Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch

   

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng, TT-Huế đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển DL 3 địa phương. Nội dung ký kết gồm: hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển DL địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm DL; hợp tác quảng bá, xúc tiến DL và hợp tác phát triển nhân lực DL.

QUY HOẠCH TRÁNH SỰ TRÙNG LẮP

Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương liên kết phát triển du lịch 3 địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng và TT-Huế đã được đặt ra rất lâu nhưng đến năm 2006, 3 địa phương này mới thống nhất ký kết biên bản về liên kết hợp tác.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt làm được, hợp tác liên kết 3 địa phương hiện vẫn có một số hạn chế, khó khăn, nhiều nội dung hợp tác liên kết chưa thực hiện được như: quy hoạch, xây dựng sản phẩm DL và tour DL 3 địa phương; chưa tạo sự liên kết hợp tác giữa các Hiệp Hội DL và các doanh nghiệp DL của 3 địa phương; chưa tạo được thương hiệu DL vùng...; Một số nội dung hợp tác liên kết còn rời rạc, quy mô không lớn.

Để xảy ra những khó khăn trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là việc liên kết hợp tác DL chỉ dừng lại ở cấp Sở VH-TT& DL của 3 địa phương. Chính vì vậy, lần này, Tổng cục DL tổ chức phiên họp cao cấp 3 tỉnh, thành về liên kết hợp tác phát triển DL với mục đích góp phần giải quyết các hạn chế, khó khăn trong thời gian qua.

Thảo luận tại phiên họp, ông Nguyễn Quốc Thành - Chủ tịch Hiệp hội DL TT-Huế cho rằng, để xây dựng được thương hiệu “3 địa phương- 1 điểm đến”, sắp tới, ngành DL của mỗi địa phương cần phải xác định rõ, thế mạnh DL của từng vùng. Ông Thành phân tích, du khách đến Quảng Nam, Đà Nẵng hay TT-Huế đều có biển. Tuy nhiên, phải biết tận dụng thế mạnh biển của từng vùng, quy hoạch tránh sự trùng lắp.

Ví dụ, nếu ở Cù lao Chàm (Quảng Nam) tổ chức mô hình lặn biển thì ở Sơn Trà (Đà Nẵng) nên khai thác các trò chơi trên mặt biển còn ở Lăng Cô (TT–Huế) nên tổ chức tắm biển. Tương tự, DL núi, ở Đà Nẵng có Bà Nà, ở Huế có Bạch Mã... Thì mỗi nơi phải xây dựng những sản phẩm đặc trưng, tránh sự trùng lắp.

Có ý kiến cho rằng, nếu ở Đà Nẵng tổ chức pháo hoa thì tất nhiên ở Quảng Nam và Huế sẽ có khách. Ngược lại nếu Festival Di sản Quảng Nam diễn ra thì ở Đà Nẵng sẽ có khách và Festival TP Huế diễn ra thì Đà Nẵng cũng sẽ đón một lượng khách nhất định... Vì vậy, mỗi địa phương cần phải “chi tiết hóa” sự kiện, không nên tổ chức các sự kiện trong cùng thời điểm.

 Gian hàng 3 địa phương- 1 điểm đến tại Hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 2013. 

MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI “HÚT” KHÁCH

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định, việc thông qua sự hợp tác liên kết phát triển DL vùng là giải pháp quan trọng sẽ giúp Đà Nẵng nói riêng và 3 địa phương nói chung có khả năng phát triển và cạnh tranh mang tính bền vững trong tương lai.

Chủ tịch Hiệp hội DL TP Đà Nẵng cho biết, tháng 7-2014, Vietnam Airlines sẽ mở đường bay Đà Nẵng đi TP Narita (Nhật Bản), dự kiến 1 tuần có 4 chuyến. Ngoài ra, vào thời điểm trên, mỗi tuần sẽ có 3 chuyến bay Đà Nẵng – Hồng Kông. Như vậy, với việc mở các đường bay mới, chắc chắn du khách sẽ đến Đà Nẵng nhiều hơn. Và, tất nhiên, khi đến Đà Nẵng, du khách không bỏ qua Huế cũng như Hội An.

Tổng cục trưởng Tổng cục DL Nguyễn Văn Tuấn nói, việc liên kết DL của 3 địa phương mà trong đó, DL Đà Nẵng là rất đột phá. Đà Nẵng đã rất thành công trong phát triển DL như: đầu tư hạ tầng, đầu tư sản phẩm, cơ sở lưu trú và dịch vụ; đặc biệt thành công trong quy hoạch điểm đến...

“Mô hình hợp tác liên kết phát triển DL giữa TT-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được cụ thể hóa sẽ là một trong những ví dụ tốt về mô hình quản lý điểm đến liên tỉnh, hướng tới hiệu quả cao và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững”, Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.

  Hải Lan  


Không có nhận xét nào: