(Toquoc)- Không phải cảnh đẹp là yếu tố tiên quyết giúp cho Hội An được bầu chọn là “Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới”…
Những danh hiệu mà thế giới dành tặng cho Hội An như: Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới; 1 trong 10 thành phố du lịch tốt nhất; Điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á... Không phải chỉ nhờ cảnh đẹp là yếu tố quyết định. Đến Hội An rồi, du khách sẽ hiểu vì sao, thành phố này được yêu thích đến vậy. Thành phố “ba không” Đó là: không rác; không chèo kéo, “chặt chém”; không trộm cướp. Bất cứ ai từng đến Hội An đều có cảm giác an toàn, du khách như chính chủ nhân của thành phố, thoải mái đi lại, thoải mái như ở chính “nhà mình”. Nói điều này là không ngoa, bởi tìm cả phố cổ Hội An, không thể thấy nhà vệ sinh công cộng. Nhưng hầu như nhà dân nào cũng có biển “Vệ sinh trong nhà, phục vụ miễn phí” cho du khách. Đây là điều hiếm có ở các thành phố du lịch Việt Nam. Hội An không có nạn “chặt chém” du khách
Đêm rằm phố cổ- chương trình bao năm nay vẫn thu hút đông đảo du khách tham gia, hàng ngàn người chen chân đi trên những con đường nhỏ, nhưng không thấy rác vứt bừa bãi. Dường như, ở thành phố sạch sẽ này, du khách cũng có ý thức tự giác hơn. Đó là những ấn tượng mà bất cứ ai đến với Hội An cũng cảm nhận được. Và danh hiệu “Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới” mà du khách và bạn bè quốc tế dành cho Hội An quả thực không sai. Làm du lịch bằng niềm tin Không phải chỉ cảnh đẹp mà tình người thuần hậu chính là một “sản phẩm” du lịch của Hội An, là trong những yếu tố để người đi còn lưu luyến mảnh đất xinh đẹp này. Xe đạp- phương tiện chủ yếu để du khách di chuyển ở thành phố cho thuê khắp nơi. Giá cực rẻ: 20 ngàn đồng/ngày. Ở một số khách sạn 4-5 sao, xe còn được để cho du khách sử dụng thoải mái, không cần đăng ký. Ngoài phố, bạn chỉ cần nói ở khách sạn nào rồi đưa cho người cho thuê xe 20 ngàn đồng là có thể cầm xe đạp đi cả ngày, chẳng cần giấy tờ, chẳng cần hỏi bao giờ trả.
Người dân tích cực tham gia vào bảo tồn di sản văn hóa để khai thác du lịch Thêm một cảm nhận khó quên ở Hội An là ý thức tự giác của người dân. Những ngày Di sản Quảng Nam đang diễn ra, lượng khách đổ về đông nghịt, đặc biệt là buổi tối, nhưng dịch vụ trông giữ xe máy ở đây đều thống nhất một giá 5.000 đồng/xe. Thượng tá Tô Dụng (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Nam) chỉ cho chúng tôi thấy các điểm trông giữ xe máy đều ghi bảng giá rõ ràng và cho biết: “Quy định đó được thực hiện triệt để ở đây và người dân đều tự giác”. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh không kém ấn tượng: 2 vị du khách đi xe đạp vượt đèn đỏ, lập tức đã gặp phải những cái nhìn ngạc nhiên của những người dân. Thậm chí, một người đàn ông đứng tuổi còn đi đến bên cạnh và nhắc: “Tại sao các anh lại đi vượt đèn đỏ như thế nhỉ?” Với ý thức tự giác chấp hành pháp luật đến từng người dân như thế, hình ảnh một Hội An luôn bình yên, thân thiện là điều dễ hiểu. Sự nhiệt tình của người dân nơi đây cũng là một “đặc sản” mà bất cứ ai đến Hội An sẽ còn nhớ mãi. Hỏi đường một bà cụ đang gánh hàng trên phố. Bà chỉ một hồi, chúng tôi cám ơn và đi. Không ngờ, đi được một đoạn, bà cụ đuổi theo và gọi lại. Dừng lại chờ bà cụ thì hóa ra, chúng tôi đã đi vượt qua đoạn đường bà chỉ mà không rẽ. Không chỉ nổi tiếng với những di sản thế giới: phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, cù lao chàm . Tình người của mảnh đất phố Hội mới chính là một “đặc sản” du lịch để Hội An khác với bất kỳ vùng đất nào khác. Động lực nào? Để có được những giá trị hữu hình (di sản) và giá trị vô hình (tình cảm con người) và nâng tầm thành “đặc sản” du lịch đòi hỏi sự tham gia chủ động và tích cực của người dân địa phương. Vấn đề là động lực nào để người dân tích cực trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo tồn giá trị di sản. Câu trả lời nằm ở lợi ích mà họ nhận được nhờ việc phát huy giá trị di sản được bảo tồn thông qua phát triển du lịch. Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: “Cộng đồng dân cư là đối tượng hưởng lợi lớn từ du lịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ du lịch, hầy hết mọi người dân đều có thể tham gia lao động gián tiếp phục vụ cho hoạt động này. Cũng con cá, mớ rau, chiếc khăn, tấm áo… sản xuất hằng ngày nhưng giá trị của chúng tăng lên cùng với sự phát triển của du lịch. Bên cạnh lợi ích vật chất, người dân còn được hưởng lợi bởi đời sống văn hóa tinh thần phong phú hơn nhờ các sự kiện văn hóa- du lịch, các Lễ hội dân gian diễn ra thường xuyên và chính người dân là chủ nhân của các lễ hội trên”. Không phải mô hình của Hội An có thể áp dụng cho tất cả các địa phương làm du lịch trong cả nước. Nhưng rõ ràng, Hội An đang là điểm sáng để các địa phương học cách làm du lịch. Đó là cơ chế chính sách của cấp chính quyền, sự sáng tạo của địa phương, sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư./. Bài&ảnh: Hồng Hà |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét