng 16% thì nguồn thu từ đất và từ DN giảm mạnh. Trong khi đó, tổng chi ngân sách lên đến con số hơn 7,2 ngàn tỉ đồng, đạt 56,5% dự toán.

 

Mất cân đối thu chi

Sau 16 năm chia tách, đây là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng đã không hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước và kéo theo đó là tình trạng mất cân đối thu chi nghiêm trọng. Điều đáng lưu ý là không phải đến thời điểm hiện nay những khó khăn trong việc thu ngân sách của TP mới lộ rõ mà cách đây 2 năm, dấu hiệu suy thoái đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của thành phố đáng sống này. Đặc biệt, trong năm 2012, nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế mà thành phố đặt ra không đạt như tổng chi ngân sách hơn 13.600 tỉ đồng trong khi nguồn thu chỉ đạt 10.900 tỉ đồng, thất thu so với kế hoạch đặt ra hơn 3.600 tỉ đồng.

Lý giải cho những nguyên nhân dẫn đến việc hụt thu liên tiếp trong hai năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, hầu hết các ý kiến được hỏi đều nhân định, bên cạnh nguyên nhân chung là khó khăn của nền kinh tế thì với Đà Nẵng một nguyên nhân cũng cần được nhấn mạnh là trong một thời gian dài, nguồn thu của TP này dựa quá nhiều vào bất động sản mà không có một chiến lược dài hơi để “dự bị” cho kịch bản thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ nhà đất giảm nghiêm trọng.

Ông Văn Hữu Thiết - Giám đốc TT hỗ trợ và phát triển DNNVV chia sẻ : Thật ra, với diện tích nhỏ và có nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, ngay từ đầu, Đà Nẵng đã phải tính toán đến những ngành kinh tế mũi nhọn, có những DN lớn, tạo đột phá, gây được nguồn thu lớn. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, nguồn thu chính của Đà Nẵng là khai thác quỹ đất. Nhưng thị trường bất động sản đóng băng kéo dài nên thất thu là khó tránh - ông Thiết nói.

Những giải pháp ngắn hạn

Ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng chia sẻ: chúng tôi đang tập trung rà soát lại nhà công sở nhà công sản trên địa bàn cũng như tất cả đất các dự án đã giao cho các nhà đầu tư hiện nay chưa triển khai để xem xét và phân loại những dự án nào có khả năng triển khai thì yêu cầu nhà đầu tư triển khai và có quy định thời gian. Nhưng dự án không triển khai sẽ thu hồi và cho đấu giá. Nói là làm, cuối tháng 7/2013, UBND TP Đà Nẵng đã công khai quyết định bán đấu giá toàn bộ 6 công sở trên địa bàn gồm Sở Tư pháp, Viện Kinh tế, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở LĐ-TB và Xã hội và Thanh tra thành phố. Cùng với đó là 6 nhà công sản khác. Lý do để bán nhà công sản, nhà công sở, lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định là để tăng nguồn thu cho ngân sách khi các công trình này không còn sử dụng cũng như tập trung đầu tư vào xây dựng các công trình trọng điểm như tòa nhà hành chính của TP và một số công trình khác hiện đang chậm tiến độ do thiếu nguồn vốn đầu tư.

 

Đà Nẵng cần có các kế hoạch dài hơi trong việc tăng thu, giảm chi để cân đối nguồn ngân sách khi mà thị trường BĐS - “con gà đẻ trứng vàng” đã không còn khả năng “đẻ” nữa.

Trước đó, TP này cũng đã xin Chính phủ cho phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để bù vào nguồn ngân sách thâm hụt do thất thu nguồn thu từ quỹ đất và sản xuất đình trệ do khủng hoảng kinh tế. Việc bán các nhà công sở, công sản khi không có nhu cầu sử dụng cũng là việc nên làm để tăng thu bù chi trong giai đoạn khó khăn hiện nay nhưng theo nhận định của các chuyên gia, thay vì chỉ “nhăm nhe” bán các khu đất vàng này để bù vào nguồn ngân sách đang bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng, Đà Nẵng cần có các kế hoạch dài hơi trong việc tăng thu, giảm chi để cân đối nguồn ngân sách khi mà thị trường bất động sản - “con gà đẻ trứng vàng” đã không còn khả năng “đẻ” nữa.

 

Làm thế nào để phát triển bền vững ?

Hiến kế cho vấn đề này, ông Lý Đình Quân - GĐ công ty SQ VN khẳng định, trong thời gian tới Đà Nẵng cần tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng năng lực sản xuất mới, ổn định thị trường, làm được như vậy mới giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phát triển ổn định, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi tăng trưởng trở lại. Đồng thời, để có nguồn thu ngân sách ổn định trong thời gian tới, Đà Nẵng nên tiếp tục có những chính sách thiết thực, nhằm khuyến khích DN phát triển sản xuất kinh doanh bền vững như cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển TP Đà Nẵng, giảm hoặc giãn các khoản thu ngân sách từ DN, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất…

Còn theo ông Thiết, đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng lựa chọn hướng phát triển cho tương lai của mình : Công nghiệp dịch vụ hay công nghiệp nặng ? Theo ông Thiết, với những tiềm năng và lợi thế của mình, Đà Nẵng nên phát triển theo hướng công nghiệp dịch vụ du lịch là tốt nhất. Bởi nếu nhìn trong giai đoạn 2003 - 2013, tổng lượng khách du lịch đến thành phố ước đạt 16 triệu lượt khách, tăng 19,3%/năm; doanh thu du lịch thuần túy ước tăng 23,5%/năm với giá trị năm 2013 ước đạt 2.800 tỉ đồng. Chiến lược phát triển ngành du lịch cũng đã thu hút 60 dự án đầu tư vào du lịch có tổng vốn đầu tư trên 4 tỉ USD.

Nguyễn Phước

Email Print

Đà Nẵng, vàng, Thanh tra, đầu tư

Không có nhận xét nào: