Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Biển đảo, cao nguyên ngập tràn du khách


Du khách chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Lang Biang (Lâm Đồng) - Ảnh: Phan Thành

Ở miền Trung, ngoài biển Đà Nẵng, năm nay tour đi   cù lao chàm   (Quảng Nam) hút khách đông hơn. Và lần đầu tiên, Huế có lễ hội “Sóng nước Tam Giang” với nét văn hóa độc đáo bên đầm phá đầy ắp cá tôm.
Tránh nóng thì về Đà Lạt
Lượng du khách đổ về Đà Lạt khoảng 140.000 người, tăng 30% so với ngày lễ năm ngoái. Ngay ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ, Đà Lạt đã xuất hiện hiện tượng quá tải ở các điểm du lịch, nhà hàng, quán ăn.
Quanh hồ Xuân Hương mát mẻ, nhiều gia đình tổ chức những bữa ăn ngoài trời. Các điểm du lịch đều có lượng khách đến tham quan tăng đột biến. Chị Nguyễn Minh Hoài, đến từ TP.HCM, dù hay đi Đà Lạt nhưng dịp này vẫn chọn nơi đây: “Đà Lạt là nơi tránh nóng tuyệt vời, đến đây nghỉ ngơi thì hết sẩy”.
Tại khu du lịch Thung lũng tình yêu, ước tính số lượng khách mua vé vào cổng ngày 30-4 là hơn 3.000, tăng 2.000 lượt so với ngày thường - theo ông Phan Khắc Cử, phó giám đốc khu du lịch này. Tuyến tham quan bằng xe lửa Đà Lạt - Trại Mát cũng thu hút đông khách tham gia, có nhiều lượt khách phải đặt mua vé trước. Tương tự, khu du lịch cáp treo Đà Lạt tăng tốc độ hoạt động lên tối đa để phục vụ khoảng 700 lượt khách/giờ. Lễ hội cồng chiêng “Về với đất mẹ đại ngàn” có sự tham gia của hơn 700 nghệ nhân tại khu du lịch Lang Biang cũng thu hút hàng ngàn khách ghé thăm.
Khách chọn tour đi đảo
Ông Hà Quang Long - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh - cho biết các tour du lịch biển đảo rất hút khách. Nhiều đoàn khách đã đặt trước tour du lịch đến các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn. &Ldquo;Dự kiến lượng khách đến các huyện đảo này tăng 30%, khoảng 30.000 người. Từ trước dịp lễ khách đã đặt hết phòng nghỉ ở các điểm du lịch biển đảo này” - ông Long nói.

15.000 du khách viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày 30-4, Quảng Bình đã đón một lượng du khách quá đông. Trong đó, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa là điểm đến đông nhất. Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, đội trưởng đội bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết lượng khách đến viếng trong ngày 30-4 lên tới gần 15.000 người. &Ldquo;Chưa từng có ngày nào khách về viếng Đại tướng nhiều như vậy. Nhiều nhất là cựu chiến binh, cựu TNXP từ khắp mọi miền đất nước” - trung úy Hào nói.
 LAM GIANG 

Trong khi đó trong ngày 30-4, hơn 4.000 du khách đã đổ ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Hơn 100 chiếc canô, 3 tàu gỗ hoạt động hết công suất. Đáng nói là khách đông nhưng giá cả vẫn bình ổn. Giá vé canô 150.000 đồng/người/lượt, tàu gỗ 50.000 đồng/khách. Vé tham quan 10.000 đồng/khách. Cơm 80.000 đồng/suất đầy đủ các món: hải sản, canh, cá kho, xào chua ngọt, rau rừng, trứng...
Ông Nguyễn Văn An - chủ tịch xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) - cho biết hơn 40 nhà nghỉ, nhà dân (dịch vụ homestay) trên đảo đều đầy khách. Khu du lịch Bãi Chồng cũng có hàng trăm khách ở lại ngủ lều, chơi đốt lửa trại, hò hát thâu đêm.
Còn ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trong ngày 30-4 đón 800 du khách đến thăm. Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải và đình làng An Vĩnh, An Hải, chùa Hang, chùa Đục, hang Câu là những nơi du khách chọn làm điểm đến.
Thú vị với “Sóng nước Tam Giang”
Đêm 30-4, lễ hội “Sóng nước Tam Giang” đã khai mạc tại bến đò Cồn Tộc, bên bờ phá Tam Giang, thuộc huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tham dự. Một chương trình nghệ thuật diễn ra trên sân khấu nổi lên giữa mặt nước đầm phá Tam Giang, tái hiện cuộc sống của ngư dân qua những ngôi nhà chồ, những cây cầu khỉ chênh vênh, những người dân chèo đò bủa lưới...
Từ đầu buổi sáng 30-4 đã diễn ra hội chợ sản vật vùng đầm phá bên bờ đầm nước gây thích thú cho du khách. &Ldquo;Tuyệt quá, tôm cá tươi ngon bắt lên từ đầm phá. Nếu nhà ở gần, có lẽ tôi sẽ mua thật nhiều mang về” - bà Lê Băng Tâm, một du khách đến từ TP.HCM, trầm trồ.
Bà Tâm ngạc nhiên bởi hội chợ này toàn hàng “cây nhà lá vườn” của người dân vừa làm ngư nghiệp trên đầm phá, vừa gieo trồng trên những khoảnh đất pha cát nhiễm mặn ven vùng phá nước lợ. Ngoài những con cua, tôm, cá tươi ngon đặc sản của đầm phá, còn có rất nhiều loại rau dưa, củ quả vùng cát đặc trưng và nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo của người dân. Thậm chí có cả những củ khoai mì, khoai môn hay củ nưa... Vừa luộc, còn nóng hổi bày bán cho du khách.
Kéo dài đến ngày 2-5, lễ hội “Sóng nước Tam Giang” được tổ chức như là lời kêu gọi các nhà đầu tư hãy đến với vùng đầm phá Tam Giang giàu tiềm năng và rộng lớn nhất Đông Nam Á (hơn 22.000ha) nhưng hầu như chưa được khai thác. Từ ba năm nay, tại đây chỉ mới hình thành hai tour du lịch sinh thái tại làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) và làng An Thạnh (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền). Cả hai đều đưa du khách trải nghiệm với những sinh hoạt của ngư dân và thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng đầm phá kết hợp tham quan một số điểm di tích và làng nghề truyền thống.
NHÓM PV


Thủ tướng yêu cầu bảo đảm phương tiện đi lại cho người dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công điện về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trong dịp nghỉ lễ, kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và Ngày quốc tế lao động 1-5.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ lễ và tại các khu du lịch, vui chơi tập trung đông người, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nhu cầu đi lại cho nhân dân và trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục rà soát, không để thiếu phương tiện vận chuyển hành khách. Tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các bến xe, bến tàu, tuyến giao thông chủ yếu, điểm nút giao thông chính để kịp thời phân luồng, không để xảy ra ùn tắc. Phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tăng giá vé trái phép, chèn ép, tranh giành khách và vi phạm quy định về an toàn giao thông.
TTXVN

Không có nhận xét nào: