Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh nhân tuồng Tống Phước Phổ


Nhân 110 năm ngày sinh của danh nhân Tống Phước Phổ (1902-2012), ngày 25/1, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm và hội thảo về danh nhân tuồng Tống Phước Phổ, nhằm tri ân công lao to lớn, sự nghiệp vẻ vang của ông.

Các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh nhân Tống Phước Phổ được học sinh, sinh viên và nhiều bạn trẻ thanh niên hưởng ứng
Danh nhân tuồng Tống Phước Phổ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng An Quán, phủ Điện Bàn (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sinh thời khi ở tuổi thanh niên, ông là thư ký riêng của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh – nhà hoạt động sân khấu chèo lỗi lạc của nước ta. Được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh tận tình hướng dẫn, dìu dắt và truyền dạy, năm 18 tuổi, Tống Phước Phổ bắt đầu bước vào con đường sáng tác tuồng. Đến năm 25 tuổi, ông đã trở thành một nhà soạn giả tuồng, nhà thơ.
Trước những biến động xã hội về chính trị, Tống Phước Phổ vào Sài Gòn tham gia cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, viết bài cho các báo Phụ Nữ tân văn, Điện tín.
Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi tổ chức Đảng ở Sài Gòn bị vỡ, ông bị bắt và bị kết án tù 1 năm. Trong tù, ông đã sáng tác vở Gương liệt nữ, nhằm ca ngợi cuộc khởi nghĩa và tấm gương trung liệt của Hai Bà Trưng.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là lớp nghễ sĩ tuồng đầu tiên khoác ba lô lên đường theo kháng chiến, thành lập đoàn tuồng tham gia biểu diễn tuyên truyền cách mạng. Đoàn tuồng này, là tiên thân của đoàn tuồng Liên khu 5 cũ, nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn (Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Có thể khẳng định rằng, Tống Phước Phổ là tác giả chuyên nghiệp đầu tiên của sân khấu tuồng cách mạng, góp phần phục hồi nghệ thuật tuồng của Liên khu 5. Là một người vừa có tấm lòng nhiệt huyết, say mê văn chương, nghệ thuật sân khấu tuồng, vừa kế thừa được những tinh hoa nghệ thuật tuồng từ thế hệ các nhà soạn giả tuồng đi trước, Tống Phước Phổ đã sáng tác hơn 100 vở tuồng với các thể loại khác nhau, tham gia nghiên cứu cải biên, chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ và phục dựng nhiều vở tuồng cổ bị lãng quên.
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn nhiều vở tuồng của danh nhân tuồng Tống Phước Phổ
Các sáng tác của ông thường tập trung ca ngợi các bậc anh hung, nghĩa sỉ dám xả thân vì nước, vì nhân dân, đồng thời lên án bọn xua nịn, gian thần.
Danh nhân tuồng Tống Phước Phổ mất năm 1991, tại Bệnh viện C Đà Nẵng, thọ 90 tuổi. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức diễn nhiều tác phẩm tuồng của Tống Phước Phổ như: Lục Vân Tiên, Lam Sơn tụ nghĩa…
Tham gia bàn luận, trao đổi tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhà soạn giả tuồng, cùng các nghệ sĩ đã khẳng định sự đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật tuồng nước nhà, mà trực tiếp là sân khấu tuồng Liên khu 5.
Cũng nhân dịp Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã truy tặng giải thưởng Đào Tấn cho danh nhân tuồng Tống Phước Phổ.
Đại Khải

Không có nhận xét nào: