Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Những tỷ đô rút chạy

Gần đây nhất là vụ việc nhà đầu tư Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB) của Malaysia đã xin rút khỏi thỏa thuận hợp tác để đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương vào cuối tháng 5/2013. Hay vụ việc MGM Resorts International rút khỏi dự án khu  du lịch  tích hợp quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam Hồ Tràm Strip 4,2 tỷ USD vào tháng 3/2013.


 

Nhiều dự án tỷ đô do nước ngoài đầu tư đã phải tháo chạy khỏi Việt Nam

Ngoài ra, còn có nhiều dự án tỷ đô khác của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang phải "tháo chạy" khỏi Việt Nam, ngay từ khi còn trong trứng nước, hoặc phải tạm ngừng triển khai dự án vì còn nhiều bất cập.

Cụ thể, dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, được UBND TP.Hồ Chí Minh cấp phép ngày 11/6/2008, khởi công vào tháng 7/2008 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD.

Đây là dự án liên doanh giữa Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn với Công ty TA Assiociates International Pte.Ltd.(Singapore). Dự án từng được xem là lớn nhất khu vực ASEAN và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2012.

Tuy nhiên, tháng 11/2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, không trả tiền thuê đất và chậm thanh toán các khoản lãi phát sinh.

Cũng được cấp phép năm 2008, dự án Khu công viên văn hóa thế giới kì diệu của Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam cùng chung số phận với nhiều dự án “tỉ đô” khác. Dự án này do Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư 100% vốn tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,3 tỉ USD.

Tháng 2/2012, sau 4 năm cấp phép, chủ đầu tư là Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam không triển khai được dự án, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và buộc công ty Good Choice USA phải rút khỏi Việt Nam.

Dự án Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh và Cảng nước sâu Sơn Dương, có vốn đăng ký đầu tư 7,9 tỉ USD, do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) khởi công từ tháng 7/2008 nhưng đến tháng 12/2012 mới chính thức thi công. Hồi cuối năm 2012, Formosa đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 7,9 tỉ USD lên 9,9 tỉ USD và mới đây đang xin tăng vốn đầu tư lên 28,5 tỉ USD.

Với số vốn 9,9 tỉ USD, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số hơn 14.500 dự án đang còn hiệu lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, tiến độ triển khai dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Việt Nam thì nhiều dự án tỷ đô khác lại đang chờ được cấp phép, nhưng chưa rõ số phận sẽ ra sao.

Chẳng hạn dự án nhà máy sản xuất máy giặt, máy điều hòa, tivi và linh kiện điện tử dùng cho ôtô của Tập đoàn LG (Hàn Quốc). Nhà máy dự kiến được xây dựng tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 300 triệu USD. Hiện nay, việc xem xét các cơ chế ưu đãi đầu tư cho dự án này đã ở giai đoạn cuối và vẫn đang chờ được cấp phép.

Hay dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định của Tập đoàn dầu khí Thái Lan đang tranh cãi gần đây, cũng được liệt vào danh sách các dự án tỷ đô đang chờ cấp phép.

Một siêu dự án trị giá 30 tỷ USD với biệt danh “Phố Wall Hà Nội” do tập đoàn bất động sản Global Sphere có trụ sở tại Dubai làm chủ đầu tư cũng đang được chờ cấp phép.

Dự án sẽ có khoảng 70 tòa chung cư với chiều cao khác nhau, dao động từ 40-70 tầng. Ở giữa các tòa chung cư này sẽ là một tòa tháp trung tâm cao 102 tầng.

Theo đại diện Hội đồng quản trị Global Sphere, siêu dự án của tập đoàn này tại Hà Nội sẽ là một cánh cửa cho các công ty UAE muốn vào thị trường Việt Nam.

Duyên Duyên

Không có nhận xét nào: