Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

"Đã chín muồi để áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu"

(HQ Online)- Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Trần  du lịch , Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng các điều kiện kinh tế đã chín muồi để áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu.

ĐB Trần Du Lịch.

Năm 2012 chúng ta đã kiềm chế lạm phát được ở mức 6,8% là một nỗ lực lớn nhưng tổng cầu nền kinh tế giảm mạnh. Bước vào năm 2013 diễn biến tổng cầu kinh tế tiếp tục giảm, thể hiện ở tín dụng giảm, sức mua giảm. Đến thời điểm này, 5 tháng đầu năm chỉ số CPI chỉ tăng 2,35% so với tháng 12-2012. Ở thời điểm này có thể nhận định rằng, nguy cơ lạm phát cao có thể tạm dừng và đây chính là thời điểm hội tụ đủ yếu tố để thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu.

Chính sách lạm phát mục tiêu là chính sách đặt ra mức lạm phát ở kỳ trung và dài hạn thay cho thời hạn ngắn như hiện nay. Cụ thể duy trì mức lạm phát 6,5-7% trong 3 năm 2013, 2014 và 2015.

Ông có thể cho biết lợi ích của chính sách lạm phát mục tiêu cụ thể với mục tiêu 6,5-7%?

Nếu thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu hoàn toàn có dư địa để thực hiện chính sách tín dụng và tài khóa. Đây là cơ hội để vực dậy nền kinh tế, tăng tổng cầu mà không tăng nguy cơ lạm phát. Nhưng dĩ nhiên áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu thì phải tiến hành nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó quan trọng hơn cả là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để có một cơ sở ngân hàng vững mạnh.

Sở dĩ 2 năm vừa qua quá trình tái cơ cấu chưa làm được triệt để là vì nền kinh tế như cơ thể người bệnh vì điều kiện huyết áp không cho phép cho “cuộc đại phẫu” còn hiện giờ đã đủ điều kiện để “phẫu thuật” mà chúng ta không làm thì sẽ mất đi cơ hội. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội có thể lạm phát sẽ quay trở lại chỉ vài năm sau mà thực tế lạm phát cứ quay đi trở lại trong sáu năm vừa rồi.

Nếu áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, chúng ta phải thực hiện những việc gì, thưa ông?

Khi áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu cần sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa luôn đi đôi với nhau, cân đối dòng tiền, theo dõi chặt chẽ từng tháng, từng quý chứ không lệch pha như hiện nay. Mặc dù vậy cũng cần phải thấy rằng, trong thời điểm này thực hiện lạm phát mục tiêu có thể làm tăng bội chi, bởi hiện nay tín dụng không hấp thu được thì chính sách tài khóa phải được nới ra, khi dòng tiền ổn định, chính sách tài khóa sẽ co lại để tổng cung tiền trên thị trường hài hòa không ảnh hưởng đến lạm phát mục tiêu.

Về vấn đề này, tôi sẽ kiến nghị Quốc hội đưa ra nghị quyết làm rõ chương trình trung hạn 3 năm phục hồi nền kinh tế với mức lạm phát mục tiêu tôi đã nêu chứ không “ăn đong” 6 tháng hay 1 năm như hiện nay. Thực hiện mục tiêu này chúng ta sẽ tính được tổng mức đầu tư là bao nhiêu, chính sách ổn định tỷ giá như thế nào… từ đó điều chỉnh những chỉ tiêu của nền kinh tế cho phù hợp, giúp lưu thông dòng tiền, tiến trình cải cách tiền lương cũng được dựa vào chính sách này mà có lộ trình thực hiện.

Như vậy, theo ông, điều kiện để áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu cho nền kinh tế Việt Nam đã chín muồi, không như nhận định của một số chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là định hướng cho chính sách của Việt Nam?

Tất cả điều kiện đã chín muồi. Tôi đã đề nghị Quốc hội về chính sách này từ thời điểm này năm ngoái. Nếu đã được thực thi thì hiện nay việc thực thi đồng bộ chính sách tiền tệ và tài khóa đã rõ nét hơn. Theo tôi, sau chính sách trung hạn trong 3 năm từ nay đến hết 2015 và sau đó là chính sách lạm phát mục tiêu dài hạn trong 5 năm tiếp theo với mục tiêu lạm phát chỉ còn 5%.

Xin cảm ơn ông!

Hồ Huệ(thực hiện)

Không có nhận xét nào: