Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Geneva, dấu vết lịch sử của Thụy Sĩ và Pháp

(Tin Nóng) Geneva (Thụy Sĩ) chứa đựng những dấu ấn làm nên một thành phố, mà nhiều người Việt Nam thường biết đến cái tên liên quan một hiệp định khôi phục hòa bình ở Đông Dương vào thế kỷ trước.

Tôi đến Geneva một ngày mùa xuân, tận mắt chứng kiến hồ nước Geneva nơi Pháp và Thụy Sĩ chia nhau đường biên giới trên mặt hồ.

Geneva từng là nước cộng hòa độc lập từ thế kỷ 16 rồi trở thành một vùng thuộc Thụy Sĩ năm 1813. Đây là thành phố sử dụng tiếng Pháp. Tất cả quảng cáo, thông tin, và biển báo đều bằng tiếng Pháp. Nhiều tên đường và địa danh có tên trùng với những địa danh hiện nay thuộc về Pháp.

Tất nhiên, ngoài tiếng Pháp, người dân nơi đây giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.


Tượng một phụ nữ gầy gò đặt trước quán cà phê nổi tiếng tại phố cổ, Café de Bourg de Four


Tượng đài Guillaume-Henri Dufour, một quan chức quân đội có công với Geneva, trước cửa bảo tàng Raph

Con đường Mont Blanc dẫn thẳng từ ga trung tâm ra cầu Mont Blanc. Nơi đây, đài phun nước nổi tiếng trong hồ Geneva cứ mải miết phun nước lên cao. Nghe nói, người ta đã phải đặt dưới hồ một máy bơm nước có công suất mạnh, tốc độ 220 km/giờ để tạo nên cột nước cao tới 140 m.

Nhìn mãi ra phía mà người ta nói, đó chính là đường biên giới trên hồ, tôi ước gì có thêm chiếc kính viễn vọng bên mình.


Đài phun nước Jet d’Eau trên hồ Geneva

Vượt qua cây cầu, tôi bước vào phố cổ Geneva. Chiếc đồng hồ hoa đón chào tất cả du khách ngay cửa ngõ. Du khách đi qua đều mong muốn chụp được tấm hình đẹp bên chiếc đồng hồ này.


Bên đồng hồ hoa

Bỏ lại chiếc đồng hồ hoa sau lưng, trước mắt tôi, tất cả các tính chất cổ xưa, đậm tính lịch sử của thành phố có tuổi từ thời trung cổ hiện ra với hệ thống đường phố nhỏ, len lỏi giữa các tòa nhà, nhà thờ, các bức tường pháo đài còn sót lại.

Du khách đến thăm Geneva thường dành thời gian tham quan những địa danh nổi tiếng như nhà thờ lớn, tòa thị chính, bảo tàng đồng hồ, hay ghé thăm các tòa nhà Liên Hiệp Quốc như Palais des Nations.


Một con phố nhỏ tại phố cổ Geneva


Xe đưa du khách tham quan phố cổ

Với 5 tiếng đồng hồ tại Geneva, tôi chọn đến công viên pháo đài ngắm Geneva một chiều cuối tuần. Một nửa công viên được một phần thành cổ bao quanh.

Trong công viên còn có bức tường nổi tiếng cao 5 m, rộng 100 m, với các bức tượng điêu khắc nổi trên tường cùng các hàng chữ. Bức tường này (Reformation Wall) để tưởng nhớ những người có công trong cuộc cải cách Tin lành, một tôn giáo quan trọng trong lịch sử Thụy Sĩ.


Thành cổ trong công viên


Bức tường Reformation Wall khánh thành từ năm 1909

Lịch sử ghi rằng, năm 1536, một người đàn ông tên John Calvin, chạy trốn cuộc đàn áp tín đồ Tin lành ở Pháp, đã ở một đêm tại Geneva. Sau khi bị trục xuất khỏi Geneva 3 năm, ông trở lại giúp cách tân tín ngưỡng của thành phố, tác động lớn đến hệ tư tưởng của các cuộc cải cách, mở rộng đến nhiều lĩnh vực tại Geneva như chính trị, kinh tế và quản lý.


Người dân thường đến công viên chơi cờ vào cuối tuần

Bài, ảnh:Kim Dung

Không có nhận xét nào: