Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Sức hút trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây

 Hội chợ Quốc tế đầu tư, thương mại và   du lịch   Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) Đà Nẵng 2013 (tổ chức từ ngày 8 - 13/8/2013 tại thành phố Đà Nẵng) đã thu hút gần 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và vui chơi. 

 

Doanh số bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp đạt trên 17 tỷ đồng, riêng doanh thu của các doanh nghiệp Thái Lan ước đạt 1,5 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đạt doanh số cao như Công ty gỗ Bình Dương đạt 400 triệu đồng, chè Thái Nguyên 250 triệu đồng… Điều này cho thấy sức hút và sự lan tỏa của các doanh nghiệp nằm trong các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây.

 

Theo ông Lê Viết Tươi, Trưởng ban tổ chức hội chợ, đây là lần thứ ba hội chợ Quốc tế Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây diễn ra tại Đà Nẵng. Hội chợ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp và người tiêu dùng với 280 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước,

 

Trong đó có 45 doanh nghiệp Thái Lan, 14 doanh nghiệp Lào và 2 doanh nghiệp Campuchia. Các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, đầu tư công phu trong việc thiết kế, dàn dựng gian hàng, trưng bày sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng, các gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

 

Hội chợ đã tổ chức thành công chương trình cơ hội giao thương với các doanh nghiệp trên tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây với sự tham dự của 28 doanh nghiệp Thái Lan, 10 doanh nghiệp Lào và 30 doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, chương trình cơ hội giao thương của các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia với 4 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết về việc tiêu thụ hàng nông sản, sữa, trà các loại...

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: với quy mô doanh nghiệp và tổ chức đến hội chợ Quốc tế Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) Đà Nẵng 2013 vừa qua có thể thấy sức hấp dẫn của Đà Nẵng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như Hành lang Kinh tế Đông Tây.

 

 Thứ trưởng Trần Tuấn Anh  

 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Với kết quả đạt được cho thấy Đà Nẵng sẽ làm tốt vai trò là thành phố đầu tàu trong kết nối các doanh nghiệp vùng với các doanh nghiệp trên cả nước, doanh nghiệp trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây với lợi thế là địa phương điểm đầu ở cửa ngõ Biển Đông Hành lang Kinh tế Đông Tây.

 

Năm 2006, Hành lang Kinh tế Đông Tây chính thức thông tuyến, có chiều dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianma, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Mianma và kết thúc tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Hàng loạt chính sách cấp Chính phủ đã được triển khai ở 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, vận tải hàng quá cảnh, hải quan cửa khẩu, giao thông tay lái nghịch, chính sách cư dân vùng biên giới...

 

Thậm chí nhiều khu kinh tế cửa khẩu với các chính sách thông thoáng nhất được hình thành trên tuyến hành lang kinh tế này như Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam), Đen Savẳn (Lào), khu công nghiệp nhỏ và vừa Khonken; các tỉnh vùng đông bắc Thái Lan còn được hưởng nhiều chính sách hết sức cởi mở để Hành lang Kinh tế Đông Tây trở thành mô hình kinh tế kiểu mẫu của tiểu vùng sông Mê Công...

 

Hành lang kinh tế Đông Tây đã mang lại những cơ hội hợp tác phát triển cho các nước trên hành lang. Tuy nhiên, để các nước nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây sớm phát huy hiệu quả kinh tế cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: điều chỉnh thời gian hoạt động giữa các điểm kiểm tra, thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu và thiết lập thời gian làm việc ngoài giờ cho mỗi trạm kiểm soát. Để tạo thuận lợi cho quá cảnh hàng hóa trong và ngoài nước, các trạm kiểm soát nên giảm các bước thủ tục hành chính.

 

Ngoài ra, cần sớm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Hiệp định GMS - CBTA về vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ cửa khẩu; trang bị các thiết bị kiểm tra hiện đại ở cửa khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên tuyến; thành lập các hiệp hội doanh nghiệp ở các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây để đảm bảo sự liên kết bền vững…

 

Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ để Đà Nẵng đảm đương vai trò của một thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đảm nhận và hoàn thành tốt vai trò kết nối các quốc gia, vùng lãnh thổ trên trục Hành lang Kinh tế Đông Tây cũng như Khối Tiểu vùng sông Mê Công trong lộ trình hợp tác, hướng đến phát triển bền vững và giảm tỷ lệ đói nghèo trong cộng đồng dân cư trên tuyến.

 

Tại hội chợ, doanh nghiệp du lịch các nước đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu chuyển dòng khách. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải có “nhạc trưởng” để liên kết du lịch một cách bài bản và có hiệu quả trên toàn tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây về nâng cao chất lượng tour, tuyến; quảng bá sản phẩm du lịch… Theo các doanh nghiệp du lịch, cần phải xây dựng một chiến lược chung về chia sẻ thị trường khách, quảng bá du lịch, đồng thời ký kết các hợp đồng liên doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cung ứng dịch vụ để giảm giá thành sản phẩm ./.

 

 Văn Sơn  

Không có nhận xét nào: