Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Câu chuyện thể thao: Khổ như làm bóng đá phong trào

Việc đội bóng Kim Toàn FC (Đà Nẵng) đại diện cho Việt Nam tham dự Giải bóng đá bãi biển châu Á nhưng không được hỗ trợ từ các cấp, nhất là kinh phí, đang có nguy cơ phải ở nhà, thực sự là cú sốc cho những ai yêu và muốn đưa bóng đá phong trào Việt Nam vượt giới hạn.

 

 

Kim Toàn FC là đội bóng phong trào hàng đầu Việt Nam, được vinh dự đại diện VN tham gia giải bóng đá bãi biển Châu Á nhưng vinh dự và trách nhiệm như là của riêng Kim Toàn.

Từ tín hiệu tích cực

Đến lúc này, BTC V-League 2013 vẫn ám ảnh nỗi lo các đội bỏ giải giữa chừng, khi nhiều đội bóng đang chạy ăn từng bữa để tồn tại. Tồn tại một đội bóng chuyên nghiệp đã khó, với bóng đá phong trào cũng không là ngoại lệ.

Để tồn tại một đội bóng có hoài bão, tính chuyên nghiệp cao, mong muốn thi thố với các đội bóng quốc tế, cần hơn nữa những sự ủng hộ ở cấp vĩ mô. Bóng đá phong trào đang có khí thế rất mạnh, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến việc thành lập đội bóng phong trào, hay tổ chức ra những giải đấu nghiệp dư, bởi ít nhiều ở sân chơi này còn vô tư, trong sáng, mang lại nhiều niềm vui đích thực của bóng đá.

Đến chuyện “khó nói” của một ông bầu bóng đá phong trào

Ông bầu Ngô Văn Hỷ của Kim Toàn Đà Nẵng cho biết, rất nhiều tỷ đồng đã đổ vào đầu tư cho Kim Toàn FC. Kim Toàn hướng tới sự chuyên nghiệp, từ việc tuyển quân, tập luyện lẫn trang phục thi đấu, ăn ở, sân bãi. Ngay cả chuyện bỏ tiền cho cầu thủ chữa trị chấn thương sau thi đấu cũng là chuyện hiếm, vậy mà họ làm được trong 2 năm qua.

Đội futsal Kim Toàn từng vô địch Cúp truyền hình DRT 2012, rồi vô địch Larue Cup ở Đà Nẵng 2013. Với dàn hảo thủ hiện tại, Kim Toàn còn là ứng viên vô địch Siêu Cup Larue 2013. Còn đội bóng đá bãi biển Kim Toàn cũng đoạt vị trí á quân giải quốc gia và giành tấm vé dự Giải bóng đá bãi biển châu Á 2013 sắp tới. Đấy là niềm vinh dự không chỉ cho bóng đá phong trào TP.Đà Nẵng.

Tuy nhiên trước ngày sang Trung Quốc thi đấu Giải bóng đá bãi biển châu Á, đội bóng của bầu Hỷ đang gặp khó khăn về mặt tiền bạc. Theo quyết định 851/QĐ-TCTDTT ký ngày 26/6/2013, do Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng ký, thì Sở VH,TT&DL TP.Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm tiền máy bay khứ hồi, hộ chiếu, tiền visa và các chi phí phát sinh cho đội bóng (tính ra khoảng 200 triệu đồng), còn VFF sẽ hỗ trợ trang phục thi đấu.

 

 

Công văn của Tổng cục TDTT cử Kim Toàn FC tham dự Cup bóng đá bãi biển châu Á tại Haiyang (Trung Quốc)

Nhưng theo quyết định từ lãnh đạo thành phố xuống cho lãnh đạo Sở, đội bóng Kim Toàn Đà Nẵng sẽ tự túc 100% chi phí đi lại sang Trung Quốc thi đấu, TP.Đà Nẵng và Sở VH, TT&DL không hỗ trợ.

Sau khi bỏ cả tỷ đồng đầu tư cho bóng đá bãi biển, futsal, họ đang mang lại tiếng thơm cho bóng đá Đà thành và hơn thế nữa. Nhưng khi bước ra một sân chơi khu vực, ngoài túi tiền của doanh nghiệp, sự quan tâm bằng hành động lẫn tiền bạc từ cấp có trách nhiệm với bóng đá nước nhà là điều quan trọng.

Nếu vì lý do kinh phí, thiếu sự quan tâm mà Kim Toàn FC không tham dự giải châu Á thì quả là đáng tiếc. Nếu như bầu Hỷ lẫn nhiều ông bầu bóng đá phong trào khác cũng thất vọng, rút lui dần khỏi sân chơi futsal, thì người chịu thiệt nhất lại chính là các Sở VH, TT &DL các tỉnh, lẫn VFF và Tổng cục TDTT. Món tiền hỗ trợ 200 triệu đồng không phải là lớn so với hàng trăm tỷ đồng mà các ông bầu bóng đã phong trào đã đổ ra xây dựng bóng đá phong trào Việt Nam lớn mạnh như thời điểm này.

Không có bóng đá phong trào thì đừng mơ có giải chuyên nghiệp vững mạnh. Câu chuyện Kim Toàn FC cô độc trước thềm giải bóng đá bãi biển châu lục thực sự gây băn khoăn cho các ông bầu khác đang đầu tư, phát triển bóng đá phong trào.

Mộc Miên
Thể thao & Văn hóa

Không có nhận xét nào: