Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào thắm tình hữu nghị

Sau năm năm triển khai thực hiện "Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào", đến nay, công tác cắm mốc quốc giới đã hoàn thành trên thực địa. 793 vị trí mốc tương ứng 835 cột mốc trải dài trên 2.067 km đường biên giới Việt Nam-Lào là một minh chứng cho bước tiến mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào. Sự kiện trọng đại này rộng mở thêm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa,  du lịch  và an ninh - quốc phòng; tăng cường giao lưu hữu nghị cho các địa phương và nhân dân hai bên biên giới.

 

Xác định công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngay sau khi Chính phủ hai nước thống nhất quyết định cùng phối hợp xây dựng và thực hiện Dự án, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này; đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP mười tỉnh biên giới Việt Nam-Lào (từ Điện Biên đến Kon Tum) chủ động tham mưu cho UBND các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Dự án trên thực địa. BĐBP đã điều động 165 cán bộ chỉ huy, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và sức khỏe tham gia Ban chỉ đạo, chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo cắm mốc của các địa phương và 13 Đội liên hiệp cắm mốc của Việt Nam. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo các đơn vị biên phòng đứng chân trên biên giới tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp đỡ, phục vụ các Đội cắm mốc, đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào tại mười tỉnh (từ Phong Xa Lỳ đến Át-ta-pư) xây dựng các kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các Đội liên hiệp cắm mốc và các doanh nghiệp thi công xây dựng mốc quốc giới.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Dự án, căn cứ vào Bảng thống kê tọa độ các mốc dự kiến tăng dày và tôn tạo đã được hai bên thỏa thuận, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng xung kích băng rừng, trèo đèo, lội suối đánh dấu tìm đường lên khu vực dự kiến cắm mốc để chủ động trước khi làm công tác bảo vệ dẫn đường cho các đội cắm mốc khảo sát xác định vị trí mốc trên thực địa. Đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình của hàng nghìn người dân các dân tộc trong vùng biên giới hai nước tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đều hết lòng ủng hộ và giúp đỡ các lực lượng cắm mốc của hai nước hoàn thành nhiệm vụ. Họ trực tiếp tham gia các công việc nặng nhọc nhất của công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa như: mở đường công vụ; thồ, gùi hàng hóa, lương thực, thực phẩm; vận chuyển máy móc, phương tiện kỹ thuật, vật liệu thi công xây dựng mốc.

Sự nỗ lực vượt khó của các lực lượng cắm mốc càng đáng trân trọng và ghi nhận khi địa hình khu vực biên giới Việt Nam - Lào là một dải núi rừng trùng điệp, hiểm trở và rất phức tạp, sông, suối chia cắt, giao thông chưa có, đường tuần tra đang triển khai xây dựng nên rất khó triển khai phương tiện, trang bị kỹ thuật và huy động nhân lực. Đường biên giới đi theo các dạng địa hình rất phức tạp, trừ các đoạn biên giới đi theo sông, suối biên giới và 21 đoạn với 190 km đường biên giới kẻ thẳng, còn lại đều đi trên các sống núi và triền núi cao của các dãy Phu Xam Xấu và Trường Sơn (qua 319 ngọn núi cao hơn 1.000 m, trong đó có 18 ngọn núi cao hơn 2.000 m, cao nhất là ngọn Phu Sai Lai Leng cao tới 2.711 m, còn lại đều có độ cao hơn 300 m so với mặt nước biển), đa phần là rừng sâu, khí hậu khắc nghiệt. Đối với những vị trí mốc trên đỉnh núi cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, các lực lượng cắm mốc phải trèo đèo lội suối từ sáu đến bảy ngày. Nhiều vị trí mốc, Đội cắm mốc phải mở hàng chục km đường công vụ để chuyển vật liệu và cột mốc vào thi công. Nguyên vật liệu xây dựng mốc không có tại chỗ phải vận chuyển nhiều chặng cách đó hàng chục km đường rừng núi. Công việc này luôn phải chạy đua với thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Có những vị trí mốc như Mốc 536 (biên giới Quảng Bình - Khăm Muôn), Mốc 705 (biên giới Quảng Nam - Xê Kông), các Đội cắm mốc đã phải sử dụng phương án mở đường, vượt rừng bên nước bạn Lào để khảo sát vị trí và tổ chức thi công, do địa hình bên phía Việt Nam có nhiều vách đá dựng đứng không thể vận chuyển vật liệu và cột mốc đến địa điểm xây dựng bằng sức người. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, công nhân tác nghiệp trên biên giới mỗi bước chân luôn phải đối mặt với thời tiết rất khắc nghiệt, mưa bão, lũ ống, dịch bệnh, thú dữ... Đó là còn chưa kể đến hàng tấn bom, mìn, vật cản do chiến tranh để lại đe dọa trực tiếp tính mạng các lực lượng tham gia cắm mốc. Đặc biệt, tại một số khu vực biên giới cả bên nước ta và bên Lào tình hình an ninh, trật tự phức tạp, các Đội cắm mốc của nước ta và Lào còn bị bọn phản động, phỉ, tội phạm kích động các phần tử xấu cản trở công tác cắm mốc. Ban chỉ đạo cắm mốc tại các địa phương có chung đường biên giới đã kịp thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của hai nước xây dựng các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các Đội cắm mốc, các đơn vị thi công xây dựng mốc và Đoàn chuyên viên liên hiệp kiểm tra thực địa; đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến người dân biên giới về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế biên giới Quốc gia...

Thực tế cho thấy, cột mốc nào ở vị trí thuận lợi cũng phải mất một tháng mới xong, còn hiểm trở phải mất từ hai đến ba tháng. Khó khăn, vất vả không thể kể xiết, nhưng các thành viên của Đội cắm mốc đều ý thức được trách nhiệm cao cả, thiêng liêng đối với dân tộc và Tổ quốc mình. Bởi vậy, mỗi một cột mốc quốc giới được khánh thành là thành quả của cả một quá trình lao động, phấn đấu hết sức khó khăn, gian khổ, không chỉ "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", mà đôi khi máu của các lực lượng tham gia cắm mốc đã phải đổ để mốc quốc giới Việt Nam - Lào hiên ngang, trường tồn. Các chiến sĩ biên phòng Việt Nam và Lào lại ký kết thỏa thuận tuần tra song phương bảo vệ đường biên, mốc giới mới xây dựng, bảo vệ cuộc sống bình yên cho các dân tộc hai bên biên giới Việt Nam - Lào.

Đến thời điểm này, các lực lượng tham gia cắm mốc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và khí tài chuyên dụng. Nhân dịp này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP biểu dương những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị biên phòng góp phần cùng các lực lượng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa; cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác chí tình của các lực lượng bảo vệ biên giới Lào luôn kịp thời phối hợp với BĐBP Việt Nam xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện, bền vững lâu dài. Cán bộ và chiến sĩ BĐBP ghi nhận và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới giúp các lực lượng cắm mốc hoàn thành nhiệm vụ.

Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, giữa hai nước Việt Nam và Lào sẽ có một hệ thống mốc quốc giới hiện đại, khang trang và bền vững; đường biên giới giữa hai nước sẽ trở nên rõ ràng, dễ nhận biết, tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của mỗi nước, giữ vững an ninh, trật tự biên giới; góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân của mỗi nước, củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

 

Thiếu tướng TRẦN ĐÌNH DŨNG
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng

Không có nhận xét nào: