Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Mình không “đổ” bởi điện ảnh mà “chết” vì văn chương

(Cadn.Com.Vn) - Vào Đà Nẵng đồng chủ trì một trại sáng tác kịch bản phim, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bảo cả tuần rồi mà chưa đi đâu, trừ những hôm đi thực tế theo đoàn tại Đồn biên phòng Cảng Đà Nẵng vàcù lao chàm, còn thì nhốt mình cả ngày trong phòng khách sạn để đọc, góp ý cho các kịch bản, trả lời phỏng vấn một số tờ báo và lên facebook (face).

Chị bảo có khoảng 3.000 người bạn trên face, nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp nhưng cũng rất nhiều người không hề biết mặt nhưng tất cả đều rất nhiệt tình. “Mình có kịch bản nào mới, có bài thơ, tập thơ nào mới họ đều chia sẻ, chúc mừng, mình biết có người chỉ tán dương vậy thôi nhưng cũng vui. Viết tản văn, viết thơ, viết kịch còn có nhuận bút chứ viết face chẳng có đồng nào, lại mất thì giờ nhưng cứ như người nghiện ấy, không bỏ được, ngày nào cũng phải lướt qua vài lượt để được chia sẻ với mọi người về những cảm xúc, những việc mình làm, có khi chỉ là bức ảnh chụp kỷ niệm về một địa danh mình đã đi qua, vậy mà mọi người cũng comment ầm ầm, vui đáo để...”.

- Dự án làm phim mới của chị là gì vậy? Nếu không có gì bí mật, chị có thể “bật mí” cho độc giả được không?

- Mình vừa viết xong kịch bản phim truyện điện ảnh “Gương trời” về một làng chài ở Quảng Ninh. Mình cũng đang bắt tay vào viết kịch bản khác có tên “Chuyện tình Hạ Long” cùng với biên kịch Hà Anh Thu, lấy bối cảnh là đảo Tuần Châu, Quảng Ninh. Nhà nước không đầu tư kinh phí thì mình làm phim cho tư nhân, thế cũng tốt, hạnh phúc nhất là được làm công việc mà mình yêu thích...

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thăm chùa Linh Ứng-Bãi Bụt (Đà Nẵng).

- Hiện nay phim truyền hình Việt Nam có phim hàng chục, thậm chí hàng trăm tập, chị có dự định viết những kịch bản dài hơi, vừa là mốt, vừa có thu nhập cao?

- Sở trường của mình là phim truyện nhựa, phần lớn là phim 1 tập, nhiều nhất cũng chỉ 4 tập nhưng đầu tư rất công phu. Với mình, kiếm tiền khó lắm, phải thai nghén lâu lắm mới được 1 tác phẩm nhưng chất lượng phải đỉnh cao. Làm phim mà làng nhàng, kéo dài lê thê nhiều tập mà chẳng có nội dung, mình không làm được...

- Chị bảo mình là “tỷ phú về thời gian”, điều đó bây giờ còn đúng không?

- Là trước đây khi chỉ làm chuyên môn thôi, chứ bây giờ thêm cái “chức” Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, mình cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng 8 giờ vàng ngọc của một hội nghề nghiệp, thời gian còn lại thì sáng tác kịch, làm thơ, bởi thế thời gian với mình bây giờ quý lắm, để nó vuột qua mà không làm được cái gì thì tiếc lắm...

- Đã có hơn 30 năm làm biên kịch điện ảnh, chị lại rất trẻ trung, xinh đẹp, có bao giờ chị “say nắng” một đạo diễn hay một diễn viên điển trai nào chẳng hạn?

- Với mình, điện ảnh chỉ là bề nổi, những gì tốt đẹp thì đã phô diễn hết lên màn ảnh rồi, cái còn lại thường nhạt nhẽo, xơ cứng, không còn gì khiến mình bị hấp dẫn, nhưng mình lại “chết” ở cái mảng văn chương. Đấy, cả hai ông chồng mình (trước đây là nhà thơ Thu Bồn và hiện nay là tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) đều thuộc giới văn chương cả, các ông ấy sâu sắc, uyên thâm, tinh tế lắm, mình “đổ” cũng vì lẽ đó. Tiếc là anh Giang không đi cùng vào Đà Nẵng, ở một mình buồn và nhớ anh ấy, mình dồn hết tâm sức cho công việc, bớt thời gian rảnh cho đỡ nhớ nhà.

- Nhìn ngoài đời chị rất trẻ, nhiều người không nghĩ chị đã ngoài 60 tuổi, chắc hẳn cuộc sống tâm hồn phong phú, gia đình hạnh phúc đã giúp chị trẻ lâu đến vậy?

- Mình đã có cháu nội 20 tuổi rồi. Mình ở với vợ chồng người con trai đầu ở Hà Nội, con gái giữa thì ở Australia, thằng út ở TPHCM, còn con trai của anh Giang thì ở Nga, đi làm phim, đi thăm các con, các cháu cũng như đidu lịch, là cách thư giãn và có thêm nhiều niềm vui. Một cuộc sống bình an, yên ổn giúp mình có thêm năng lượng để sáng tác kịch, làm thơ, lên face trao đổi, chia sẻ cùng những người bạn quen và không quen. Năm 2012 được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, lại ra được tập thơ mới “Cỏ thơm-mây trắng” “Sao có lúc lòng buồn đến thế. Dòng sông xưa còn đỏ phù sa? Ta về quê nhớ một thời khao khát. Cỏ rất thơm mây rất trắng hiền hòa”. Thế đã hạnh phúc lắm rồi...

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.

K.Thanh

Ngày 31-7, tại Đà Nẵng, Trại sáng tác kịch bản phim về đề tài xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Tổ quốc và BĐBP do BTL BĐBP và Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức đã bế mạc. Đã có 29 kịch bản phim được hoàn thành, trong đó có 7 kịch bản phim truyện, 22 kịch bản phim tài liệu, phóng sự.

Đánh giá kết quả trại sáng tác, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Các kịch bản phim đã khắc họa được hình ảnh BĐBP, biên giới, biển đảo dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, vừa có giá trị về tư tưởng, vừa có giá trị về nghệ thuật và mong muốn các tác phẩm có chất lượng tốt sớm được đầu tư, lên sóng truyền hình phục vụ CBCS BĐBP, đồng bào biên giới, khán giả cả nước và có phim tham gia các liên hoan phim. Phát biểu tại lễ bế mạc, đại tá Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP hoan nghênh việc tổ chức trại sáng tác và mong muốn có nhiều hơn nữa các kịch bản phim về đề tài biên giới, biển đảo và BĐBP, để hình ảnh những CBCS BĐBP đến gần hơn với công chúng qua các tác phẩm điện ảnh.

K.Thanh

Không có nhận xét nào: