Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Phát triển gắn với tăng trưởng xanh

 Mới đây, Diễn đàn đầu tư về tăng trưởng xanh do UBND tỉnh Quảng Nam, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hội An. Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại diện quốc tế uy tín và nhiều bộ, ngành. 

Phát triển   du lịch   sinh thái Hội An.

 

Cơ hội hợp tác đầu tư để hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh gắn với tăng trưởng xanh đang được mở ra… Tiến sĩ Nguyễn Quang, trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam - người có sáng kiến hợp tác cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đưa tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam, có cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng.

 Tăng trưởng xanh đang là xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chú trọng áp dụng mô hình tăng trưởng xanh vào thực tiễn. Ông có nhận định gì về xu thế này? 

Như chúng ta đã biết, nhiều nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh và đạt được những thành tựu kinh tế đáng nể. Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ có thể bền vững nếu giải quyết được những thách thức do việc hạn chế nguồn lực và những vấn đề của biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng xanh được hiểu là một mô hình tăng trưởng giúp biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng và giảm tác động xấu tới môi trường thông qua sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và tăng đầu tư vào vốn tự nhiên.

Tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình tiêu thụ, sản xuất bền vững nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau nên nhiều nước đã chọn Chiến lược Tăng trưởng xanh để theo đuổi. Và chính vì vậy nó trở thành một xu hướng toàn cầu.

 Theo ông những bài học kinh nghiệm nào trên thế giới có thể vận dụng ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng?  

Khi thăm Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tôi vô cùng ấn tượng với dự án Cheong Gye Cheon, khôi phục lại một dòng suối dài 5,8 km chảy qua trung tâm Seoul. Trước đây dòng suối này đã bị san lấp để xây dựng một xa lộ trên cao. Nhưng vào năm 2003, thị trưởng Seoul là ông Lee Myung-bak đã khởi xướng đề án phục hồi lại dòng suối, cải tạo môi trường cho trung tâm Seoul. Dự án này đã gặp rất nhiều phản đối vì phải dỡ bỏ toàn con đường cao tốc trên cao, đồng thời di dời những cơ sở kinh doanh của người dân gần khu cao tốc này. Dự án vô cùng tham vọng vì tái sinh cả một thủy lộ vốn nay gần như đã cạn khô, và phải bơm vào 120.000 tấn nước mỗi ngày. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhóm dự án, đến tháng 9 năm 2005, công trình đã hoàn thành với tổng chi phí lên tới 900 triệu USD. Dòng suối này thực tế đã giúp giảm khoảng 2 độ C cho thành phố Seoul vào mùa nóng.

Đó là một bài học nhỏ cho chúng ta thấy rõ nên cân nhắc về vấn đề môi trường chứ không nên chỉ tập trung vào tăng trưởng nhanh, nếu không cái giá phải trả còn cao hơn những gì ta có thể đạt tới.

Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Họ bắt đầu từ năm 2008 với mô hình phát triển carbon thấp, tăng trưởng xanh trong đó tập trung giải quyết ba mấu chốt đó là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và thách thức về năng lượng, đó cũng là những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.

 Chính phủ ta đã xác định Chiến lược Tăng trưởng xanh. Tuy nhiên việc áp dụng mô hình này vào thực tiễn ở nhiều tỉnh hiện đang còn ở “thì tương lai”. Vì sao ông chọn Quảng Nam để phát triển mô hình này? 

Tháng 9 năm 2012, chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, cần những mô hình thí điểm để có được những bài học thực tiễn ngay ở trong nước. Tôi nghĩ Quảng Nam sẽ phù hợp với vị trí tiên phong này.

Quảng Nam có một vị thế để phát triển kinh tế, thương mại và du lịch. Phía bắc tiếp giáp thành phố Đà Nẵng và Hành lang kinh tế Đông - Tây, phía nam tiếp giáp Khu công nghiệp Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Nam còn có bờ biển dài và đẹp nối liền hai khu di sản văn hóa nổi tiếng thế giới ở phía bắc là Hội An và Mỹ Sơn với Khu kinh tế mở Chu Lai ở phía nam. Đặc biệt tỉnh có một đội ngũ lãnh đạo cầu tiến, đồng thuận và mong muốn tạo sự đột phá cho làng quê.

Tuy nhiên Quảng Nam phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc duy trì chất lượng tăng trưởng và đặc biệt là phải đối phó áp lực đô thị hóa cùng những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đã đến lúc Quảng Nam cần có một chiến lược phát triển phù hợp nhằm sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Câu trả lời ấy được tìm thấy qua mô hình Tăng trưởng xanh. Và việc vận dụng nó vào thực tiễn chỉ có thể thành công khi có sự cam kết cao từ chính quyền tỉnh này, sự tham gia nhiệt tình của người dân địa phương và tôi thấy điều đó ở Quảng Nam.

 Theo ông Quảng Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng Tăng trưởng xanh? 

Trong ba năm qua UN-Habitat đã làm việc với Quảng Nam và xây dựng được một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đồng thời tận dụng được các cơ hội cho Tăng trưởng xanh. Qua đó tỉnh phát triển các cụm ngành và cụm đô thị trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh các sáng kiến Tăng trưởng xanh trong quy hoạch và phát triển các trung tâm đô thị động lực cụ thể như: Xây dựng trung tâm đô thị xanh Tam Kỳ với cơ sở hạ tầng sạch, sử dụng năng lượng mặt trời, phát triển các dịch vụ môi trường; xây dựng các trung tâm giáo dục và nghiên cứu công nghệ cao. Tập trung vào việc phát triển công nghiệp xanh với những mô hình thí điểm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực và sản xuất sạch hơn trong các ngành công nghiệp, làng nghề, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch - các trung tâm thương mại.

Tỉnh nên chú trọng phát triển du lịch bền vững bằng cách thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng. Phát triển du lịch sinh thái tại Hội An và những vùng lân cận như du lịch sinh thái và văn hóa tại Cẩm Nam - Cẩm Kim, Trà Nhiêu,   cù lao chàm   . Hay có thể phát triển Du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng kết nối với sản xuất xanh và phát triển văn hóa như dệt Duy Xuyên, làng rau Trà Quế.

 Tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình tiêu thụ, sản xuất bền vững nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau nên nhiều nước đã chọn chiến lược Tăng trưởng xanh để theo đuổi. 

THÁI BẢO (Thực hiện)

Không có nhận xét nào: