Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Chuyện về “rượu cũ” và những “chiếc bình” mới tại Lễ hội chùa Hương 2014


Năm nay, Ban Quản lý và tổ chức Lễ hội – Du lịch chùa Hương đã đưa ra nhiều quy định mới với mục tiêu mang tới một mùa Lễ hội “An toàn, văn minh, lịch sự đạt hiệu quả cao”. Những quy định mới này bước đầu đã mang tới nhiều điểm sáng cho Lễ hội chùa Hương 2014. Vậy nhưng, bên trong những “chiếc bình” mới vẫn còn khá nhiều “rượu cũ”…
 Tuy đã cất biển quảng cáo thịt thú rừng nhưng các nhà hàng vẫn treo các con thú giết thịt rất phản cảm. Ảnh T.G 
 Thịt thú rừng: Cất biển nhưng vẫn ngầm quảng cáo  

Tình trạng xẻ thịt thú rừng, treo bán la liệt trong khuôn viên chùa Hương đã diễn ra trong nhiều mùa Lễ hội, gây phản cảm cho không khí linh thiêng, bình yên nơi cửa Phật. Thậm chí, những năm trước, các nhà hàng, quán ăn còn ngang nhiên “lừa” du khách bằng các tấm biển quảng cáo “thịt thú rừng chính hiệu” để dễ bề “chặt chém”. Để ngăn chặn tình trạng trên, năm nay, Ban Quản lý và tổ chức đã đưa ra quy định cấm các chủ hộ kinh doanh hàng ăn uống không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện đúng quy định đặt ra, tới chùa Hương năm nay, du khách hẳn sẽ nhận ra một chút sự thay đổi khi không còn những dãy biển quảng cáo bán “thịt thú rừng” phản cảm như mọi năm nữa. Tuy nhiên, ngoài việc không treo biển ra thì hoạt động bày bán, giới thiệu các loại thịt động vật quý hiếm vẫn không khác nhiều so với các năm trước. Những hình ảnh phản cảm như đầu, chân, đuôi của các con vật treo lủng lẳng trong tủ kính vẫn làm nhiều du khách không khỏi rùng mình.

Trong những ngày đầu khai hội chùa Hương, hàng vạn lượt du khách đã phải chứng kiến cảnh những con thú bị xả thịt, treo móc bày bán tại bến Đục. Các hàng quán ở đây thậm chí còn treo nguyên con hươu, nai đã giết thịt trong tủ kính để du khách nhìn cho... Đã mắt. Dạo một vòng quanh khu ăn uống dọc theo bến đò, hầu hết các chủ cửa hàng đều làm đúng theo quy định là không treo biển bán thịt thú rừng mà chỉ ghi là “các món đặc sản”. Tuy nhiên, thay vì đề biển treo thì nhà hàng nào cũng có một chiếc tủ kính lớn trước cửa, đập ngay vào mắt người qua lại; trong tủ đó trưng bày đủ loại động vật đã giết thịt từ nhím, cầy hương, cầy vòi, cho tới nai, hoẵng…

Khi có người hỏi thăm, các chủ nhà hàng sẽ quảng cáo “nhỏ” đây là thịt thú rừng chính hiệu, do người dân địa phương săn bắn trên núi Hương Sơn. Chỉ một vài hộ kinh doanh thật thà cho biết: “Đây là thú được nuôi tự nhiên ở khu vực quây trong rừng chứ thời buổi này lấy đâu ra động vật hoang dã nhiều thế” và bán giá mềm hơn nếu khách biết trả. Trước lời quảng cáo của các chủ nhà hàng, không ít du khách đã nhẹ dạ móc ví mua vài ba cân “thịt thú rừng” về làm quà hoặc làm mồi nhắm ngay tại quán ăn với giá không hề rẻ. Thịt nai có giá 600.000 – 700.000 đồng/cân, cầy có giá 500.000 đồng/cân, nhím có 450.000 đồng/cân, hoẵng 600.000 đồng/cân. Tùy vào từng khách mà chủ nhà hàng đưa ra giá chênh lệch từ 100.000 - 200.000 đồng.
 Lang băm tràn lan, bánh kẹo Chú Béo “lũng đoạn” 
 “Thương hiệu” bánh kẹo Chú Béo “lũng đoạn” một khu vực chùa Hương. Ảnh T.G 

Ngay từ những bậc thang đầu tiên lên chùa Hương Tích, hai bên đường đều bày bán la liệt các mặt hàng phục vụ lễ hội: đồ lưu niệm, bánh kẹo “đặc sản”, thuốc Nam, thuốc Bắc... Đặc biệt trong số đó là sự “lũng đoạn” của thương hiệu bánh kẹo củ mài Chú Béo. Từ cổng soát vé Thiên Trù đến khu vực cáp treo, đứng ở đâu du khách cũng bị “tra tấn” bới tiếng loa đài oang oang quảng cáo của các cửa hàng bánh kẹo này. Đoạn đường này chỉ khoảng 1km nhưng có đến hơn chục các gian hàng bánh kẹo “thương hiệu” Chú Béo san sát nhau; gian nào cũng có một nam thanh niên một tay cầm micro, một tay cầm miếng bánh, nhoài người ra phía trước và mời mọc du khách.

Trên thực tế, nếu quan sát kỹ, du khách sẽ nhận thấy các gian hàng sử dụng loa đài quảng cáo về bánh kẹo làm từ “đặc sản củ mài” không giống nhau; ngoài “thương hiệu” Chú Béo còn có “thương hiệu” Anh Béo; các sản phẩm tại các gian hàng này đều na ná nhau, chỉ khác nhãn mác bên ngoài, loại thì Thành Béo, loại thì Thân Béo…; giá bán cũng không giống nhau. Chị Nguyễn Thị Thu (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội), một du khách mắc lừa “thương hiệu” bánh kẹo này bức xúc: “Tôi mua một gói bánh củ mài trên gian hàng gần cáp treo với gia 35.000 đồng nhưng khi xuống một hàng phía dưới này hỏi thì chỉ có giá 15.000 đồng. Thắc mắc thì nhân viên tại cửa hàng này giải thích, đó là công ty khác nên mức giá chênh lệch là đương nhiên. Đến nước này thì chẳng biết đâu là Béo thật, đâu là Béo giả nữa, chất lượng cũng không biết có đảm bảo không”.

Xen kẽ với các hàng bành kẹo Chú Béo là hàng loạt các gian hàng bày bán thuốc Nam, thuốc Bắc. Mỗi gian đều có ít nhất hai người tự xưng là thầy lang với những phương thức gia truyền có thể chữa khỏi các bệnh nan y. Các thầy lang ở đây còn bắt mạch để kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân. Những thang thuốc Nam, Bắc được các thầy lang quảng cáo là chữa bệnh rất hiệu quả đều không niêm yết giá và tùy theo khách mà hét giá. Chị Loan (Vĩnh Phúc), một du khách trẩy hội chùa Hương phản ánh: “Năm ngoái, trong mùa lễ hội chùa Hương tôi cũng bỏ ra 1 triệu đồng để mua hà thủ ô đỏ về uống. Ai ngờ khi về đổ ra sắc thì đã thấy thuốc bị nấm mốc hỏng hết tự khi nào. Nên năm nay tôi chỉ đi lễ thôi chứ không dám mua bán gì nữa”.

Về mặt hàng này, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương thừa nhận có hoạt động kinh doanh các loại thuốc Nam, thuốc Bắc và trong số này, nhiều quầy hàng không được cấp phép. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn, kiêm Phó ban thường trực tổ chức lễ hội chùa Hương cho hay: “Chỉ có một quầy thuốc Nam nằm sát ga cáp treo là được cấp phép. Còn lại hơn ba chục quầy thuốc Nam, thuốc Bắc khác không hề được cấp phép. Không những thế, các quầy thuốc này còn thuê những ông thầy lang không bằng cấp, hay còn gọi là lang băm để lòe bịp du khách”.
 “Treo thịt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”  
 Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn, kiêm Phó ban thường trực tổ chức lễ hội chùa Hương. Ảnh T.G 

Để tìm hiểu về những sự việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn, kiêm Phó ban thường trực tổ chức lễ hội chùa Hương. Lý giải về việc treo thịt các con vật gây phản cảm tại chùa, ông Thanh cho biết: “Lượng khách tới chùa Hương năm nay là rất lớn. Cụ thể, từ hôm khai hội, tức từ mồng 5 Tết âm lịch), chùa Hương đã đón tiếp khoảng 30 vạn lượt khách. Riêng ngày mồng 5 Tết Âm lịch đã có tới 4,2 vạn khách tới lễ chùa và ít nhất cũng cũng phải tiêu thụ hết 4 tấn lương thực. Trong khi đó chỉ có 311 gian hàng được BTC cấp phép hoạt động tại lễ hội. Có 32 gian hàng ăn uống, riêng tại tại khu vực Thiên Trù có 14 quán ăn, có thể đáp ứng 6 vạn thực khách mỗi ngày.

Nếu các quán hàng không treo thịt, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được đảm bảo. Đồng thời, không gian hàng quán không quá rộng nên không tránh khỏi việc hình ảnh những tảng treo lơ lửng trước cửa. Vì vậy, ban tổ chức lễ hội chùa Hương không ngăn cản các hộ kinh doanh trong khu vực buôn bán thịt động vật để phục vụ nhu cầu của hàng triệu lượt khách trẩy hội. Mà chỉ cấm bán thịt thú rừng và các loại động vật hoang dã. Hơn nữa, việc treo thịt trước cửa phật gây phản cảm cũng được Ban tổ chức nhắc nhở để hạn chế hạn chế. Cụ thể, thay vì treo những miếng thịt hay đầu, chân thú trước cửa quán, các hộ kinh doanh phải treo trong tủ kính lạnh. Đồng thời, thịt thú phải “trang trí” bằng việc treo cùng hành, tỏi, ớt... Để đỡ phản cảm”.

Về việc các nhà hàng, quán ăn vẫn mời chào du khách mua thịt thú rừng, ông Thanh cho hay: “Thật ra toàn bộ thịt thú bày bán đều có nguồn gốc rõ ràng và đều đã được kiểm tra an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng đã cấm các hộ không được treo biển bán thịt thú rừng nhưng việc người bán hàng nói với khách hàng thì chúng tôi cũng chưa kiểm soát hết được, vì vậy mấy ngày nay chúng tôi cũng đang đi tuyên truyền nhắc nhở để họ làm đúng quy định không được nói dối khách hàng. Về giá cả, chúng tôi mới chỉ niêm yết được giá của thuyền bè, còn giá các mặt hàng ăn uống thì chùng tôi vẫn chưa niêm yết được vì có quá nhiều loại. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra và bắt các chủ cửa hàng viết cam kết đảm bảo giá cả. Vì vậy chúng tôi vẫn nhắc nhở và khuyến cáo du khách phải thỏa thuận với người bán trước khi mua”.
 Thanh Hiên - Nhung Đinh 


Không có nhận xét nào: