Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Công chức Hội An đi xe đạp: Áp đặt mà có lợi cho dân thì tốt! - Xã hội - Dân trí

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - trò chuyện với người dân Cù Lao Chàm.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - trò chuyện với người dân Cù Lao Chàm.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - trước việc toàn bộ công chức Hội An sẽ đến công sở bằng xe đạp. Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng, nhất là với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới TP Hội An sinh thái - văn hóa - du lịch. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến quan ngại chủ trương này liệu có thực tế và có thực hiện được lâu dài?

 

PVDân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sự - người khởi xướng chủ trương này.

 Thưa ông, hiện nay ông đến công sở hàng ngày bằng phương tiện gì? 

Từ hơn 10 ngày nay tôi đã bắt đầu đi làm bằng xe đạp rồi. Trước đó thì tôi đi xe máy, bây giờ tôi đi làm xe đạp hẳn rồi.

 Quãng đường từ nhà ông đến công sở cách bao xa? Ông có thấy thuận tiện hay bất tiện khi đi lại bằng xe đạp? 

Từ nhà tôi tới cơ quan khoảng 3 km. 3km không dài. Mà khi đi cơ sở, tôi cũng đi bằng xe đạp. Một ngày trung bình tôi đi khoảng 15km. Mấy ngày đầu thì mệt thật. Bởi lâu nay mình đi xe máy nhanh, đi xe đạp thấy chậm. Rồi đi xe đạp thì phải vận động. Nhưng dần dần tôi nghiệm ra là do lâu nay mình quen chạy xe máy nhanh nên thấy vậy, chứ TP Hội An không quá rộng lớn, khi không có gì quá vội vàng thì đi xe đạp đâu có chi bất tiện. Qua mấy ngày khó chịu lại thấy đi xe đạp khỏe người, quan sát được xung quanh nhiều hơn, gặp người quen thì dừng lại chào hỏi, chứ đi xe máy ào ào nhiều khi không để ý.

 Trong khi người ta cải thiện đời sống qua việc “lên đời” xe gắn máy rồi xe ô tô, Hội An quay lại đi xe đạp liệu có “ngược đời” không? 

Đạp xe đi làm ở Hội An, tôi chẳng thấy có chi là ngược đời. Mà tôi còn thấy đây là một thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần. Đối với cán bộ công chức, đây còn là cách để quan sát thực tiễn kỹ hơn, gần dân hơn.

Một chủ trương chỉ gọi là ngược đời khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khi nó đi ngược với lợi ích chung của thành phố. Còn ở đây là vì sự phát triển chung của Hội An, phù hợp với thực tiễn ở Hội An.

Tôi nói đi xe đạp ở Hội An là lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần, là thái độ văn minh ở thành phố mình đang sống. Hiện đại ở chỗ sống thân thiện với môi trường. Mình sống phải biết nương tựa vào thiên nhiên, nương tựa vào tự nhiên, thậm chí là đối thoại với thiên nhiên để mà sống. Nếu anh đi xe máy, tiếng ồn ào và tốc độ sẽ khiến anh khó mà cảm nhận xung quanh. Chưa kể chất thải của xe có động cơ nữa. Rồi chưa kể đến vấn đề tai nạn. Chu vi thành phố Hội An không quá rộng lớn. Vậy nếu không có việc gì quá gấp gáp, chúng tôi khuyến khích người dân đi lại trong thành phố bằng xe đạp để giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn là cho chính mỗi người, cho con cháu mình.

 Việc Hội An tổ chức cho cán bộ, công chức đến công sở bằng xe đạp có mang tính áp đặt không?  

Tôi nghĩ thế này, thực ra mà nói “áp đặt” nó có hai kiểu; một là, cái kiểu áp đặt duy ý chí của lãnh đạo mà không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng thì thôi; hai là “áp đặt” mà mang lại lợi ích cho nhân dân, cho thành phố này thì tôi nghĩ là tốt.

Trước khi đưa ra chủ trương này, chúng tôi đã đưa vào thảo luận ở từng cơ quan ban ngành rồi và được hưởng ứng. Công chức đi xe đạp thì dễ quan sát thực tiễn thành phố kỹ hơn, tiếp cận người dân cũng thân thiện hơn.

Không thể nói đi xe đạp đi làm không được. Hàng chục năm qua, người dân trong khu phố cổ họ đi xe đạp mà thậm chí là đi bộ. Du khách đến Hội An người ta cũng hưởng ứng. Tại sao dân người ta làm được mà anh là cán bộ công nhân viên nhà nước anh không làm được?

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - trò chuyện với người dân Cù Lao Chàm.

"Tại sao cả chục năm nay, người dân phố cổ đi xe đạp được mà anh là cán bộ công nhân viên nhà nước anh làm không được?"- ông Sự nói

Theo thông báo là từ 15/3, cán bộ công chức mới bắt đầu đến công sở bằng xe đạp, nhưng hiện ở Hội An nhiều cơ quan ban ngành người ta bắt đầu đi xe đạp rồi. Ngay UBND TP có cả  mười mấy người đi rồi. Mấy anh lãnh đạo làm trước và làm được. Anh làm lãnh đạo anh nói được mà không làm được thì ai nghe.

Tất nhiên, có những trường hợp anh nào trong ngày đi cơ sở quá xa, hoặc các chị em có con nhỏ thì cơ quan cho đi xe máy. Quy định là phải thực hiện nhưng không phải thực hiện một cách cứng nhắc mà hợp tình hợp lý.

 Ông có tin tưởng chủ trương này được đông đảo mọi người, không chỉ cán bộ, công chức mà cả người dân hưởng ứng lâu dài? 

Tôi tin tưởng điều đó. Tôi tin tưởng chủ trương nào đúng thì từ chỗ thực hiện vì quy định, mọi người sẽ thực hiện vì chính lợi ích của mình, của thành phố. Ví dụ như không sử dụng túi ni lông ở Cù Lao Chàm ban đầu là quy định. Bây giờ không đợi ai giám sát, người dân người ta vẫn tự giác nói không với túi ni lông. Ví dụ quy định cấm xe có tiếng động cơ trong khu phố cổ, ban đầu cũng phản ứng dữ dội lắm; nhưng rồi cả chục năm nay người dân họ thấy làm vậy có lợi cho chính họ trước nên thành nề nếp luôn.

Lâu nay người ta thích Hội An là vì nó yên bình, không vội vàng, có cái gì đó rất chừng mực. Người đi xe đạp ở Hội An họ thấy thoải mái, nhẹ nhàng, mà du khách người ta đến người ta thấy mình đi lại bằng xe đạp, họ cũng thấy thư thái, nhẹ nhàng. Hội An mà không yên tĩnh thì không còn là Hội An nữa. Hội An mà mất đi cái yên tĩnh thì Hội An “chết” không chỉ về mặt văn hóa tinh thần, mà cả kinh tế nữa. Người ta không thích đến đây nữa thì ngành du lịch “chết”.

Chủ trương cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp và vận động nhân dân hưởng ứng là nhằm góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới thành phố Hội An sinh thái - văn hóa - du lịch. Nhưng trước cả những danh hiệu, thương hiệu đó, chủ trương chúng tôi đưa ra và vì chính người dân Hội An.

 Xin cảm ơn ông! 

 Khánh Hiền  (thực hiện) 

Xem thêm :hội an, thành ủy, cù lao chàm, Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy, Anh, lãnh đạo, văn minh, người dân, thành phố Hội An, người dân Hội An, Chủ trương cán bộ

Không có nhận xét nào: