Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Chung tay khơi dậy tiềm năng “Đất phương Nam”

(HNM) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với những sản phẩm  du lịch  độc đáo, đa dạng như: Du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh; tìm hiểu văn hóa Khmer, văn hóa khu vực hạ nguồn sông Mekong… tuy hấp dẫn nhưng lại chưa hẳn thu hút và níu giữ được đông đảo du khách gần xa. Trước thực tế trên, ngành du lịch ĐBSCL quyết định hợp tác với ngành du lịch Hà Nội để khai thác, phát huy tiềm năng ngành kinh tế mũi nhọn này.



&Quot;Mỏ" khách từ miền Bắc

ĐBSCL vốn có nhiều tuyến du lịch đặc biệt, như du lịch miệt vườn (ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang); du lịch mùa nước nổi (ở Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Đồng Tháp Mười); du lịch rừng ngập mặn và biển đảo (Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Quốc); du lịch tâm linh, văn hóa Khmer… Đại diện Hiệp hội du lịch khu vực ĐBSCL cho biết, trung bình mỗi năm, nơi đây thu hút gần 20 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế.
Một cơ sở sản xuất bánh tráng ở điểm du lịch ĐBSCL.

Những năm gần đây, thị trường khách miền Bắc có vai trò quan trọng đối với vùng ĐBSCL bởi rất nhiều du khách mong muốn tận hưởng những giờ đi trên sông nước, dọc theo các nhánh sông Mekong. Đặc biệt, du khách rất ưa chuộng vào khu miệt vườn cây trái trĩu quả, tự tay hái, thưởng thức với mức giá "thiệt tình như nông dân", trò chuyện với những người làm vườn để hiểu thêm về đời sống người dân... Để thu hút du khách về với vùng sông nước ĐBSCL, ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL và thành phố Hà Nội đã hợp tác, xúc tiến du lịch nhằm kích cầu lượng khách từ thị trường Hà Nội, các tỉnh phía Bắc đến với ĐBSCL và ngược lại.

Sự đổi mới thể hiện bằng việc vừa qua, 56 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng của 9 tỉnh ĐBSCL đã giới thiệu các sản phẩm du lịch kích cầu của mình với 150 doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn tại Thủ đô Hà Nội - một trong những điểm trung chuyển khách du lịch lớn nhất đất nước. Đây là bước tiến mới trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến hấp dẫn tại ĐBSCL, hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013-2020 và Chương trình kích cầu du lịch 2013 của các tỉnh ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chi nhánh Cần Thơ cũng có kế hoạch giảm 38-58% giá vé máy bay tới các điểm du lịch. 24 khách sạn, 16 đơn vị lữ hành cùng 9 nhà hàng ở ĐBSCL cùng cam kết giảm giá dịch vụ 5-10%. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng Mekong Riverside đã đưa ra một chương trình khuyến mãi hấp dẫn với mức giảm giá lên tới 58%, tạo điều kiện cho du khách về với mảnh đất này. Ngoài việc kết nối với Hà Nội, các công ty du lịch của ĐBSCL còn phối hợp với doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm xây dựng mạng lưới tour tuyến đón khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh vào ĐBSCL và ngược lại. Sau chương trình xúc tiến, một số hợp đồng cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp du lịch ĐBSCL đã được ký kết tại chỗ với các doanh nghiệp du lịch miền Bắc.

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững

Mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay du lịch ĐBSCL vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách bởi sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, độc đáo. Lĩnh vực du lịch sông nước và miệt vườn lâu nay luôn hút khách nhưng điệp khúc "lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử" khiến du khách cảm thấy nhàm chán vì "đi một tỉnh là biết 13 tỉnh". Nguyên nhân là do các địa phương quen làm theo kiểu "chắp vá", "mạnh ai nấy làm", cách tổ chức giống nhau, không có sự đột phá về hình thức, quy mô.

Khắc phục những hạn chế trên, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL, 5 tỉnh trong vùng gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã kết hợp xây dựng sản phẩm du lịch "Một điểm đến, bốn địa phương+" với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương. Sở VH,TT&DL, Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh ĐBSCL đã giới thiệu một số sản phẩm du lịch đặc sắc hè năm 2013 để "níu chân" khách phía Bắc. Đó là tour "Về quê công tử Bạc Liêu - Đông Hải", tour "Theo dấu chân người tình Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Vườn quốc gia Tràm Chim" , tour "Trải nghiệm Đồng Tháp mỗi ngày một nghề", tour "Trải nghiệm Đồng Tháp mùa nước nổi"… Đặc biệt, tour Cần Thơ - Mỹ Khánh, du khách còn sử dụng dịch vụ vui chơi - giải trí - dã ngoại như dịch vụ câu cá sấu, massage cá, hay trò chơi đua heo, đua chó có thưởng, xiếc khỉ hay thử "Một ngày làm điền chủ"… Đại diện Công ty Du lịch Mỹ Khánh cho biết, khách các thành phố rất thích tour một ngày làm chủ điền, ban ngày đi tham quan chợ nổi Cái Răng, tham quan miệt vườn, buổi chiều đi tát nước, bắt cá, thưởng thức món nướng dân dã từ chính các sản phẩm do mình bắt được. Để kích cầu du lịch lâu dài, các tỉnh cũng đang tìm hướng liên kết xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Các tỉnh triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch, tập trung vào sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp với địa phương khác nhằm tạo sự đa dạng, hấp dẫn đối với du khách.

Cùng với liên kết phát triển du lịch ở ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2013, trong đó trọng tâm khai thác nguồn khách nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch trong nước. Hai hiệp hội thống nhất thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa 2013 với vé máy bay giảm giá của Vietnam Airlines, Vietjet Air trên hành trình TP Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại. Hai đơn vị cũng đã làm việc với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố hai miền Nam - Bắc để vận động giảm giá các dịch vụ mặt đất. Trong đó, đề nghị các công ty lữ hành tham gia chương trình tour trọn gói khuyến mãi với tỷ lệ giảm giá ít nhất là 30%. Việc hai hiệp hội "bắt tay" thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa bằng những công việc cụ thể đã mở ra một hướng đi mới cho du lịch hai miền, tạo đà phát triển vững chắc cho du lịch Việt Nam.

Song song với phát triển du lịch, các tỉnh ĐBSCL còn phân phối hàng hóa, đặc sản tại Hà Nội. Nổi bật là tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cam kết đưa hàng hóa đặc sản của vùng miền tới nhân dân Thủ đô, trong đó chủ yếu là thủy hải sản, gạo. Các doanh nghiệp của Hà Nội và An Giang sẽ tổ chức bán hàng lưu động, tham gia các hội chợ; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; phân phối qua các chợ, siêu thị Hà Nội. Thỏa thuận ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà xuất khẩu của An Giang với một số nhà phân phối lớn của Hà Nội như: Hapro, Intimex, Fivimart, Lan Chi sẽ giúp đặc sản của tỉnh tiếp cận hệ thống phân phối, đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước trên địa bàn Thủ đô, các vùng lân cận nhanh chóng và rộng rãi hơn.

Không có nhận xét nào: