Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Lữ hành lao đao vì phí tăng

Giá xăng tăng, cộng với phí tham quan tại huế, Điện Biên, Hà Nội, Hội An, Nha Trang tăng từ 30% lên gấp đôi vào thời điểm kích cầu du lịch khiến cho giới lữ hành hết sức khó khăn.



Để có sự ổn định cho tour, các DN đều phải điều chỉnh giá sản phẩm




CôngThương-Chấp nhận lỗ vì phí tăng
Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đều cho rằng, việc tăng giá các loại phí trong thời điểm này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kế hoạch kinh doanh, giảm lợi nhuận của họ. Và ảnh hưởng nhiều nhất là chi phí vận chuyển, vì xăng tăng giá làm cho chi phí vận chuyển đồng loạt tăng khi mà giá bán của các đơn vị lữ hành thì không thay đổi được… Còn về phí tham quan, mặc dù phí tham quan chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá tour, nhưng theo ông Lưu Đức Kế - Phó giám đốc HaNoi Redtour đây là một sự lạc điệu của địa phương trong bối cảnh các DN du lịch đang chung tay góp sức vì mục đích chung là mang khách du lịch đến Việt Nam và mang khách du lịch đến địa phương.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Phó giám đốc tiếp thị Vietravel - cho rằng, nếu việc tăng giá xảy ra thường xuyên sẽ gây nên sự bất ổn lớn, nhất là đối với DN kinh doanh vận chuyển với quy mô lớn, trong đó bao gồm cả chi phí thuê vận chuyển khách du lịch, môi trường cạnh tranh nội địa không hấp dẫn sẽ gây nên thất thu chung cho nền kinh tế, và du lịch không phát huy được lợi thế để trở thành nền kinh tế mũi nhọn như kế hoạch. Còn ông Nguyễn Tường Lân- Giám đốc Công ty du lịch Nam Cường- cho hay, việc tăng giá lúc này ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi nhuận của DN trong cả năm nay, nhưng về lâu dài thì lại khó bán và khó thu hút thêm những khách hàng tiềm năng khi có thông báo thay đổi giá và điều chỉnh giá đã gửi cho mùa cao điểm của inbound (loại hình du lịch đón khách nước ngoài vào Việt Nam).
Vì thế, trong tình hình hiện nay“việc duy nhất có thể làm là chấp nhận giảm lãi, không lãi hoặc lỗ để thực hiện là điều tất yếu với những tour đã bán”- ông Nguyễn Tường Lân nói. Và để có sự ổn định cho giá tour, các DN đều phải điều chỉnh sản phẩm với mức giá mới, phù hợp với thị trường. Như Vietravel, công ty này đang tiến hành xây dựng chính sách giá cho sản phẩm du lịch bằng đường bộ hết sức linh hoạt. Cụ thể, với việc sở hữu đội xe lớn, Vietravel linh động và điều tiết chính sách lợi nhuận để hỗ trợ giá tour, vì vậy khách hàng không chịu bất kỳ tác động nào từ việc tăng giá nhiên liệu.
Để ổn định giá tour trong hoàn cảnh phí tăng hiện nay, DN du lịch phải dựa vào mối quan hệ với các đối tác hàng không, khách sạn để đảm bảo chi phí giảm, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và sự kỳ vọng vào chất lượng sản phẩm của du khách. DN đưa ra khuyến mãi sâu nhưng chất lượng không đổi và cam kết về ngày khởi hành.
DN chưa được hỗ trợ kịp thời
Ông Nguyễn Tường Lân nhấn mạnh, nếu cứ để DN tự điều chỉnh theo giá thị trường thì đồng nghĩa với việc sụt giảm nguồn khách, ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu của ngành. Vì thế, cứ nhìn DN du lịch nước láng giềng là tủi thân, mục tiêu rõ ràng, hỗ trợ thiết thực nên dù kinh tế có khủng hoảng mấy họ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Do họ làm việc bài bản, điều hành chuyên nghiệp hơn chúng ta rất nhiều. Còn với DN trong nước, từ trước đến nay, chỉ đóng phí, thuế… mà chưa thấy được hỗ trợ gì thật cụ thể. DN gần như hoàn toàn tự bơi, tiền tự bỏ túi ra kinh doanh, không có chương trình hỗ trợ cụ thể nào để DN marketing cho hình ảnh quốc gia ra thế giới…
Tổng kết 6 tháng của ngành du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn cũng đánh giá, chính sách, hỗ trợ DN du lịch cơ bản đã được ban hành, tuy nhiên việc thực hiện chưa kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy, gắn kết, phối hợp đa ngành trong phát triển du lịch, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hữu cơ giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch và DN du lịch. Vì thế, kiến nghị của hầu hết DN du lịch trong giai đoạn khó khăn hiện nay là cần hỗ trợ tích cực hơn thông qua chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc quy hoạch chỗ đậu dành cho phương tiện tại các điểm tham quan, trung tâm mua sắm,... Do thiếu bến bãi, phương tiện phải di chuyển liên tục đến khi nhận khách trở lại, vì vậy tiêu hao nhiều nhiên liệu, đội chi phí, đồng thời gây ô nhiễm môi trường... Các địa phương cần phải liên kết với lữ hành, thường xuyên kết nối với Bộ VHTT&DL để bàn bạc, trao đổi, tham vấn đưa ra những chính sách hợp lý, đồng bộ và được sự đồng thuận cao để thu hút khách bền vững.


Để có sự ổn định cho tour, các DN đều phải điều chỉnh giá sản phẩm


PHẢN HỒI

Không có nhận xét nào: