Những người con của đảo
Anh Nguyễn Văn Vĩnh - một thanh niên xung phong ra đảo từ những ngày đầu có chủ trương đưa dân ra Cồn Cỏ kể: “Nhà tôi bán quán ở ngay âu tàu lên, chiều chiều, thành viên của các đoàn khách du lịch ra đảo thường ra quán ngồi nhâm nhi ly bia với mực nướng, ngắm cảnh hoàng hôn đổ bóng xuống biển. Thông thường buổi sáng 5 giờ tôi mới dậy để dọn hàng nhưng hầu hết du khách đến đảo đều dậy khá sớm ra ngắm cảnh bình minh của ngày mới trên đảo từ hơn 4 giờ sáng. Đây là lúc biển rất đẹp và thơ mộng”.
Hệ thống giao thông trên đảo Cồn Cỏ thuận lợi cho việc đi lại. |
Ông Cao Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cồn Cỏ từ lâu đã được mệnh danh là “bảo tàng tự nhiên” giữa biển khơi. Trong chiến lược phát triển của Cồn Cỏ, huyện đảo tập trung theo hướng dịch vụ, du lịch, lâm, nông, thủy sản nhưng dịch vụ, du lịch được xác định là mũi nhọn. Riêng quy hoạch của đảo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất bàn tay can thiệp của con người. Các khu nhà trên đảo xây cao nhất cũng chỉ 2 tầng. Cùng với việc tận dụng nước mưa để ăn uống, chúng tôi đang tính tới xây dựng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt để từng bước chủ động nguồn nước trên đảo”. Một thế mạnh khác của đảo là nước biển ở Cồn Cỏ ấm quanh năm, nhiều bãi cát mịn nên đến đảo du khách có thể tắm biển bốn mùa, tham gia lặn biển ngắm san hô, cắm trại dã ngoại, câu cá...
Nguồn thủy sản phong phú giúp cho cuộc sống người dân Cồn Cỏ tốt hơn. |
Hiện nay, việc đi lại đã thuận lợi hơn, tàu thuyền từ đất liền ra đảo thường xuyên. Khách du lịch cũng như người dân có thể đến với Cồn Cỏ bằng tàu cao tốc, tàu công vụ của UBND huyện, hoặc tàu của ngư dân. Với vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là du lịch, dịch vụ, Cồn Cỏ ngày càng được Nhà nước quan tâm đầu tư nên cơ sở hạ tầng đã và đang được nâng cấp, làm mới. Chạy quanh đảo ngay gần mép nước là hơn 5 km đường đá láng nhựa phẳng lỳ. Nếu đi xe máy, chạy một vòng quanh đảo chỉ mất chừng 15 phút, còn nếu đi bộ, cũng tầm khoảng gần 45 phút là hết đảo. Với chúng tôi, tuy đã trở lại đất liền song mỗi khi nhớ về Cồn Cỏ không thể nào quên cảm giác rảo từng bước chân trên đảo. Trong cái nắng, gió từ biển thổi vào, từng làn hương thơm thoang thoảng của hoa và cỏ dại quyện lẫn trong gió biển như một đặc sản thiên nhiên ban tặng cho đảo mà không dễ tìm được ở nơi khác. Trên con đường uốn lượn vòng quanh đảo, nhiều loài cây tạo nên đặc trưng khác biệt của đảo chính là những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi tỏa bóng sum suê bên đường. Rồi đến rừng bàng lá đỏ, cây nhàu, cây phong ba, bàng vuông cùng rất nhiều loài hoa dại mọc ven đường đã cuốn hút hầu hết chúng tôi dừng lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.
Kết hợp lợi ích kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh
Để xây dựng, phát triển Cồn Cỏ thành đảo du lịch trong thời gian tới, còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, phát triển du lịch cũng cần chú ý đến việc củng cố quốc phòng, an ninh. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là điều cần được thực hiện song song. Bởi Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu, có vị trí hết sức quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quảng Trị.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, hệ thống nước sinh hoạt chỉ đủ phục vụ lực lượng trên đảo, toàn đảo chưa có nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách. Song khó khăn nhất vẫn là yếu tố con người. Hiện huyện đảo chưa có cơ quan hay công ty làm du lịch để giúp huyện phát triển du lịch. Ngoài ra, nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn. Để Cồn Cỏ phát triển trong những năm tới, rất cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Trị và sự hỗ trợ từ Trung ương. Để mảnh đất thép này nở hoa kết trái bằng chính tiềm năng vốn có của mình, đưa cuộc sống của người dân huyện đảo ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Bài và ảnh:Thái Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét