 | Ngành du lịch sẽ quyết tâm lập lại trật tự trong hoạt động du lịch và dịch vụ. |
Thời gian qua, ngành Du lịch liên tục để xảy ra những điều tiếng trong mắt du khách: bị bắt chẹt, làm phiền… Nổi cộm nhất là tại TP.Hà Nội, chỉ trong 5 ngày (từ ngày 23/4/2013 đến 28/4/2013) đã liên tiếp xảy ra 3 vụ tài xế taxi chặt chém du khách: đi khoảng 5km nhưng bị bắt trả 1,3 triệu đồng; đồng hồ hiển thị 98.000đồng nhưng tài xế bắt khách trả gấp 10 lần,… khiến đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải lên tiếng xin lỗi du khách. Tuy nhiên, những vụ việc chặt chém khách vẫn tiếp tục xảy ra,… Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến lượng khách du lịch đến Việt Nam liên tục sụt giảm?
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của sự sụt giảm lượng khách cho thấy các nhà kinh doanh đầu tư có xu hướng thận trọng mở rộng đầu tư ra nước ngoài; còn người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu các khoản không thiết yếu để thích ứng với tình hình kinh tế trong nước cũng như trên thế giới vẫn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đó chỉ là đối với những khách đến Việt Nam với tư cách nhà đầu tư. Còn đối với khách du lịch, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cung cách quản lý lỏng lẻo, cách làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, để tình trạng lừa gạt, chặt chém du khách vẫn xảy ra, nếu không muốn nói là có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Ngoài ra, là hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng còn yếu, đường sá xuống cấp... Vì vậy, dù tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất to lớn, song đến nay, chúng ta vẫn chưa tạo được những sản phẩm du lịch mang tầm vóc thương hiệu quốc gia. Trong khi, giá đi tour lại cao hơn các nước khác tới 30% do thiếu tính liên kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ lữ hành như: đi lại, phòng ốc, ăn uống. Vì vậy mà có người đã so sánh: Ở Thái Lan, người dân xem mỗi du khách là bạn của đất nước, đón và phục vụ rất thân thiện. Còn ở Lào ngay cạnh chúng ta, tiềm năng du lịch không bằng Việt Nam nhưng đường sá của họ tốt hơn nhiều, du khách lên xe là yên tâm, không phải canh cánh nỗi lo bị tai nạn giao thông, bị lừa gạt, chặt chém như ở ta…
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 10,3 tỉ USD vào năm 2015; 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 18,5 tỉ USD vào năm 2020 và 18 triệu lượt khách quốc tế, 71 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 35,2 tỉ USD vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng, để mục tiêu này thành hiện thực, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngành du lịch và chính quyền các địa phương để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc trước mắt phải có những biện pháp quyết liệt để chấm dứt nạn lừa gạt, chặt chém, đeo bám du khách, đảm bảo mỗi du khách đến Việt Nam đều cảm thấy thoải mái, an tâm.
Trước tình trạng chèo kéo, đeo bám, chặt chém, thậm chí cướp giật tài sản của khách du lịch ngày càng khó lường, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội lên kế hoạch thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý vụ việc nhanh nhất. Ghi nhận nỗ lực này của Sở nhưng nhiều ý kiến lại e ngại về tính hiệu quả bởi Sở chỉ chuyển tin cho Công an giải quyết chứ Sở không phải là cơ quan giải quyết sự việc.
Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Công an và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt, không để tình trạng hoạt động lộn xộn của taxi. Theo Phó Thủ tướng, các bến xe ở Hà Nội rất lộn xộn, hoạt động taxi có hành vi gian dối, lừa phỉnh hành khách gây mất uy tín.
Cũng để tăng cường bảo vệ khách du lịch, Tổng cục Du lịch đã đề xuất xin sửa Luật Du lịch năm 2005, trong đó bổ sung một chương về khách du lịch, quy định những điều khoản để bảo vệ quyền lợi của du khách. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất sửa đổi Nghị định số 16 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, theo hướng tăng mức phạt, thậm chí xem xét một số hành vi có thể chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự để xử phạt nghiêm khắc hơn. Đây là những động thái tích cực cho thấy, cơ quan chức năng đã kiên quyết hơn để lập lại trật tự trong hoạt động dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của du khách.
Khách tăng do biết làm du lịch “sạch”
Trái với tình hình chung của ngành Du lịch cả nước, 5 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Hội An (Quảng Nam) vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lãnh đạo ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trước hết, đó là nhờ vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của Hội An nhưng quan trọng hơn là cả cộng đồng người dân nơi đây đều có ý thức làm du lịch “sạch”, xem mỗi du khách đến Hội An như một người bạn quý. Đặc biệt, ở đây hầu như không xảy ra nạn “chặt chém”, cá nhân nào có hành vi lừa gạt du khách sẽ bị quần chúng tố giác và bị chính quyền xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, Hội An mới chỉ là số ít địa phương ở nước ta biết làm du lịch. |
Văn Phúc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét