Trên con đường di sản miền Trung, có một địa danh mà du khách trong và người nước đều muốn đặt chân đến, thậm chí trở lại, đó là Hội An. Phố cổ Hội An – Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999) luôn là điểm dừng chân hấp dẫn nhất miền Trung.
![]() 1. Tôi đã đến Hội An 3 lần, mỗi lần là một cảm giác: hồi hộp có, thích thú có và tiếc nuối cũng có.
Đã nghe kể về đêm rằm phố cổ, nhưng khi trực tiếp dạo bước đường Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai…, sống với không gian phố đêm mới thấy người phố Hội đã rất khôn khéo để tạo nên điểm nhấn trong di sản sống của mình. Đã thành lệ, tháng nào cũng thế, cứ đến ngày này điện đóm tắt hết. Các gia đình thắp đèn dầu hoặc nến. Không gian u tịch. Những mâm cỗ cúng rằm với hoa trái, cháo gạo, bỏng nếp… được người dân bày biện trước cửa nhà. Những nén hương trầm thắp lên, ngào ngạt quyện trong không gian phố cổ khiến người ta có cảm giác rất gần gụi, ấm cúng. Tất cả là thật, là thành tâm chứ không phải là sắp đặt hay bối cảnh một phim trường. Đi chưa đủ độ mỏi chân, du khách có thể dừng lại ở góc đường để hòa mình vào những trò chơi dân gian như hát Bài chòi, bịt mắt đập niêu, đánh cờ làng, đẩy gậy… Rồi xa xa, văng vẳng âm thanh không lẫn vào đâu được của những con tò he đất mang hồn cốt cư dân phố cổ. Nếu muốn thưởng thức ẩm thực đậm chất Hội An, du khách có thể dừng chân trong ngõ nhỏ ăn cao lầu, mì Quảng, ăn bánh đập, tào phớ, hoặc ngồi ngay góc đường Trần Phú uống cốc chè sen của bà Bảy. Ở phố Hội, không phải ai cũng có thể được ngồi ngay vỉa hè bán hàng. Chỉ những người bán lâu năm một mặt hàng duy nhất và có uy tín mới được bày hàng phục vụ khách nơi góc phố lề đường. Nhưng có lẽ, ấn tượng đọng lại với du khách, khiến đa số muốn quay trở lại Hội An, đó là tình người nơi này. Ấm áp, chân thành, hồn hậu, cởi mở. Trong dịp Festival du lịch Quảng Nam lần thứ 5 vừa qua, tôi đã chứng kiến nhiều điều ít gặp ở những miền di sản khác. Đó là một Hội An không "chặt chém”. Một Hội An tin du khách như tin người thân của mình. Bạn có thể thuê xe đạp, xe máy mà không cần để lại giấy tờ, tiền có thể thanh toán sau và giá cả thì khó gặp ở những điểm du lịch khác (25.000đ/xe đạp/ngày), 80.000đ/xe máy/ngày). Nhưng vẫn chưa hết. Nhiều gia đình ở phố Hội còn treo biển "WC”, "toilet” để sẵn sàng mời du khách đi vệ sinh, mà không thu bất cứ một đồng phí nào. Có được điều ấy, tất nhiên không thể bỏ qua vai trò của các cấp chính quyền ở Hội An… ![]() Quán ăn vỉa hè ở Hội An 2. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Hội An được chọn để làm nơi tổ chức một cuộc hội thảo về phát huy giá trị di sản văn hóa đối với phát triển du lịch. Trong đó, "kinh nghiệm từ Hội An” được nhấn mạnh, như là một bài học để các địa phương có di sản cần học hỏi. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nhận xét: Trong chuỗi di sản văn hóa tại Việt Nam, phố cổ Hội An nổi lên là điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Du lịch đã đem lại doanh thu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội An tôn trọng và nghiêm túc thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị sinh thái, bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng bậc nhất của phát triển du lịch - Trưởng Phòng Thương mại, du lịch UBND TP. Hội An Đinh Thị Thu Thủy cho biết. Với hướng phát triển du lịch bền vững trên nền tảng gắn kết văn hóa và sinh thái, tập trung vào công tác bảo tồn, hình thành lực lượng quản lý trực tiếp di sản, tạo nhận thức cho nhân dân về bảo tồn di sản văn hóa là sự sống còn của sự phát triển bền vững. Đặc biệt, thu hút nguồn lực to lớn từ cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế để xây dựng và phát triển mạng lưới. Hội An giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo tồn di tích với lợi ích mang lại từ việc khai thác, phát huy giá trị và phải xem bảo tồn khu phố cổ Hội An là trọng trách của từng chủ di tích, của các cấp chính quyền và nhân dân Hội An. Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) nhấn mạnh: Hội An là nơi đi đầu trong lập quy hoạch phát triển du lịch và điều đó đã giúp thành phố bước đầu quản lý tốt hoạt động phát triển du lịch, từ xây dựng các công trình dịch vụ, đến phát triển các sản phẩm du lịch; tổ chức xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh các hình thức du lịch gắn với bảo tồn và phát triển cộng đồng… ![]() Chùa Cầu hắt bóng xuống dòng sông Hoài lung linh, huyền ảo 3. Tháng 6-2013, tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler (Mỹ) đã công bố kết quả bình chọn các điểm đến nổi tiếng thế giới năm 2012 và phố cổ Hội An là một trong 10 thành phố du lịch tốt nhất Châu Á do độc giả bình chọn. Sau 14 năm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, dù có đổi thay nhưng phố cổ Hội An vẫn còn rất nhiều nét quyến rũ du khách. &Quot;Người phố Hội phải bán cái không gian tĩnh lặng mà sống” - ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP. Hội An đã nói với tôi như thế. Đó là điều không thể khác. Và đó cũng chính là điều làm nên một sự riêng biệt đối với Hội An, để nơi này không lẫn vào đâu trong tất cả các di sản thế giới đã được phong tặng. Hoàng Thu Phố |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét