Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Đậm nét văn hóa người Thái trên đất Nghệ


 Truyền thuyết xưa 
Lễ hội Hang Bua được bắt đầu bằng những nghi lễ mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Thái gồm lễ yết tế, lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản lập mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại Đền Chiềng Ngam (Đền Tạ Bọ) trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội.
 Múa truyền thống trong dịp tế lễ của người Thái, Nghệ An 

Đền Chiềng Ngam những ngày này đông đúc người dân bản đến thắp hương. Đây là nơi thờ thần núi, những người có công khai bản lập mường, những linh hồn người chết trận và hai anh em Cầm Lư, Cầm Lạn là người có công dẫn dắt người Thái đến vùng đất Chiềng Ngam định cư. Không có cảnh chen lấn xô đẩy, không hương vàng đốt mã mù mịt như những lễ hội dưới xuôi, đền Chiềng Ngam nằm yên bình bên gốc thị già, người dân bản rải rác đến cúng thần linh.
Phần tâm linh, tín ngưỡng và linh hồn của lễ hội Hang Bua là ở những nghi thức tế lễ tại đền: với vò rượu cần, mâm cơm… cầu xin thần linh, các vị thành hoàng làng che chở, phù hộ cho người dân.
 Đền Mường Chiềng Ngam, Quỳ Châu, Nghệ an 

Cụ bà Lữ Thị Đông năm nay đã 95 tuổi, mặc bộ trang phục truyền thống của người Thái đi thăm đền: “Thắp hương cầu cho mạnh khỏe, cầu con cháu được no ấm, giỏi giang. Nhà cụ ở ngay dưới chân đồi, năm nào cụ cũng đi bộ lên đền vào dịp lễ hội. Nhưng năm nay già rồi, chỉ đi lễ, không đi chơi hội, hội Hang Bua để con cháu đi thôi”.
 Múa hát chào mừng lễ hội Hang Bua, Quỳ Châu, Nghệ An 

Sau khi thắp hương, cụ ngồi đợi các bà bạn, chậm rãi kể lại những truyền thuyết về lễ hội Hang Bua, về nơi cụ đã sinh sống ngót thế kỷ. Truyền thuyết về Hang Bua bỗng trở nên sinh động trong lời kể đứt đoạn, khàn đục của cụ già 95 tuổi, đôi mắt hướng về đền Chiềng Ngam, và bàn tay với cái cối giã trầu bé xíu.
Chuyện kể lại rằng: trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang, v.V… Trong hang còn có giếng tiên, và lớp nhũ đá ướt đẫm, dáng vẻ mềm mại như biểu hiện cho dòng chảy bền bỉ của thời gian bao nhiêu năm qua.
Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thăm Ồm và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo… Đặc biệt, những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ.
 Đông đảo người dân về đi xem hội 

Chuyện kể về Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…
Thuở đó, trong vùng có người con gái một phìa bản giàu có tên gọi là Nàng Ni. Nàng Ni đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên để nghe. Bao nhiêu trai bản con nhà giàu có đem lòng yêu nàng, nhưng nào chỉ yêu chàng trai nghèo mạnh khỏe, hiền lành nơi cuối bản.
Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi mà không thể trở về. Nàng Ni ở nhà đợi không thấy người yêu quay trở lại, bèn quyết đi vào hang sâu để tìm chàng. Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng.
Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua. Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni …)
Hằng năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước.
 Múa khắc luống và nhảy sạp tại lễ hội 

Ngược dòng lịch sử, mùa xuân 1937 trong chuyến kinh lý Nghệ An, Bảo Đại – ông vua cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam đã cùng với Nam Phương Hoàng hậu và đoàn tùy tùng dừng chân ghé lại Thẳm Bua vào dịp lễ hội, để cùng tham dự một hội lễ với đầy đủ những sắc màu văn hóa mang đậm những yếu tố tâm linh và những huyền thoại về vùng đất, con người miền Tây hào phóng mến khách...
 Lễ hội nay 
Một thời gian dài hội hang Bua không được tổ chức. Sau khi hang Bua được công nhận là danh thắng quốc gia, bắt đầu từ năm 1997, lễ hội hang Bua được phục hồi và duy trì cho đến ngày nay. Vào các ngày từ 20-23 tháng giêng ÂL hàng năm, hang Bua lại tưng bừng vào hội.
 Những cô gái Thái trong trang phục truyền thống 

Ông La Ngọc Duy (52 tuổi) từ xã Mường Nọc, Quế Phong giáp biên giới Lào bắt xe đò xuống xem hội: “Ta đi chơi hội Hang Bua 3 năm rồi, năm nay còn mang theo cả nỏ, cả sáo để bán, cả con gà trống nữa, gà mang đi chọi, chọi xong ai mua thì bán”.

 “Mang gà xuống xem hội, ai mua cũng bán” 

 Mang sợi dệt đem bán ở lễ hội Hang Bua 

Hội hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước, như: chơi hang, ném còn, khắc luống, chơi tọ lẹ, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp, thi bắn nỏ, thi hát các làn điệu dân ca: nhuôn, xuối, lăm, khắp; thi người đẹp hang Bua, biểu diễn trang phục truyền thống, thi uống rượu cần.
 Thi ẩm thực văn hóa Thái và các thiếu nữ Thái cũng tham gia thi bắn nỏ 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, lễ hội hang Bua được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và có nhiều nét mới trong tổ chức cũng như trong các hoạt động, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, đáp ửng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách gần xa.
Nhiều trò chơi mới được đưa vào hội, như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co, đu quay; chiếu phim; thi văn hóa ẩm thực; thi dệt thổ cẩm; thi cắm trại; thi viết chữ Thái; thi văn hóa rượu cần; tham quan các di tích lịch sử văn hóa trong vùng như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa (Quỳ Châu) hay thác Xao Va, và cụm thác Tạt Oọc Ái, Tạt Bái của huyện bạn Quế Phong …
Việc đưa nội dung thi thêu dệt, xe sợi… vào hoạt động của lễ hội cũng là quảng bá, giới thiệu với du khách về nghề truyền thống của Quỳ Châu, Nghệ An.
 Hồ Hà 


Không có nhận xét nào: