Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Lễ hội mùa Xuân dần đi vào nề nếp

(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Văn hóa Thể thao và  du lịch  (VHTTDL), Lễ hội Xuân 2013 đã diễn ra vui tươi, an toàn. Công tác tổ chức lễ hội Xuân năm nay đã đi vào nề nếp, tạo không khí lành mạnh, cuốn hút du khách.

 

Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2013 cũng như trong thời gian diễn ra lễ hội, Lãnh đạo, Thanh tra Bộ VHTTDL đã kiểm tra tại 82 lễ hội tổ chức tại 21 tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, các loại hình dịch vụ cho khách hành hương đã được cải tiến và nâng cao chất lượng, xây dựng tốt nếp sống văn hóa trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội.

Phần lớn các lễ hội được tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các cơ quan chuyên môn. Việc đốt vàng mã, tệ nạn cờ bạc, bói toán, lên đồng cũng giảm rõ rệt… Hầu như không còn hiện tượng thắp hương tràn lan trong nội tự (chỉ thắp bát hương công đồng ngoài sân), hiện tượng thả tiền, ném tiền, giắt tiền lên tay tượng tại nơi thờ tự đã được hạn chế. Các hòm công đức, giọt dầu cũng đã giảm về số lượng, được thay bằng gỗ kín đáo và đặt tại những vị trí phù hợp.

An ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, hàng quán dịch vụ…đã được chú trọng và đảm bảo tốt hơn mọi năm.

 

Lễ hội Xuân năm nay, hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước lượng du khách về dự lễ hội đều tăng so với các năm trước (Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) đón 1,5 triệu lượt khách; Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đón 1,5 triệu lượt khách; Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) đón 5 triệu lượt khách; Lễ hội Đền Trần Phủ Dày (Nam Định) đón trên 70 vạn lượt khách; Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) đón 1,5 triệu lượt khách; Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (Núi Sam-Châu Đốc-An Giang) đón 2,5 triệu lượt khách…).

Nhiều nơi di tích, chính quyền, lãnh đạo ngành văn hóa địa phương đã quan tâm quy hoạch di tích, đầu tư xây dựng mở rộng nâng cấp các cơ sở hạ tầng dịch vụ như sân lễ hội, bãi giữ xe, khu vệ sinh, nơi ăn nghỉ, nơi sắp lễ, hàng quán một cách chỉn chu quy củ tạo cho lễ hội diễn ra tốt hơn, giảm hẳn được cảnh chen lấn ùn tắc.

Nhiều Ban quản lý (BQL) di tích, Ban tổ chức (BTC) lễ hội đã quản lý, sử dụng các nguồn thu từ di tích, trong lễ hội đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật như Đền Cửa Ông, Đền Kiếp Bạc, Đền Quan, Đền Đồng Bằng, Chùa Keo, Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ….)

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ, qua thanh kiểm tra cho thấy ở nơi nào có BTC, BQL lễ hội cùng phối hợp ăn ý thì lễ hội nơi đó diễn ra quy củ và trật tự hơn hẳn.

Cần chế tài chặt chẽ

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, một tình trạng lâu nay vẫn chưa được khắc phục đó là các di tích, lễ hội không thống kê được số lượng người đến lễ hội. Do vậy chưa có kế hoạch để dự báo, chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhân lực đầy đủ, chu đáo để phục vụ du khách, quản lý các hoạt động trong lễ hội. Đây chính là nguyên nhân của sự lộn xộn, quá tải trong những mùa lễ hội.

Ý thức du khách hành hương còn kém, không tuân thủ các nội quy ban quản lý di tích đặt ra, chen chúc, xô đẩy, vứt xả rác bừa bãi. Sự thiếu hiểu biết của du khách về lễ hội là nguyên nhân của những hành động, ứng xử kém văn hóa nơi đền chùa tôn nghiêm.

Do vậy, việc ban hành quy định rõ ràng về các quy trình thờ cúng, đốt mã, cúng tiền công đức là việc cần thiết, nhất là các quy định xử phạt các hành vi vi phạm cần quy định rõ nếu xảy ra vi phạm thì phạt người vi phạm, phạt BQL di tích hay BTC lễ hội.

Ngoài ra, cần có các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, nhiệm vụ cũng như kỹ năng tổ chức sự kiện, quản lý lễ hội cho BTC, BQL các di tích lễ hội cũng như những người phụ trách mảng văn hóa, lễ hội ở các địa phương. Sự chuyên nghiệp hóa cùng một nền tảng kiến thức, kỹ năng chuẩn sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội.

Nguyệt Hà

Không có nhận xét nào: