Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

'Làm du lịch tốt cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là cái tâm'

Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh phát triển ngành “Công nghiệp không khói” -du lịchtừ những năm 1990. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, một khoảng thời gian không phải là ngắn, du lịch Việt Nam vẫn chỉ được đánh giá là tiềm năng.

Làm thế nào để phát triển du lịch Việt Nam vươn tầm chuyên nghiệp vẫn là luôn là một đề tài thu hút sự chú ý của xã hội. Một trong những đề tài được nhắc đến nhiều nhất chính là nguôn nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ cho phát triển Du lịch bền vững. Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Tám, Trưởng Khoa Du lịch - Đại họchuếvề vấn đề này.


PGS.TS Bùi Thị Tám

* “Thừa thầy thiếu thợ” đang là một thực trạng đáng nói của nền giáo dục Việt Nam, tuy nhiên riêng với ngành du lịch thì có lẽ không đúng như vậy. Khi mà hàng ngàn resort, khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành xuất hiện ngày càng nhiều thì nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch Việt Nam lại thiếu. Là một người đứng đầu một cơ sở đào tạo về Du lịch, bà có chia sẻ gì về điều này?

- Theo tôi nếu nói là nguồn nhân lực phục vụ cho Du lịch Việt Nam hiện nay thiếu là chưa đủ. Mà đúng hơn là thiếu như thế nào và thiếu ở đâu! Khi mà rất nhiều trường Cao đẳng, trường nghề, các lớp học nghiệp vụ vẫn đang mọc lên như nấm sau mưa và cung cấp cho ngành công nghiệp không khói một nguồn nhân lực dồi dào. Theo tôi thiếu là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo trường lớp bài bản, chuyên nghiệp và thiếu ở những vị trí quản lý điều hành mới đúng.

Các bạn thấy đấy, ở những khách sạn lớn, những khu nghĩ dưỡng, resort, các vị trí điều hành và chủ chốt hầu như đều là người nước ngoài và họ được trả lương cao ngất ngưỡng. Trong khi đó rất ít người Việt nắm giữ những vị trí quan trọng, mà đa số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ được làm ở những vị trí khá thấp như lễ tân, phục vụ...

* Vậy theo bà đâu là nguyên nhân của vấn đề và cách giải quyết?

- Như tôi đã nói, “thợ” thì không thiếu nhưng vẫn cần tính chuyên nghiệp và bài bản, còn “thầy” thì chúng ta thiếu rõ ràng vì chúng ta không có nhiều trường lớp bài bản, đào tạo một cách chuyên nghiệp.

Khoa Du lịch - ĐH Huế ký kết văn bản hợp tác tại Đại Học Greifswald - Đức tháng 6/2013 về đào tạo Thạc sĩ quản lý Du lịch bằng tiếng Anh

Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh du lịch từ đầu những năm 1990 và việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ này được bắt đầu chú ý. Tuy nhiên đa số vẫn là đào tạo thợ mà thôi còn đào tạo thầy chuyên nghiệp thì có rất ít. Không những thế Du lịch là tổng hòa của nhiều khía cạnh, một người làm du lịch chuyên nghiệp phải là một người có đầu óc kinh doanh, có tính nhân văn, văn hóa… mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có đủ tầm nhìn chiến lược và khả năng để tạo ra các sản phẩm như thế.

Là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực Du lịch trong cả nước, chúng tôi nắm rất rõ về điều này và định hướng phát triển đào tạo theo hướng đào tạo chuyên nghiệp bài bản, đào tạo ra những “người thầy” thực thụ cho ngành Du lịch. Quy mô đào tạo của chúng tôi tăng theo hằng năm, tuy nhiên để đào tạo ra những người có thực tài, chúng tôi không dám đào tạo ồ ạt mà chú trọng vào chất lượng đào tạo. Để khi các em ra trường chắc chắn các em sẽ là những người làm du lịch giỏi.

* Không phải ai cũng may mắn khi ra trường đã có thể kiếm được việc làm ngay vì trường đang đào tạo những “người thầy” chứ không phải là những “người thợ”. Mà để “làm thầy” thì có lẽ rất ít người dám tin tưởng để cất nhắc những cử nhân mới tốt nghiệp vào vị trí quản lý chủ chốt hoặc ngay cả vị trí giám sát viên, quản trị viên.

- Tất nhiên, theo tâm lý chung không nhiều người dám tin tưởng cất nhắc những sinh viên mới tốt nhiệp vào những vị trí quản lý quan trọng. Những người có nhiều kinh nghiệm chắc chắn sẽ được tin tưởng hơn dù rằng họ có thể chưa được đào tạo bài bản. Nhưng đối với các em sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Du lịch - ĐH Huế, rất nhiều em đã có được những công việc ổn định ở những vị trí chủ chốt trong ngành du lịch không chỉ ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Điều đấy chứng tỏ chúng tôi đang đào tạo đúng hướng và đáp ứng được nhu cầu của những nhà tuyển dụng.

Hiện tại chúng tôi đang đào tạo 8 chuyên ngành Đại học: Kinh tế du lịch, Hướng dẫn du lịch, Quản lý lữ hành, Quản trị kinh doanh du lịch, Tổ chức quản lý sự kiện, Truyền thông & Marketing du lịch dịch vụ, Quản trị quan hệ công chúng, Thương mại điện tử dịch vụ du lịch. Đồng thời đang tiếp tục mở một số chuyên ngành đào tạo sau đại học, liên thông, bằng hai và đặc biệt là các khóa đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Và tất cả những ngành nghề chúng tôi đào tạo, nhà trường đều đặt vấn đề rèn luyện kỹ năng lên hàng đầu. Các em sinh viên từ từ năm 3 trở lên nếu có nguyện vọng chúng tôi đều gửi các em đến các đơn vị kinh doanh du lịch để các em vừa học vừa làm để có thể tiếp xúc và học tập từ thực tế. Chính vì thế khi ra trường các em đã có được một số kinh nghiệm cơ bản, tạo được sự tin tưởng từ phía nhà tuyển dụng.

Gian hàng triễn lãm của Khoa Du lịch, Đại học Huế

Không những thế, chúng tôi còn liên kết với một số các trường, các trung tâm, các đơn vị kinh doanh du lịch ở nước ngoài (như Thái Lan, Singapore...) Để các em có thể tiếp cận, học tập và làm việc tại những môi trường làm việc chuyên nghiệp. Điều đáng phấn khởi là cho đến giờ phút này các đối tác này, tôi chưa nhận được lời phàn nàn nào từ phía các đối tác. Ngược lại, các đối tác trong và ngoài nước đã gửi về những đánh giá rất tích cực đối với sinh viên Khoa Du lịch - Đại Học Huế và tiếp tục ký kết với Khoa để nhận sinh viên về thực tập trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra nhà trường định hướng sẽ cho sinh viên lựa chọn được học tập theo giáo trình của 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp để có thể vừa đảm bảo chuyên môn vừa đảm bảo phần ngôn ngữ để các em rộng đường hơn trong việc lựa chọn công việc và nơi làm việc phù hợp.

Với những nổ lực và thành quả đạt được, chúng tôi càng tin tưởng hơn vào chiến lược mà Khoa đang theo đuổi - “Chất lượng tạo ra sự khác biệt”, tin tưởng vào sinh viên của Khoa Du lịch - Đại Học Huế, tin tưởng về một tương lai không xa những học trò của mình sẽ có được những việc làm ổn định ở những vị trí chủ chốt, những nhà quản lý giỏi có tâm với nghề vì sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

* Đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn song hành cùng nhau để có một hướng đào tạo mới và hay hơn, chuyên nghiệp hơn. Bà có nghĩ như vậy?

- Ngoài việc giảng dạy, đào tạo chúng tôi cũng phải không ngừng làm mới mình hơn để có thể mang đến những gì tốt nhất cho sinh viên chúng tôi. Bởi có được như vậy các em sẽ có nhiều kiến thức chuyên sâu hơn và điều ấy sẽ rất hữu ích cho các em trong công việc sau này.

Chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu hằng năm và gần đây nhất là ở cuộc triễn lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ ĐH Huế 2013, chúng tôi tham gia 6 sản phẩm thì có đến 5 sản phẩm đạt giải: Phim “Tam Giang vẻ đẹp kỳ thú” và 3 tours du lịch đầm phá, Hệ thống tư vấn thông tin khách sạn ở Thành phố Huế, Kho tài nguyên số Thư viện Khoa Du lịch- Đại học Huế, Các chương trình tiêu biểu thuộc chương trình OFF của Festival Huế 2010, Trang thông tin quảng bá sản phẩm du lịch cho Huyện Phú Lộc, TT-Huế.

* Điểm thi đại học năm học 2013/2014 đã có, Khoa Du lịch chỉ có 550 chỉ tiêu một con số cũng khá khiêm tốn nhưng lại chắc chắn cho việc đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng? Bà có chia sẻ gì đối với các tân sinh viên sắp nhập học?

- Theo tôi được biết, các em năm nay thi rất tốt và đạt điểm cao hơn những năm gần đây. Điều ấy tôi rất đáng mừng vì chất lượng đầu vào càng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên để trở thành một sinh viên giỏi và một người làm du lịch giỏi thì cần rất nhiều yếu tố trong đó 2 điều căn bản nhất vẫn là niềm say mê và phải có cái tâm với nghề.

* Cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Thực hiện Tiểu Mã

Không có nhận xét nào: