Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Con rắn làm giàu làng Lệ Mật


Với Hà Nội, từ xưa đến nay, ít ai nhắc đến chuyện biến “mãng xà thành tiền”. Ấy vậy mà, có một ngôi làng nhờ thương hiệu của “mãng xà” mà thu hút nhiều khách du lịch đà nẵng đến tham quan… Làng có tên Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).
Giáp Tết, chúng tôi về Lệ Mật để mong được nghe những câu chuyện xoay quanh việc nuôi rắn mà người dân ở đây gọi là “mãng xà”. Lệ Mật giờ chắc không còn bản sắc như xưa, khi mà dòng xoáy kinh tế bao quanh, xô bồ. Ấy thế mà, khi đặt chân đến đây, chúng tôi đã gặp không ít bất ngờ. Đó là những tấm biển quảng cáo du lịch cù lao chàm của các trang trại rắn, các nhà hàng sang trọng với những món nhậu được chế biến từ rắn. Ông Trương Bá Huân, người vực dậy làng nghề nuôi rắn Lệ Mật, đồng thời là chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng ban quản lý làng nghề cho chúng tôi biết nhờ việc phát triển nhanh chóng từ nuôi rắn, Lệ Mật được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật”.

Chủ một trang trại ở làng Lệ Mật đang "chơi đùa" cùng con rắn hổ mang
Ông Huân bảo: “Không biết từ bao giờ, chỉ thấy từ đời ông nội đã có nghề săn bắt, nuôi và buôn bán rắn”. Theo lời kể của ông Huân, ngày xưa người dân Lệ Mật chủ yếu buôn bán rắn được bắt từ hoang dã để giết thịt và ngâm rượu thuốc, sau đó bán cho các nhà hàng và thậm chí là bán sang nước ngoài. Những năm 60, từ thời còn bao cấp thì hợp tác xã cũng đã có một trang trại nuôi rắn rất lớn. Rắn cả nước tập trung về Lệ Mật. Thời điểm đó, việc buôn bán và săn bắt rắn rất phát triển. Đến năm 1993, nhà nước ban hành luật bảo vệ và cấm săn bắt, nuôi nhốt, giết hại động vật hoang dã, thì hầu hết người dân làng Lệ Mật chuyển sang ngành nghề khác. Vậy nên nghề rắn ở Lệ Mật cũng mất dần từ đó.
Cho đến một ngày, nghe tin ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) thực hiện thành công đề tài cấp nhà nước về “Nuôi rắn hổ mang sinh sản ăn mồi tĩnh” cho lợi nhuận cao, ông Huân đã đích thân lên xem và thấy được lợi ích từ việc nuôi rắn. Vậy là ông lập tức về báo cáo lại cho chính quyền địa phương và mời cán bộ lên tham quan. Chuyến thăm đó đã đem lại kết quả tốt đẹp khi đề án “Phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống ẩm thực rắn Lệ Mật” được chính quyền quận Long Biên thông qua và mời chuyên gia về giảng dạy cho cán bộ và người dân làng Lệ Mật. Mục tiêu của đề án là: Phát triển chăn nuôi, phát triển ẩm thực và du lịch. Thấy hiệu quả từ nghề nuôi rắn, vậy là hàng trăm hộ ở làng Lệ Mật bắt đầu tham gia.
Đến năm 2009, làng Lệ Mật đã xây dựng được 2 trang trại là mô hình nuôi rắn sinh sản để cấp giống cho các hộ trong làng, và một mô hình tổng hợp vừa chăn nuôi, ẩm thực và tham quan du lịch. “Giờ thì làng Lệ Mật đã có trên 100 hộ và gần 400 nhà hàng chuyên về các món rắn, phục vụ cho gần 1000 thực khách mỗi ngày” – Ông Huân cho hay.

Những bình rượu rắn tại một nhà hàng ở Lệ Mật
Theo ông Trương Bá Huân, rắn hổ mang là loài ít bệnh tật, nếu nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc thì sẽ rất dễ nuôi. Rắn thường cặp đôi vào tháng 3, tháng 4, sinh sản mỗi năm một lứa vào tháng 4 hoặc tháng 5. Mỗi lần đẻ từ 10 – 20 quả trứng. Sau gần 2 tháng ấp, trứng sẽ nở, tỷ lệ nở thành công đạt trung bình 60%. Sau 1 ngày nở, rắn con sẽ bắt đầu ăn, thức ăn cho rắn gồm cóc, nhái, thịt heo, gà, chuột… xay nhỏ. Một lần ăn tương đương với 15% trọng lượng cơ thể rắn, cho ăn 2 – 3 ngày 1 lần. Rắn hổ mang là loài ngủ đông nên khi nhiệt độ hạ thấp thì cho rắn ăn hạn chế từ 5 – 7 ngày 1 lần và phải bỏ rơm, rạ khô để giữ nhiệt cho rắn. Đối với rắn hổ mang thường, khi trưởng thành dài từ 1m – 1,5m, trọng lượng đạt từ 1 – 1,5kg, có con đạt 3kg. Giá bán trung bình từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/1kg. Nếu đầu tư bài bản và có kỹ thuật chăn nuôi tốt thì lợi nhuận mang về sẽ rất lớn.

Rắn hổ mang
Là làng nổi tiếng khắp nơi về nghề nuôi rắn, nhưng với người dân Lệ Mật, chuyện để rắn cắn vào người là rất hiếm. Anh Trương Mạnh Hoàng, người quản lý trại rắn nhà hàng Quốc Phương (Lệ Mật – Việt Hưng – Long Biên) cho biết, trại rắn hiện có gần 200 chuồng, chủ yếu là rắn hổ mang, ngoài ra còn có rắn ráo, hổ trâu. “Từ trước đến nay ở làng Lệ Mật chưa có trường hợp nào tử vong do bị rắn cắn. Có thể, người dân thường xuyên tiếp xúc với rắn nên “tai nạn nghề nghiệp” rất hiếm xảy ra” – anh Hoàng nhận định. Theo anh Hoàng, riêng trại rắn Quốc Phương trung bình mỗi ngày đón gần 300 lượt khách, ngày lễ hội có hôm lên đến 1500 người vào tham quan và thưởng thức các món nhậu từ rắn. Để phục vụ lượng khách này, nhà hàng đã phải thuê gần 60 nhân viên là con em trong làng.
Tôi hỏi ông Trương Bá Huân: “Là một trong những người “vực dậy” làng nghề truyền thống mà mỗi khi nhắc đến Lệ Mật ai cũng biết. Đến giờ ông còn có trăn trở, lo lắng gì nữa không?”. Ông Huân bảo: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp vì nhường đất cho các khu đô thị mới, nhiều nhà không còn diện tích để nuôi đành mang rắn đi gửi. Bên cạnh đó, nhiều gia đình được đền bù một khoản tiền rất lớn, các loại hình dịch vụ nở rộ làm cho việc kiếm tiền dễ dàng hơn nên đã làm một số người không còn mặn mà với nghề nuôi rắn.
Hiện tại, số lượng rắn tại Lệ Mật không đủ để cung ứng cho nhu cầu ẩm thực của du khách, chủ yếu rắn được mua từ Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) để đáp ứng nhu cầu của các nhà hàng. Đứng trước tình hình đó, quận Long Biên đã xây dựng đề án làm một khu quy hoạch tập trung, tránh tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho người dân. Quận cũng có kế hoạch xây dựng các trang trại rắn để phát triển du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nhằm xây dựng Lệ Mật thành một làng nghề giàu có và phát triển. Âu cũng là những việc cần làm.
Vững Hoàng (theo Gia đình Việt Nam)

Không có nhận xét nào: