Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Truy tặng giải thưởng Đào Tấn cho danh nhân tuồng Tống Phước Phổ


Ngày 25/1, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đã diễn ra lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của danh nhân tuồng Tống Phước Phổ (1902-2012).
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên (phải) truy tặng giải thưởng Đào Tấn cho danh nhân tuồng Tống Phước Phố
Trước đó, ngày 24/1, Sở VHTT& du lịch Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức biểu diễn các trích đoạn tuồng trong các vở Lục Vân Tiên và Trưng Vương . Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã thay mặt Nhà nước truy tặng giải thưởng Đào Tấn cho danh nhân Tống Phước Phổ.
Danh nhân Tuồng Tống Phước Phổ sinh ra và lớn lên ở làng An Quán, phủ Điện Bàn (nay là Huyện Điện Bàn- Quảng Nam). Thời trẻ, Tống Phước Phổ là thư ký riêng của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, nhà hoạt động sân khấu Tuồng lỗi lạc của nước ta. Ông luôn được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ dạy trong việc ghi chép, sáng tác hoặc chỉnh lý tuồng. Năm 18 tuổi, ông sáng tác vở Lâm Sanh- Xuân Hương dựa theo cốt truyện Nôm. Năm 25 tuổi, ông trở thành một soạn giả tuồng và một nhà thơ.
Sau Cách mạng Tháng 8, Tống Phước Phổ đi theo kháng chiến, ông tham gia vận động thành lập đoàn tuồng, đi biểu diễn để tuyên truyền cách mạng. Đây là tiền thân của Đoàn tuồng Liên khu V (cũ), nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định).
Tống Phước Phổ là tác giả chuyên nghiệp đầu tiên của sân khấu tuồng cách mạng, góp phần quan trọng trong việc phục hồi nghệ thuật tuồng ở Liên khu V.
Ông là tác giả của hàng loạt vở tuồng mới được đánh giá cao như: Đường lên Tam Đỉnh, Lột mặt nạ, Ngọn lửa Hồng Sơn ,… đồng thời ông đã tham gia nghiên cứu cải biên, phục dựng nhiều vở Tuồng cổ: T am nữ đồ vương, Tam Khí Châu Du, Sơn Hậu, Mã Phụng Cầm, Lý Phựng Đình ... Năm 1996, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Để vinh danh ông, năm 1998, TP Đà Nẵng đã quyết định đặt tên ông cho con đường dài thuộc quận Hải Châu.
Hồng Thúy

Không có nhận xét nào: