Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

“Kho báu” giữa Sơn Trà

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (nằm trên bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được biết đến không chỉ là nơi  du lịch  sinh thái lý tưởng của Đà Nẵng mà ở đây còn được xem là “vương quốc” của voọc chà vá chân nâu. Bởi trong khu bảo tồn thiên nhiên này quần thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống với số lượng nhiều nhất trên thế giới.

Voọc chà vá tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng)

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Anh Jonathan, nghiên cứu sinh người Mỹ, cho biết: Quả thật đây là kho báu của thế giới. Voọc chà vá chân nâu là linh trưởng quý hiếm, qua tìm hiểu tôi biết loài voọc này đang tồn tại một số nơi trên thế giới. Riêng ở bán đảo Sơn Trà được đánh giá có số lượng cá thể lớn nhất nên tôi quyết định chọn nơi đây để làm đề tài nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ của mình. Khác với những đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây, tôi sẽ tập trung nghiên cứu quá trình sinh sống, ăn uống, hệ tiêu hóa của loài linh trưởng này. Tôi nghĩ đây sẽ là cơ sở để đưa ra các giải pháp bảo vệ loài voọc này trên thế giới.

Loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969. Đến nay có ít nhất 5 đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến.

Nghiên cứu viên Nguyễn Ái Tâm, Trưởng phòng nghiên cứu Trung tâm đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt), cho biết: Qua nghiên cứu về tập tính và sinh hoạt hàng ngày của voọc, chúng tôi biết được chúng thường ăn ở theo từng gia đình. Chúng tôi đã theo sát một gia đình voọc gồm 5 con. Khoảng 6 giờ sáng, chúng thức dậy và đi ăn, thức ăn của chúng là quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác tại bán đảo Sơn Trà. Khoảng 11 giờ chúng ngủ, đến 3 giờ chiều, trời mát chúng đi ăn lại.

Ở nước ta, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn voọc chà vá quốc tế và theo các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì tại bán đảo Sơn Trà đang phát triển ổn định. Đây là điều đáng mừng. Tiến sĩ Đinh Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sinh - môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nói: Năm 1995, tôi may mắn trở thành người đầu tiên phát hiện nghiên cứu về loài linh trưởng này. Lúc đó, khoảng chừng 200 cá thể, nhưng bây giờ theo kết quả khảo sát nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cũng như nhiều chuyên gia động vật học khác, số lượng cá thể voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà đã tăng lên khoảng 350 cá thể. Đây là nơi có số lượng cá thể lớn nhất thế giới.

Được biết, từ năm 1995 trở về trước, tình trạng săn bắt, đặt bẫy thú, khai thác gỗ, đốt ong trên bán đảo Sơn Trà còn xảy ra nhiều, nguy cơ tuyệt chủng loại voọc này rất lớn, nhưng trong thời gian gần đây, với quyết tâm của chính quyền cũng như ngành lâm nghiệp TP Đà Nẵng, môi trường sinh sống của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này đã được bảo vệ. Những động thái tích cực đó phải kể đến việc ngành lâm nghiệp Đà Nẵng đã đầu tư hàng tỷ đồng để làm các cầu cây xanh bắc qua các đường công vụ để cho loài voọc có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề án “Bảo tồn đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” với kinh phí 40 tỷ đồng. Và mới đây nhất, địa phương này cũng đã ra quyết định dừng tour “bắn súng sơn” ở khu vực này nhằm tránh gây nên những tác hại đối với môi trường sống của các loại động thực vật nơi đây.

Tuy nhiên, để bảo vệ “báu vật” này, nhiều chuyên gia cho rằng: Ngoại trừ những tác động tiêu cực bất khả kháng từ phía thiên nhiên thì Đà Nẵng cũng như các tổ chức liên quan cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch trên bán đảo Sơn Trà.

 

 
 

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là một khu rừng nguyên sinh, tập hợp của một kho tàng sinh thái phong phú, đa dạng và sống động. Theo các nhà sinh thái học, hiện nay Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu.

 
 

NGUYỄN HÙNG

Không có nhận xét nào: