Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Cần chấn chỉnh lộn xộn tại Đền Đức Thánh Cả



Về mặt hành chính, từ cổng vào cho đến hết Đền Đức Thánh Cả thuộc thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Khu vực ngoài cổng nơi có Đền Vĩnh Sơn và bến xe Hàm Long lại thuộc địa bàn thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra những khó khăn trong công tác quản lý, đòi hỏi sự hợp tác phối hợp giữa Hà Nội và Hà Nam, nhất là xã Hồng Quang và xã Tân Sơn.

Về phía huyện Kim Bảng, xã chủ quản Tân Sơn đã triển khai các nội dung họp của hai địa phương đến các ngành, đoàn thể, đồng thời củng cố ban quản lý di tích Đền Vĩnh Sơn, thành lập tổ công tác phục vụ việc quản lý các hoạt động tại Đền Vĩnh Sơn, Chùa Hàm Long và bến xe Hàm Long. Công việc in thẻ cho cán bộ quản lý bến xe, bảng giá dịch vụ, giá vé được niêm yết kịp thời.


Cổng Đền Đức Thánh Cả. Ảnh: Hanoimoi.Com.Vn


Các trường hợp ăn xin của địa phương được xóm trưởng đến từng gia đình nhắc nhở và gia đình cam kết quản lý không để đến khu vực diễn ra lễ hội. Công việc vệ sinh môi trường được làm hàng ngày vào 16 giờ - 17 giờ. Các hàng quán được sắp xếp đúng vị trí quy hoạch bán hàng. Xã cũng duy trì đội an ninh trật tự mỗi ngày từ 3 đến 5 người, giao nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch xã thường xuyên đến kiểm tra các hoạt động tại địa bàn lễ hội và các hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành văn hóa thông tin, công an, nội vụ, Mặt trận Tổ quốc huyện hàng ngày đều cử cán bộ kiểm tra, nắm tình hình liên quan đến hoạt động văn hóa tại Đền Vĩnh Sơn, Chùa Hàm Long.

Tuy nhiên, qua 10 ngày diễn ra lễ hội tại Đền Đức Thánh Cả, Đền Vĩnh Sơn, Chùa Hàm Long cho thấy, một số vấn đề về an ninh trật tự, thu phí, môi trường trên thực tế vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho không ít du khách đến chiêm bái. Cụ thể, vẫn có những người ăn xin ở nơi khác và của làng Vĩnh Sơn đến xin tiền khách; một số thanh niên vẫn lén lút chơi cờ bạc lừa khách (chơi trò chơi chiếc nón kỳ diệu, cua cá); vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo; nhất là phí trông giữ xe máy, ô tô mà khách phải trả trên thực tế vẫn cao hơn nhiều lần so với quy định (xe máy: 20.000 đồng, ô tô từ 60.000-80.000 đồng).

Theo phản ánh của người dân, lệ phí viết sớ cho khách vào cúng bái trong khu vực Đền thuộc thôn Hữu Vĩnh quản lý cũng là một vấn đề gây bức xúc cho du khách. Chị Hoàng Thị Nhung, thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, cho biết: “Tôi thành tâm đi lễ, thực ra cũng không căn ke gì mấy chục ngàn. Song trên loa của Ban tổ chức nói rất rõ lệ phí viết sớ, bao gồm cả giấy sớ và công viết, công lễ, chỉ vào mấy chục ngàn, vậy trên thực tế hai chị em tôi phải trả cho thầy (thầy đồ viết sớ) gần 200 nghìn đồng thầy mới chịu”.

Việc trông xe thu phí thuộc về bên Hà Nam, trong khi tiền viết sớ, cúng lễ do bên Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, con đường chính từ quốc lộ 21B dẫn vào khu vực Đền lại thuộc quản lý của cả hai bên. Đây cũng chính là con đường qua lại của các xe ben, xe tải đến lấy hàng từ nhà máy xi măng Tiên Sơn, nằm cách khu vực Đền không xa. Đã nhiều năm nay, con đường này không được bên nào đứng ra lo tu bổ. Hệ quả là, vào những hôm trời nắng, du khách nhất là những người đi xe máy, xe đạp, phải hứng chịu bụi bặm trắng cả quần áo. Còn vào những ngày trời mưa, không ít người bị bẩn hết quần áo đành phải quay về.

Mặc dù hai địa phương đã có những nỗ lực nhất định nhằm đảo bảo an toàn, an ninh trật tự cho khu vực Đền Đức Thánh Cả, song trên thực tế nhiều lộn xộn vẫn đã và đang diễn ra cho đến tận mùa lễ hội năm nay. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan đến khu vực Đền cần kiên quyết hơn nữa nhằm đưa hoạt động chiêm bái, vãn cảnh khu vực Đền đi vào nền nếp, giúp du khách thập phương có được những giây phút du lễ đầu xuân đúng nghĩa.


Hoàng Nhương


Không có nhận xét nào: