Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Tình trạng bát nháo ở các lễ hội: Vì đâu ? - Kinh tế Nông thôn -

 Với gần 8.000 lễ hội, nước ta đang sở hữu một khối di sản phi vật thể đồ sộ, vừa mang giá trị lịch sử, văn hóa, vừa là nguồn tài nguyên cho ngành du lịch. Tuy nhiên, cùng với sự phai nhạt của những nét đẹp và giá trị nhân văn, các lễ hội ngày càng bát nháo với vô vàn những bất cập nảy sinh.

 
 Muôn vàn  bất cập

 
Những yếu kém trong tổ chức lễ hội được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Một là, tình trạng quá tải. Tại nhiều lễ hội, lượng du khách lên đến hàng triệu lượt người mỗi mùa. Điển hình như năm 2013, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách; Yên Tử đón 2,3 triệu lượt khách; Đền Hùng khoảng 3 triệu lượt khách. Những lễ hội khác có lượng khách cũng rất lớn như: hội Lim (Bắc Ninh), lễ khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), lễ hội Làng Sen (Nghệ An), lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng), lễ hội Bà chúa Xứ (An Giang)… Khả năng cung ứng các mặt của các lễ hội không đáp ứng nổi nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông, tự nâng giá dịch vụ, nạn trộm cắp…

Hai là, tình trạng đơn điệu hóa các lễ hội đang ngày càng phổ biến.   Nhiều địa phương thi nhau làm lễ hội, nơi nào cũng muốn lễ hội của mình hoành tráng, thu hút được nhiều khách thập phương, trong khi họ không có đủ tầm, đủ khả năng và kiến thức để tổ chức, dẫn đến chương trình lễ hội tẻ nhạt.

Một lễ hội thường bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mỗi lễ hội đáng lẽ phải có nét riêng để thu hút khách thập phương nhưng ngày nay, dù chủ đề của mỗi lễ hội khác nhau nhưng nội dung lại na ná giống nhau. Không chỉ hội làng mà ngay cả các lễ hội lớn như Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính, Cổ Loa, hội Lim… cũng thường ­­­­­bắt đầu bằng lễ rước với những màn múa rồng, sư tử,... Sau đó là nghi thức khai hội đã được sân khấu hóa, với những lời phát biểu của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo địa phương, tiếp đến là chương trình biểu diễn nghệ thuật thường do một đoàn nghệ thuật biểu diễn.

Ba là, tình trạng thương mại hóa lễ hội. Ở lễ hội nào cũng đầy ắp hàng quán. Người ta đã và đang lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính khi tự nâng giá, bắt chẹt người đi trẩy hội, kinh doanh những mặt hàng gây phản cảm tại lễ hội (như bán thịt thú rừng tại lễ hội chùa Hương).

 Vấn nạn  rải tiền lẻ

 
Tình trạng người đi lễ hội rải tiền lẻ lên các bàn thờ thánh, thần, Phật là vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có hẳn một văn bản quy định cấm đổi tiền lẻ ở khuôn viên các di tích nhưng tại mùa lễ hội năm 2014, tham quan các lễ hội, chúng tôi thấy hầu như đến khu vực đền chùa nào cũng có dịch vụ đổi tiền lẻ. Đơn cử như ở chùa Hương, chỉ riêng khu vực Đền Trình, chúng tôi đã đếm được hơn 40 quầy đổi tiền lẻ; trước chùa Thiên Trù có gần 30 quầy và trước cửa động Hương Tích cũng như vậy. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ở mùa lễ hội năm trước, có tới 1.200 bao tiền lẻ, loại tiền mệnh giá thấp 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng… (tương đương với 20 tỷ đồng) được đưa từ khu vực Hương Sơn về các ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra là, thay vì cúng tiền lẻ rải ra nhiều ban thờ, tại sao du khách không dồn vào một lần dâng bằng tờ bạc có mệnh giá lớn hơn cho vào một hòm công đức duy nhất? Những người đi lễ giải thích rằng: nếu đặt tiền ở ban thờ của ngài này, không cúng tiền cho ngài khác thì e rằng ngài khác sẽ ghét và quở phạt mình. Bởi vậy, đã cúng thì phải cúng cho đủ hết các chư vị thánh, thần. Dường như nắm bắt được tâm lý này nên ở các phủ, đền, chùa, người ta lập ra ngày càng nhiều ban thờ. Mỗi ban thờ đặt một hòm công đức. Một hình ảnh hết sức phản cảm là, người ta dựng rất nhiều thùng kính trong suốt, đặt pho tượng vào bên trong, các “vị” tượng luôn bị ngập trong tiền.

Mặc dù báo chí đã phê phán rất nhiều, ngành chức năng đã có văn bản, chỉ thị ngăn cấm, nhiều ban tổ chức lễ hội cũng đã hứa hẹn chấn chỉnh nhưng nạn rải tiền lẻ vẫn tiếp diễn­. Rõ ràng, việc tuyên truyền cho người trẩy hội để làm thay đổi hành vi phản cảm này chỉ là giải pháp ở phần ngọn, chưa đụng đến gốc rễ của vấn đề. Bấy lâu nay, người ta cứ đổ cho hành vi rải tiền lẻ xuất phát từ ý thức kém của người đi lễ nhưng nếu như không có việc xuất hiện ngày càng nhiều các hòm công đức ở khắp nơi trong khuôn viên di tích thì có lẽ việc dâng tiền giọt dầu lên ban thờ Phật sẽ không trở thành một vấn nạn, một hình ảnh phản văn hóa như hiện nay.

Rõ ràng, muốn bài trừ những hình ảnh phản cảm tại các lễ hội thì giải pháp tốt nhất cần làm là thay đổi hành vi của chính những người có trách nhiệm quản lý ở các cơ sở tín ngưỡng, những người tổ chức lễ hội chứ không phải chỉ ở các văn bản, nghị định mang tính thủ tục, hành chính.

 Chu   Khôi 

Không có nhận xét nào: