Việt Nam hiện có 17 Di sản Thế giới: cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, cùng nhiều Di sản Quốc gia v.V… nhưng, việc quản lý và phát huy giá trị những di sản này đang là thách thức lớn.
Bằng chứng là chúng ta từng phải giải trình trước UNESCO tình trạng bảo tồn Di sản Thế giới, như xây dựng các công trình giao thông, nhà ở hiện đại có thể tác động tiêu cực đến cố đô Huế. Đó là lý do để Bộ VH,TT&DL và tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa đối với phát triển du lịch ” tại Hội An (Quảng Nam) ngày 22/6, với sự tham gia của đại diện nhiều Di sản Thế giới, các nhà quản lý, nghiên cứu v.V… Các đại biểu đều chung lo ngại trước tình trạng ăn xổi ở thì, xâm phạm, lạm dụng xây dựng công trình mới ở Di sản, chém chặt, chèo kéo du khách khiến không chỉ du khách “một đi không trở lại”, mà nhiều người còn e ngại trước giá trị to lớn của Di sản. Phong Nha – Kẻ Bàng đang bị biến dạng vì những mục đích thương mại. Trên vịnh Hạ Long, nhiều nhà hàng nổi ngày đêm xả rác, còn các khách sạn thì trút nước thải xuống biển. Cồng chiêng Tây Nguyên đang bị tước khỏi ý nghĩa nguyên bản và không gian văn hóa linh thiêng, trở thành vật buôn bán trao đổi, tái chế phục vụ các mục đích khác.
Tiêu cực trong lễ hội ngày càng biến tướng tinh vi: Trong khi nhiều di sản khác còn đang lúng túng tìm giải pháp quản lý phù hợp để tránh bị phá hỏng, thì nhiều năm liền, Hội An đã được Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á, cũng là nơi Bộ VH,TT&DL đánh giá cao về công tác quản lý Di sản. Vì thế, kinh nghiệm của Hội An đã gây được sự chú ý. Ths. Lê Thị An Hòa chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ cố đô Huế: Quy hoạch không gian phù hợp; quản lý “sức chứa” phù hợp với khả năng chịu tải của di tích; quy định cụ thể tỉ lệ đóng góp kinh phí cho bảo tồn di sản từ thu nhập du lịch; chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ hoạt động du lịch. Đại diện BQL vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, các nhà quản lý, nghiên cứu v.V… cũng có nhiều ý kiến trao đổi, với mong muốn sớm có biện pháp thống nhất, tích cực để các Di sản Thế giới đảm bảo được các giá trị, trở thành những tài nguyên du lịch đặc biệt, tương xứng với danh hiệu được trao. Mỗi di sản cần có những biện pháp phù hợp, nhưng về cơ bản, cần phải dựa vào cộng đồng; bảo tồn tối đa tính nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, nhưng đáp ứng tối ưu nhu cầu dân sinh của người dân, vừa phát huy giá trị di sản, vừa nâng cao đời sống người dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm với lợi ích mang lại từ khai thác di sản |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét